• Zalo

Bi hài chuyện sống trong nhà siêu nhỏ giữa Sài Gòn

Thời sựThứ Bảy, 19/09/2015 06:00:00 +07:00Google News

Bạn có thể sống trong căn nhà ngang 2m và dài 1,2m? Vậy mà ba bốn đời của một gia đình đã ở đó mấy chục năm nay.

Bạn có thể sống trong căn nhà ngang 2m và dài 1,2m? Vậy mà ba bốn đời của một gia đình đã ở đó mấy chục năm nay.

Đó là ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Dung (35 tuổi) trong hẻm 360 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM). Hai anh em Bảo Ngọc và Thế Bảo đang nằm dài bò ra nền nhà học.
Cậu anh Thế Trung thấy khách tới liền qua nhà hàng xóm để khách có chỗ bước vô nhà.
 Ông Trương Minh Tuấn trên tầng 2 của căn nhà trọ bề ngang chỉ hơn bốn gang tay trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4 - Ảnh: My Lăng

Nhà không đủ 
chứa... con
Thế Trung đang học lớp 6, Thế Bảo học lớp 2, còn Bảo Ngọc học lớp 1. Ba đứa nhỏ đã sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà vỏn vẹn 2,4m2 với bề ngang 2m, sâu 1,2m.
Tầng trệt vừa là chỗ tiếp khách, vừa là nơi nằm xem tivi của cả nhà, là chỗ ngủ của hai cậu con trai. Thay vì để đồ dưới đất, đồ đạc dụng cụ ở nhà chị Dung đều được treo hết trên tường, từ quần áo, cặp sách, xoong nồi, rổ rá...
Nhà tắm là khoảng trống nhỏ nép dưới chân cầu thang. Không có cửa nên mỗi lần tắm, chị Dung phải đuổi tụi nhỏ ra ngoài đường, đóng cửa lại. Tầng trên là chỗ ngủ của chị và con gái út, cũng là chỗ để đồ đạc chung của cả nhà.
“Nhà nhỏ quá, không dám mua sắm gì, chỗ ngủ còn không có nữa mà. Hồi tụi nó nhỏ còn đỡ, giờ lớn nhổng ra vô đụng nhau rầm rầm. Không đủ chỗ cho mấy đứa nhỏ xoay qua xoay lại, có cái chỗ ngủ thôi mà anh em nó giành lộn, cãi nhau hoài” - chị Dung tâm sự.
Nhà nhỏ nên sinh hoạt cũng trở nên khác biệt. Mỗi ngày chị Dung chỉ nấu một bữa cơm. Sáng, trưa ăn ngoài đường. Cái bếp phải dời ra ngoài cửa gần lối đi chung. Mưa thì bưng bếp ra ngoài đường có bạt che nấu tiếp. Mưa lớn quá thì bốn mẹ con ăn mì gói.
Căn nhà kiểu “đầu thừa đuôi thẹo” này được xây trên miếng đất còn dư sau khi làm nhà của bà cố ngoại chị Dung. Ông bà ngoại chị từng ở đây, rồi đến đời cha mẹ chị và bây giờ là chị với lũ con.
“Hồi ba tụi nhỏ chưa chia tay, ổng cũng ở đây” - chị Dung nói. Vợ chồng chị thôi nhau từ lúc bé Ngọc còn trong bụng.
Nhà nhỏ, con đông, tụi trẻ phải gửi tứ tán. “Tôi có tới sáu đứa lận. Đứa 18 tuổi ở với nội bên Q.6. Đứa 16 tuổi ở Trà Vinh với ngoại.
Thằng 14 tuổi gửi cho một chị không có con nhà đối diện trong hẻm nuôi từ nhỏ. Sắp tới bà ngoại tụi nhỏ lên đây giúp việc cho người ta, không biết chỗ đâu mà ngủ. Chắc tui mua cái ghế bố tối ra trước hẻm nằm” - chị Dung nói.
Trong “lò hơi”
Mới đi ngang qua căn nhà 151/35B Nguyễn Trãi (Q.5), không thể nhận ra đó là căn nhà nếu không lồ lộ cái cầu thang gỗ to bằng nửa bề ngang ngôi nhà chình ình trước mặt tiền.
Chủ nhà, bà Nguyễn Thị Tánh (72 tuổi), cho hay căn nhà này ngang 1,2m, sâu vô 8m nhưng vì không có tiền nên khi xây bà xây lùi vô 5m. Đã thế, mảnh đất lại “thắt đuôi chuột” nên phần cuối chỉ rộng hơn một gang tay.
Bà Tánh cho biết: “Miếng đất lúc đầu ngang hơn 4m, dài 8m. Hồi đó tôi không có tiền phải bán đi 3m ngang lấy tiền buôn bán. Sau khi lỗ vốn, tôi về đây xây nhà này mấy mẹ con ở”.
Trước đây căn nhà này là chỗ ở của bà Tánh và bốn người con. Bây giờ bà ở tầng trên, tầng dưới dành cho vợ chồng người con út và hai đứa cháu nội.
Nhà nhỏ nên cái gì cũng nhỏ: quạt mini, bóng điện nhỏ xíu và ngắn cũn, bếp lò xo bé tí, mấy cái nồi cũng siêu nhỏ. Chiếc giường sắt bề ngang chỉ hai gang tay là vật dụng to nhất trong căn nhà này.
Phía sau là nhà vệ sinh, nhà tắm. Muốn đi vào đó, bà Tánh phải lách người. Tất cả đồ đạc đều được đặt lên kệ treo dọc bờ tường.
Buổi trưa. Ngồi trong căn nhà mái tôn, nhỏ tẹo như cái hộp diêm đang phả hơi nóng hầm hập dù đã có tới ba cái quạt bật vù vù, tôi vẫn thấy ngộp thở, mồ hôi chảy ròng ròng.
Nhìn bộ dạng “khổ sở” của chúng tôi, bà Tánh bật cười: “Ban ngày còn đỡ nóng chớ tối hầm lắm. Tối sợ trộm nên đóng cửa lại, ngột ngạt không ngủ nổi”.
Ở trong cái “lò hơi” ấy, bà Tánh vẫn có thể nấu cơm, làm đồ ăn với cái bếp lò xo mini. Buổi tối ngủ, bà chỉ cần dẹp hết đồ đạc vào gầm giường là có chỗ nằm.
“Tôi ngủ đất bao năm nay quen rồi. Vừa rồi tính cho sinh viên thuê mới đóng cái giường sắt này. Đóng xong thì tụi nhỏ không chịu thuê” - bà Tánh than thở. Bà Tánh buồn rầu bảo đã rao bán căn nhà nhưng không ai mua.
 Căn nhà với chiếc cầu thang lộ thiên của bà Tánh

Không đủ chỗ ăn cơm chung
Khi chúng tôi đến, ông Trần Văn Đỏ (55 tuổi) ở căn nhà số 56/69 Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận) đang nấu đồ ăn tối trên bếp gas mini. Người đàn ông ấy chỉ mới ngồi nấu nướng đã choán hết không còn lối đi.
Căn nhà của vợ chồng ông hình tam giác theo kiểu phình đầu tóp đuôi. Bề ngang căn nhà được 1,45m rồi càng về cuối càng teo lại chỉ còn 30cm! Không có vách ngăn hay rèm che, từ ngoài cửa nhìn vào đã thấy ngay cái bếp rồi... nơi vệ sinh.
“Ngày trước nhà tui là chỗ nấu ăn, giặt đồ của bên vợ. Sau này làm nhà còn dư, má vợ cho vợ chồng tui” - ông Đỏ cho hay.
Ngôi nhà đặc biệt đó là nơi che mưa nắng của vợ chồng ông và ba đứa con. Từ nhỏ, cậu con trai lớn đã ở hẳn bên ngoại. Hai đứa em ngủ trên cái gác nhỏ xíu ngổn ngang đồ đạc. Lúc nào học thì sang nhà ngoại.
Khi cậu con lớn đi nghĩa vụ quân sự, tới lượt thằng út cũng “tạm trú” hẳn sang nhà ngoại. Giờ trên gác chỉ còn thằng giữa và dưới nền ximăng là chỗ ngủ của hai vợ chồng ông Đỏ.
Nhà nhỏ, những vật dụng tiện nghi tối thiểu nhất cũng không có, ngoài chiếc tivi cũ. Không tủ quần áo. Không bàn ghế. Không giường chiếu. “Tủ quần áo” của cả nhà là cái móc treo áo quần đính lên tường ngay lối đi ra cửa.
“Đồ hằng ngày, đồ đi học thì treo ở đây. Còn không thì đẩy hết lên cái hộc để trên gác. Nhà nhỏ quá, chưa bao giờ đủ chỗ cho năm người trong gia đình ngồi ăn cơm với nhau. Ai đói thì ăn trước, ngồi 2-3 người là chật cứng rồi” - ông tâm sự.
Những căn nhà không có toilet và không bao giờ đóng cửa

 Vợ ông Trần Văn Đỏ xoay xở trong căn nhà nhỏ hình tam giác tại số 56/69 đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận - Ảnh: Thanh Tùng

Sài Gòn còn không ít những căn nhà siêu nhỏ như thế. Không xa nhà ông Trần Văn Đỏ là ngôi nhà ngang 1,4m, dài 4,5m của mẹ con bà Thanh (61 tuổi). Hay như căn nhà bề ngang chỉ hơn bốn gang tay, dài gần 2m mà cha con ông Trương Minh Tuấn đang thuê trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4).

Căn nhà nhỏ tới nỗi khi chạy ngang qua, chúng tôi không nhận ra đó là nhà. Khi ngồi phải bó gối co giò, chỉ có thể quay mặt ra đường hoặc nhìn vào tường. Khi ngủ chỉ có thể nằm dọc, đầu xoay ra lan can để lấy không khí. Trong nhà không có phòng vệ sinh.

Ông Tuấn bán vé số từ 6g sáng tới 5g chiều mới về, còn con trai phụ bán hủ tiếu từ tối cho tới sáng. Cha con vì thế không đụng giờ ở nhà.

“Từ hồi thuê tới giờ hơn năm tui chưa một lần ở nhà ban ngày, không dám nghỉ trưa luôn. Ban ngày nóng chết, không thở nổi, tui đâu dám về. Chỗ này tối về chỉ ngủ chớ không làm được gì. Đi lên đi xuống còn đụng tùm lum, u đầu” - ông Tuấn cười.

Nơi tập trung nhiều nhà siêu nhỏ nhất có lẽ thuộc về khu Mả Lạng (đường Nguyễn Trãi, Q.1). Ở đây có hàng chục nhà bề ngang chỉ 1,5m, chiều dài 5-7m.

Những căn nhà nhỏ này vốn được chủ nhà ngăn ra bán từ căn nhà ban đầu bề ngang chỉ 3m. Nhà hẹp. Người đông. Những lan can cơi nới cứ ngày một cao che bít cả ánh nắng và bóp nghẹt dần không gian sống của hàng trăm con người.

“Bao nhiêu năm nay tui không biết mặt trời lặn, mọc chỗ nào” - bà Trần Thị Lan (63 tuổi) ở số nhà 115 lô C bảo. Căn nhà ngang 1,5m, dài 6m của bà có tới 10 người, tách ra ba hộ khẩu để nhẹ tiền điện.

“Ban ngày tụi nó đi làm, tối mới về, tắm rửa ăn cơm, đi lòng vòng chơi rồi rút hết lên gác. Còn lũ trẻ ở đây ăn uống, đi học, tối về nhà ông bà nội, ông bà ngoại ngủ” - bà Lan kể.

Như một số căn nhà khác trong khu Mả Lạng, nhà bà Lan nhỏ tới nỗi không có khu vực vệ sinh trong nhà. Mấy chục năm nay, cả gia đình bà phải dùng nhà vệ sinh công cộng.

Lối đi trong nhà chỉ bằng một viên gạch, là nơi buổi tối bà Lan và chị gái ngủ. Cánh cửa duy nhất của căn nhà không bao giờ đóng, kể cả ban đêm, quanh năm suốt tháng. Đóng lại là ngộp không thở nổi. Mỗi lần nấu ăn phải đưa bếp ra bên hông ngay đường đi chung.

Và họ vẫn sống được trong những ngôi nhà như thế, ngày này qua ngày khác, có khi đến hết cuộc đời...

Nhà dưới 15m2 không cấp phép xây dựng

Ông Lưu Trung Hòa, phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), cho biết những căn nhà có diện tích nhỏ hơn 15m2 (dưới chuẩn) Nhà nước chỉ cho sửa chữa nguyên trạng, không cấp phép xây dựng.

Những căn nhà này có giấy chủ quyền chung với căn nhà lớn thì sẽ không được tách thửa thành nhà riêng biệt vì diện tích quá nhỏ, không đủ chuẩn để tách thửa.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Hiệp hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho biết hiện nay có nhiều tiện nghi để thiết kế cho những căn nhà nhỏ. Chủ nhà nên tìm đến những công ty thiết kế chuyên nghiệp để được tư vấn cho từng không gian cụ thể.

Video người Sài Gòn sống trong nước thối sau trận mưa lớn nhất năm 

Nguồn: Tuổi Trẻ 
Bình luận
vtcnews.vn