• Zalo

Bi hài người đàn ông đi bán rau: Tiền thu được cao hơn khi làm giáo sư đại học

Chân dungThứ Hai, 08/01/2024 09:23:03 +07:00Google News

Mặc dù có 4 bằng thạc sĩ và 1 bằng tiến sĩ, ông Sandeep Singh (Ấn Độ) vẫn phải đi bán rau trên đường phố để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.

Tờ India Times đưa tin, tiến sĩ Sandeep Singh là giáo sư hợp đồng tại Đại học Punjabi ở thành phố Patiala thuộc bang Punjab, phía Bắc Ấn Độ trong vòng 11 năm. Có 4 bằng thạc sĩ, 1 bằng tiến sĩ nhưng ông lại đang bán rau mỗi ngày trên đường phố của Punjab.

Vị tiến sĩ 39 tuổi giảng dạy theo hợp đồng tại Khoa Luật của Đại học Punjabi. Ngoài tấm bằng tiến sĩ Luật, ông Singh còn có 4 bằng thạc sĩ về các môn học bao gồm tiếng Punjabi, Báo chí và Khoa học Chính trị. 

Tờ Times Now dẫn lời ông cho biết: "Tôi đã phải nghỉ việc vì tôi không được hưởng lương đúng hạn và thường xuyên bị cắt giảm lương. Tôi ngày càng khó khăn để kiếm sống với công việc đó. Đó là lý do tại sao tôi chuyển sang bán rau vì sự sống còn của bản thân và gia đình". 

Ông Sandeep Singh bán rau trên xe đẩy của mình trên đường phố Punjab. Tấm bảng trên xe có ghi: "Tiến sĩ Sabzi Wala".

Ông Sandeep Singh bán rau trên xe đẩy của mình trên đường phố Punjab. Tấm bảng trên xe có ghi: "Tiến sĩ Sabzi Wala".

"Có được một công việc nghĩa là bạn có thể trang trải các khoản chi cho gia đình với mức lương bạn nhận được. Nhưng nếu công việc đó không thể đáp ứng được nhu cầu tài chính, bạn liệu có còn tiếp tục?”.

"Trong 11 năm qua, tôi làm giáo sư tại Đại học Punjabi, nhưng ngay cả những năm làm việc, cống hiến chăm chỉ như vậy, tôi vẫn không được sự công nhận chính thức từ chính phủ. Tôi vẫn muốn làm giáo sư, nhưng hoàn cảnh không cho phép", ông nói thêm.

Với chiếc xe rau và một tấm bảng ghi: "Tiến sĩ Sabzi Wala", Tiến sĩ Sandeep Singh xuất hiện trên đường phố mỗi ngày để bán rau. Ông cũng chia sẻ rằng số tiến ông kiếm được khi bán rau còn nhiều hơn so với khi còn là một giáo sư đại học. 

Sau một ngày làm việc, ông lại trở về nhà và ôn thi cho tấm bằng cử nhân Khoa học Thư viện. Với ông, việc học là chuyện suốt đời. Người đàn ông này hy vọng có thể tiết kiệm tiền và mở trung tâm dạy học của riêng mình trong tương lai gần. "Tôi vẫn muốn làm giáo sư nhưng hoàn cảnh không cho phép", ông nói thêm. 

Được biết, mức lương của giáo viên ở Ấn Độ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại trường (công lập hoặc tư nhân), cấp bậc (giáo dục tiểu học, trung học hoặc đại học) và kinh nghiệm, trình độ học vấn của giáo viên.

Trong các trường công lập, giáo viên đầu vào có thể kiếm được mức lương hàng tháng từ vài nghìn rupee đến khoảng 30.000- 40.000 rupee (khoảng 8,8- 11,7 triệu đồng) trở lên, tùy thuộc vào tiểu bang và vị trí. Trong các trường tư thục, mức lương khác nhau và giáo viên có kinh nghiệm hoặc có trình độ tốt hoàn toàn có thể kiếm được số tiền cao hơn, đôi khi gấp nhiều lần mức lương của trường công lập.

Trong các tổ chức giáo dục cao hơn như cao đẳng và đại học, lương giảng viên có thể dao động đáng kể. Trợ lý giáo sư có thể kiếm được từ 30.000 đến 70.000 rupee (khoảng 8,8-20,5 triệu đồng) trở lên mỗi tháng, trong khi phó giáo sư và giáo sư có thể có mức lương cao hơn.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn