Câu chuyện mới đây của một cô gái trẻ người Trung Quốc về lý do xin từ chức khiến nhiều người không khỏi xôn xao bàn tán. Theo cô gái, cô vốn là người yêu thích thời trang, thường xuyên học cách phối đồ sao cho trẻ trung mà vẫn lịch sự, phù hợp với công việc của mình.
Rắc rối xảy đến khi cô liên tục bị bộ phận nhân sự của công ty nhắc nhở, nói rằng cô mặc váy quá ngắn, không phù hợp với môi trường lao động mặc dù trong hợp đồng lao động hay nội quy của công ty không bắt buộc phải mặc đồng phục, không có quy định về trang phục đi làm.
Đến lần thứ 3 bị nhắc, cô gái cảm thấy vô cùng khó chịu, cuối cùng nộp đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy bị xâm phạm quyền tự do. Sau khi nghỉ việc, cô cũng đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý. Trong đó có những người cùng cảnh ngộ với cô, chia sẻ trải nghiệm khó quên khi đi làm của mình.
Điển hình là một chia sẻ như sau: "Tôi thích thời trang và mong muốn được ăn mặc đẹp khi đi làm. Khi đó mới ra trường, tôi vào làm trong một công ty tư nhân quy mô lớn, người phụ trách bộ phận nhìn thấy những bộ quần áo tôi mặc rất khó chịu, cô ấy hỏi một cách lạ lùng: "Nhà cô có giàu không?". Tôi bối rối trả lời: "Không!". Cô ấy lại nói: "Nhìn cô xem, ngày nào cũng thay quần áo mới".
Tôi ngạc nhiên, ngày nào cũng ra đường, về nhà bụi bặm, ai mà không thay quần áo cơ chứ. Sau đó, hai ba ngày tôi mới thay một bộ quần áo, người phụ trách lại nói: "Không được mặc váy trên đầu gối đi làm".
Cũng ổn thôi, tôi thay váy bằng quần. Kết quả vẫn còn bị nói: "Công ty là nơi làm việc, đừng ăn mặc quá thời trang, nhìn không giống nhân viên".
Đến lúc này, tôi hoàn toàn cứng họng, không nói được gì. Một ngày sau, người phụ trách vô tình nhìn thấy tôi từ cổng B3 đi lên, cô ấy rất ngạc nhiên và hỏi tôi: "Tại sao lại đi thang máy từ bãi đậu xe?". Tôi cũng ngạc nhiên trả lời: “Xe tôi để ở khu B3, tất nhiên đi thang máy từ B3 rồi!”
Chiều hôm đó, người phụ trách gọi tôi vào phòng riêng, nói rằng tôi thường mặc quần áo thời trang, có vẻ như sẽ không thể chịu đựng được khó khăn. Trong khi đó cường độ làm việc của công ty cao và khối lượng công việc nhiều, điều cần thiết nhất là sự chăm chỉ, nỗ lực, nhân viên chăm chút bề ngoài, ăn diện như tôi không đáp ứng được yêu cầu của công ty và không phù hợp để sinh hoạt trong môi trường công ty.
Sau khi trải qua chuyện này, tôi rút ra bài học, đó là bạn phải ăn mặc như một người khốn khổ, tốt nhất là nghèo một cách thảm hại, để có thể làm việc yên ổn. Ngược lại, nếu bạn ăn mặc đẹp, sành điệu hơn một chút, đặc biệt là thay đổi quần áo hàng ngày, thậm chí lái ô tô, thì bạn làm việc không hiệu quả.
Ngay cả khi quần áo và túi xách của bạn là hàng vỉa bè, cộng lại còn chưa đến 100 tệ (khoảng 350.000 đồng) thì vẫn chưa đủ. Bởi vì, thích ăn diện = không chịu được khó khăn vất vả = không thể làm tốt công việc của mình, sẽ bị sa thải.
Vì vậy, khi đến những cuộc phỏng vấn sau, tôi luôn nhấn mạnh hoàn cảnh gia đình khó khăn, thể hiện rằng vì nghèo nên sẽ rất chịu khó làm việc. Cùng với đó, thời trang đi làm của tôi chỉ có quần đen và giày bệt, cả năm không bao giờ thay đổi, không trang điểm đi làm, lái xe thì gửi bên ngoài công ty, thể hiện rằng cuộc sống vất vả, nghèo đến nỗi túi sạch hơn mặt, còn phải lo cho em trai ở nhà.
Khi các đồng nghiệp của thấy điều này, tất cả họ đều nở nụ cười hài lòng và tôi sống yên ổn hơn rất nhiều. Hôm nay nhân chủ đề này, tôi chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn mới ra trường, hãy học hỏi để bớt phiền phức".
Đây là chia sẻ nhận được nhiều lượt tương tác nhất, đa số đều cho rằng họ từng có trải nghiệm như vậy. Đồng thời, cũng không ít ý kiến nhấn mạnh, nếu như công ty có quy định về đồng phục, quần áo đi làm thì nên tuân thủ. Nếu không có mà bị nhắc nhở và sa thải vô lý thì có thể kiện, đòi quyền lợi người lao động.
Bình luận