• Zalo

Bí ẩn đoạn sông Hồng gây ra những vụ đắm thuyền tang tóc

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 12/03/2015 06:17:00 +07:00Google News

Chiếc thuyền đâm vào sà lan, 60 con người như đàn chuột lóp ngóp dưới sông và mất hút.

(VTC News) – Chiếc thuyền đâm vào sà lan, 60 con người như đàn chuột lóp ngóp dưới sông và mất hút.


Kỳ 4: Đoạn sông Hồng kinh dị

Anh Nguyễn Văn Dũng dắt tôi ra mép nước, chỉ về hướng cây cầu Nhật Tân như nét vẽ tuyệt đẹp in trên nền trời và bảo rằng, cách cây cầu ấy một đoạn về phía thượng nguồn, thuộc địa phận phường Phú Thượng bây giờ, chính là nơi xảy ra vụ đắm thuyền oan nghiệt, cướp đi 30 mạng người.

Anh Dũng bảo: “Tôi đã khảo sát kỹ đoạn sông ấy, và thấy nó rất kỳ quái. Giữa sông có một hòn đảo lớn, trông như lưỡi kiếm, chuôi ở thượng nguồn, lưỡi phía hạ nguồn. Chỗ phường Phú Thượng lại nhô ra phía giữa sông, khiến dòng nước chảy mạnh bắn mọi thứ lao vào bờ. Vì thế, nếu thuyền mất lái, va vào bờ thì đắm ngay.

Điều đấy thì ai hiểu biết chút cũng nhìn ra, nhưng có điều lạ là rất nhiều tàu thuyền đi qua chỗ đó bị chết máy, mất lái và đắm. Người mê tín thì gọi đó là dớp.

Đến nay, bản thân tôi cũng không nhớ nổi đã có bao nhiêu vụ đắm tàu, thuyền ở đoạn sông qua phường Phú Thượng. Ngay sau vụ đắm thuyền buôn năm 1995, khiến 30 người chết đuối, thì năm sau, lại một vụ kinh hoàng nữa xảy ra và gây đau thương mất mát lớn hơn nhiều”.
Ngôi miếu thờ những nạn nhân trong những vụ đắm thuyền thảm khốc ở đoạn sông hồng qua phường Phú Thượng 
Theo chỉ dẫn của kỳ nhân vớt xác Nguyễn Văn Dũng, tôi tìm đến bãi tre pheo rậm rạp sát đê, rìa bờ sông. Khu nhà lúp xúp bao quanh những bụi tre được xây tường bao kín đáo, chẳng thấy có bóng người.

Tôi đang đứng tần ngần ở cái cổng sắt to tướng, hoen rỉ, định liều mạng trèo vào, thì có anh bảo vệ ló đầu ra. Tôi hỏi về cái miếu, thì anh này mở cổng cho vào.

Hóa ra, ngôi miếu nằm lọt trong khu đất. Một đại gia đã thầu khu đất ven sông, toàn tre pheo rậm rạp này, kinh doanh đủ thứ, nhưng chẳng đi đến đâu, nên đóng cửa để đó nhiều năm qua. Cả cơ ngơi rộng mênh mông chỉ có mỗi anh bảo vệ trú ngụ.

Thấy khách lạ, anh bảo vệ nọ vui đáo để, bắt chuyện rôm rả, dẫn tôi đi thăm ngôi miếu ở ngay dưới bụi tre, hướng ra sông Hồng. Anh bảo rằng, thi thoảng anh lại thấy các cụ già ở Phú Thượng, rồi người phương xa đến gọi cổng xin vào miếu thắp hương. Họ bảo với anh rằng, ngôi miếu này thờ những người chết đuối ở sông Hồng trong mấy vụ đắm thuyền, khiến đêm đêm anh ngủ ở đây cũng có cảm giác ớn lạnh.
Bên trong ngôi miếu thờ những nạn nhân chết đuối ở phường Phú Thượng 
Tôi đang chụp ảnh ngôi miếu, thì có cụ bà vào miếu, đặt bó hoa, thắp nhang khấn phái xì xụp. Chờ cụ thắp nhang xong, tôi bắt chuyện.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, người trong làng Phú Thượng bảo rằng, tháng nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm và mùng một, bà đều ra ngôi miếu này thắp hương cho những linh hồn xấu số.

Bà Hiếu và cả ngàn người dân Phú Thượng, Nhật Tân đều biết rõ hai vụ đắm thuyền kinh hoàng, chết mấy chục người ở đoạn sông này, xảy ra vào năm 1995 và 1996.

Mấy cụ già trong làng đi xem bói, thầy phán do oan hồn người chết đuối chồng chất ở đây, ám khí rất nặng, nên tai họa cứ thế xảy ra không chấm dứt được. Muốn hết cảnh tang tóc ở đoạn sông này, thì phải trấn yểm, dựng ngôi miếu để các oan hồn có nơi trú ngụ. Nghe thầy phán thế, người dân Phú Thượng cùng góp công, góp của dựng ngôi miếu này.

Theo lời kể của bà Hiếu, sau vụ đắm thuyền năm 1995 khiến 30 người chết, thì đúng một năm sau, cũng vào ngày đó, tháng đó, mùa hè, lúc chập tối, một vụ đắm thuyền kinh khiếp lại diễn ra.

Con thuyền đó chở 60 người, đều là dân huyện Ba Vì (chủ yếu là dân Trung Hà). Tất cả số họ đều là lái buôn, đánh hàng từ xuôi về chợ Long Biên, rồi lại lấy hàng từ chợ Long Biên lên mạn ngược. Con thuyền rất lớn, chở 60 người với hàng hóa chất ngất.
Đoạn sông xảy ra những vụ đắm thuyền tang tóc 
Khi con thuyền đến đoạn sông có ngôi miếu hiện nay, đúng đoạn sông xảy ra vụ đắm thuyền năm trước, thì bỗng hỏng máy, trôi tự do. Con thuyền này cũng bị dòng nước chảy như tên bắn hất vào hàng sà lan chở hàng đỗ ở ven bờ và chìm nghỉm.

60 con người như đàn chuột lóp ngóp dưới sông và mất hút. Không rõ có ai thoát chết từ con thuyền đó không.

Anh Nguyễn Văn Dũng nhớ lại: “Hôm đắm thuyền, dân tình bên sông náo loạn. Tôi chèo thuyền chặn ở phía dưới vớt được cơ man hàng hóa kéo vào bờ. Người ta huy động cả quân đội, công an vào cuộc mò xác, rồi các thợ câu xác khắp nơi được thuê. Tuy nhiên, tôi bảo cứ bình tĩnh, chờ 3 ngày sau sẽ lấy được xác, chứ có tìm kiếm, mò mẫm dưới sông cũng vô vọng.

Y rằng, 3 ngày sau, tầm 8-9 giờ sáng, thì các xác chết cứ lần lượt nhô lên khỏi mặt nước, rồi bị dòng chảy cuốn vào vũng xoáy chỗ vườn đào nhà tôi. Tôi vừa vớt xác ở vũng xoáy, vừa kéo vào từ giữa dòng, cứ luôn tay luôn chân suốt cả ngày. Cứ kéo được cái xác nào lên bờ, người ta lại khiêng đi. Một số anh em thuyền chài cũng tham gia vớt xác cùng với tôi.

Vụ đó, tôi không đếm, nhưng riêng tôi cũng phải vớt được cỡ 40 đến 50 xác người. Có tổng cộng 60 xác tìm được trong vụ đắm thuyền đó”.

Theo lời anh Dũng, nếu đắm tàu thuyền chở đông người, thì dù những người trên thuyền bơi giỏi cỡ nào, thậm chí vận động viên bơi lội quốc gia, cũng sẽ nhận kết cục bi thảm, đó là cái chết.

Bởi vì, theo anh, họ sẽ bị rất nhiều người bấu víu, giằng co, nhấn xuống. Cứ người nọ bấu người kia không chịu bỏ, nên sẽ chết cả. Vậy nên, mới có chuyện, khi vớt mấy chục xác, người thì mất quần, người mất áo, có người chẳng còn mảnh vải nào che thân. Đó là bởi vì, mọi người bám vào nhau, giằng xé, rách hết cả quần áo.

Là người từng vớt lên từ sông Hồng 500 xác chết, nên anh Dũng là người hiểu rõ nhất về những xác chết trôi ở dòng sông này.
Vớt xác ở sông Hồng 
Theo anh Dũng, khi nạn nhân rơi xuống sông và chết đuối, thì xác nạn nhân sẽ nằm im ở vị trí đó, dù nước có chảy mạnh, chảy xoáy và chảy xiết cỡ nào đi chăng nữa. Nếu xác định đúng vị trí, những dân chài chuyên câu xác có thể tìm thấy xác nạn nhân giữa dòng sông rộng mênh mông.

Trong khi dòng nước chảy mạnh, khiến khúc củi cũng phải lao đi phăng phăng, nhưng xác người lại nằm im một chỗ, kể cũng là điều lạ lùng?

Anh Dũng giải thích rằng, khi nạn nhân bị đuối nước, các cơ co rút mạnh, chân tay co quắp, cứng đơ và chính tay, chân nạn nhân như những mỏ neo bám chắc vào cát và các dị vật dưới đáy sông. Vì thế, cùng lắm là xác chết chỉ lăn được độ vài mét là mắc.

Vào mùa hè, thì chỉ 3 ngày sau, xác ngậm nước, trương phình, sẽ nổi lên mặt nước. Mùa đông, thì xác nổi chậm hơn, nhưng cũng chỉ 5 ngày là trồi lên. Khi xác đã nổi, thì dòng nước sông Hồng sẽ đẩy xác trôi đi với tốc độ 7-8km/giờ.

Những năm gần đây, sông Hồng ít nước, thì xác trôi chậm hơn. Tuy nhiên, dù tốc độ có chậm thế nào, thì chỉ vài ngày, xác chết nếu không được vớt lên, không mắc vào dị vật, thì sẽ bị dòng nước tống ra biển.

Cũng theo lời anh Dũng, trước đây, sông Hồng nhiều cá, thì xác người không tồn tại được quá 20 ngày. Ngày nay, cá ít, nên xác người trôi nổi lâu hơn, nhưng cũng chỉ dưới 20 ngày mà thôi.

Theo anh Dũng, chỉ khoảng trên 10 ngày, là các khớp bắt đầu lỏng lẻo, tay chân, đầu cổ rụng cả, chỉ còn mỗi thân người. Anh Dũng từng vớt lên từ sông Hồng vô số xác người chỉ còn mỗi phần thân, tuy nhiên, xác lâu nhất cũng chỉ 23 ngày mà thôi. Nếu xác người đã ngâm dưới sông Hồng độ 1 tháng, thì chỉ còn lại xương.

Box: Mới đây, anh Nguyễn Văn Dũng đã dựng một ngôi nhà nhỏ ở giữa vườn đào, sát mép sông Hồng, vừa để trông coi, chăm sóc 4.000 gốc đào, vừa để làm trụ sở tụ tập một số anh em chuyên làm việc nghĩa, đó là vớt xác người chết trôi. Anh Dũng cũng bỏ ra số tiền 200 triệu đồng để sắm con thuyền máy phục vụ cho nhiệm vụ vớt xác.

Điều đặc biệt, là anh Dũng làm việc theo nguyên tắc từ thiện, tức là không lấy bất cứ đồng tiền công nào, dù người thân nạn nhân giàu hay nghèo. Theo anh Dũng, với 4000 gốc đào, trên diện tích vườn hơn 1 héc-ta, bản thân anh và gia đình đã đủ sống thoải mái, nên anh xác định không bao giờ trục lợi trên các xác chết.

Còn tiếp…


Dương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn