Bi kịch cuộc đời của phó giáo sư Vật lý nổi tiếng trở thành thợ sơn

Chân dungThứ Hai, 09/10/2023 16:08:02 +07:00

Từng là phó giáo sư Vật lý của Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, Tưởng Quốc Binh nghỉ việc cùng vợ ra nước ngoài sống mong đổi đời, nhưng mong ước không thành hiện thực.

Tưởng Quốc Binh (SN 1962) xuất thân trong gia đình nghèo ở huyện Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bố mẹ đều là nông dân, mặc dù trình độ học vấn không cao nhưng quan tâm đến việc học tập của con.

Biến nghịch cảnh thành cơ hội

Bố mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện cho Tưởng Quốc Binh đi học. Trân trọng cơ hội được học tập, anh cũng nỗ lực không ngừng nghỉ. Thành tích học tập của Tưởng Quốc Binh luôn đứng đầu trường, lớp. 

Từ nhỏ, anh xác định học mới thay đổi cuộc đời và thoát khỏi nghèo đói. Lấy đó làm động lực, suốt 12 năm, Tưởng Quốc Binh duy trì việc học trong điều kiện bất lợi. Ý thức được gia cảnh, thời gian rảnh, anh vừa học vừa làm.

Tưởng Quốc Binh. (Ảnh: Sohu)

Tưởng Quốc Binh. (Ảnh: Sohu)

Năm 1978, Trung Quốc nối lại kỳ thi tuyển sinh đại học trên cả nước. Tưởng Quốc Binh là một trong những thành viên đầu tiên đăng ký khóa học ôn thi. Không ngại vất vả, hàng ngày anh 'vùi đầu' vào sách vở, thậm chí đêm còn thắp đèn học.

Trước khi thi ĐH, Tưởng Quốc Binh vẫn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý và giành giải Nhất. Năm 1980, anh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH đạt được kết quả tốt. Bố mẹ biết Tưởng Quốc Binh có thành tích học xuất sắc, nhưng không nghĩ con trai trở thành thủ khoa tỉnh Hồ Bắc. 

Yêu thích Vật lý và có ý định tiếp tục nghiên cứu, nên Tưởng Quốc Binh chọn chuyên ngành này tại ĐH Thanh Hoa. Thời điểm đó, chuyên ngành Vật lý được các công ty săn đón và trao nhiều đãi ngộ. 

Sự nghiệp thăng tiến

Nhờ sự chăm chỉ, anh vượt qua 4 năm tại ĐH Thanh Hoa dễ dàng và trở thành gương mặt tiêu biểu của trường. Năm 1984, Tưởng Quốc Binh tốt nghiệp ĐH và 2 năm sau nhận được bằng thạc sĩ.

Vì thành tích ấn tượng, Tưởng Quốc Binh được ĐH Thanh Hoa giữ lại làm giảng viên. Nhận thấy cơ hội hiếm có, anh không do dự lập tức đồng ý. 

Là giảng viên trẻ có triển vọng của ĐH Thanh Hoa, Tưởng Quốc Binh luôn tìm kiếm cơ hội cho bản thân, học chưa bao giờ là đủ. Anh mong muốn được ra nước ngoài học và nghiên cứu.

Năm 1996, nhờ chương trình liên kết của ĐH Thanh Hoa và ĐH Purdue, Tưởng Quốc Binh dành được suất sang Mỹ học tiến sĩ chuyên ngành Vật lý Hạt nhân. 

Đại học Purdue nơi Tưởng Quốc Binh học tiến sĩ. Ảnh: Sohu

Đại học Purdue nơi Tưởng Quốc Binh học tiến sĩ. Ảnh: Sohu

Năm 2000, anh thành công lấy được bằng tiến sĩ và trở về Trung Quốc, tiếp tục giảng dạy tại 'Harvard châu Á'. Vài năm sau, Tưởng Quốc Binh được bổ nhiệm làm phó giáo sư trẻ nhất khoa Vật lý với mức lương hàng trăm nghìn NDT/năm.

Quyết định liều lĩnh

Về nước sau khi đi du học, tâm lý Tưởng Quốc Binh thay đổi. Trong quá trình đó, anh chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Bắc Mỹ và bắt đầu nuôi ước mơ định cư ở nước ngoài. Anh được bạn bè động viên, với thành tích của bản thân dễ dàng giảng dạy tại một trường ĐH ở đây, có mức lương tốt. Cuộc sống của anh sẽ được cải thiện trong vài năm.

Về sau, Tưởng Quốc Binh thể hiện rõ sự lơ đãng trong công việc. Nghiên cứu thực nghiệm từng được cho là thú vị nhưng cũng trở nên nhàm chán đối với anh. Sau khi thuyết phục vợ, anh đưa gia đình sang Canada sống. Ban đầu, vợ anh không đồng ý vì cuộc sống hiện tại ổn định. Hơn nữa, không phải ai cũng có thể trở thành giảng viên ĐH Thanh Hoa.

Nhưng Tưởng Quốc Binh vẫn xin nghỉ việc ở ĐH Thanh Hoa sang Canada định cư. Tuy nhiên, sau một thời gian anh nhận thấy môi trường sống không phù hợp. Hơn nữa, Tưởng Quốc Binh không thể tìm được công việc ưng ý. 

Ở Trung Quốc, anh là Phó giáo sư Vật lý nổi tiếng, dễ tìm được công việc yêu thích. Nhưng ở nơi đất khách quê người, Tưởng Quốc Binh phát hiện còn nhiều người giỏi hơn anh. 

Suốt 3 tháng, anh gửi đơn xin việc đi khắp nơi, nhưng các trường và viện nghiên cứu đều không nhận. Không có gia đình, người thân để nương tựa, Tưởng Quốc Binh quyết định tìm công việc chân tay kiếm sống qua ngày. 

Anh gắn bó với công việc sơn tường 6 tháng, nhưng chỉ kiếm được 5.000 đô la Canada (khoảng 90 triệu đồng). Điều này, giáng một đòn mạnh vào lòng tự trọng của Tưởng Quốc Binh. Xốc lại tinh thần, anh tìm hiểu thị trường việc làm, nhận thấy Canada không chuyên về nghiên cứu Vật lý. Do đó, anh quyết định đi học Hóa lấy bằng tiến sĩ ngành này tại ĐH Toronto.

Tốt nghiệp xong, anh tìm được việc liên quan đến ngành Hóa. Công việc cũng chỉ kéo dài 1 năm, sau khi hết hợp đồng anh không được tái ký. Lúc này, Tưởng Quốc Binh rơi vào trạng thất nghiệp, không có tiền nuôi vợ con. 

Anh không ngừng tìm kiếm công việc khác, nhưng may mắn chưa đến. Mặc dù sơ yếu lý lịch tốt, nhưng Tưởng Quốc Binh vẫn không tìm được việc phù hợp.

Tưởng Quốc Binh bất lực khi phải đối mặt với nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt của gia đình. Lúc này, anh tìm đến các công việc lặt vặt để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cuối cùng, anh lựa chọn cắt đứt liên lạc với vợ con đi lang thang khắp nơi. Ngày 20/7/2006, do không chịu được áp lực, anh tự tử ở tuổi 44. 

Dù thành công hay thất bại trong sự nghiệp, Tưởng Quốc Binh vẫn là người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về tinh thần học tập và nghiên cứu. Biến nghịch cảnh thành cơ hội, anh trở thành phó giáo sư trẻ nhất ĐH Thanh Hoa thời điểm bấy giờ. Sự ra đi của Tưởng Quốc Binh, ngày nay vẫn khiến nhiều người trong giới nghiên cứu tiếc nuối. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn