Kỳ 7: Những ngôi ‘mộ chúa’ khổng lồ
Loạt bài phá mộ cổ trộm báu vật ở Hải Phòng:
Kỳ 1: Kho báu trong “mộ Sở”
Kỳ 2: Những kẻ truy lùng ‘kho báu Sở’
Kỳ 3: Pháp sư kỳ lạ
Kỳ 4: ‘Kẻ cướp mộ’ đào rỗng núi tìm báu vật
Kỳ 5: Nỗi sợ hãi của những kẻ trộm mộ núi Rùa
Kỳ 6: Lãnh địa mộ cổ khổng lồ
Theo lời anh Trịnh Văn Hoài, thì loại mộ hầm đất ở các quả núi trong khu vực làng Thiểm Khê (Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) là nhiều nhất. Loại mộ này chôn cực sâu trong lòng đất. Có những ngôi sâu đến hơn chục mét, đào sâu hoắm như cái giếng mới thấy mộ. Thời điểm đó, có thể con người chưa làm ra gạch, nên chỉ đào hố sâu, đặt thi thể, rồi chôn theo của cải, đồ cổ. Rất nhiều món đồ mà anh thu lượm được ở loại mộ đất này, anh đã đem bán và nhờ các chuyên gia khảo cổ, dân chơi cổ vật xác định niên đại, và hầu hết có tuổi tới 4.000 năm (?!).
Loại cổ vật tiêu biểu, đều xuất hiện trong những hầm mộ đất này, là chiếc bếp lò cổ bằng gốm, có hình đầu con chó, hoặc đầu gà nơi khói xì ra. Ngoài ra còn nhiều cổ vật bằng đồng như chiêng đồng, trống đồng, nhưng thường là mủn mục vì quá lâu năm. Mộ đất thường nằm dưới lớp mộ gỗ và mộ gạch và xuất hiện ở hầu hết trong lòng các quả núi ở Thiểm Khê.
Mặc dù người xưa đã đào núi đặt mộ từ mấy ngàn năm trước, nhưng giới săn mộ như anh Hoài, anh Mạnh, anh Tiễu, anh Cao, tinh thông đến mức, chỉ cần lấy xẻng chọc xuống mặt đất, là biết bên dưới có mộ hay không. Họ tiến hành đào bới nhiều ngày, thậm chí cả tháng, múc lên từng gầu đất. Nhiều mộ đào sâu tới hơn chục mét, sâu hun hút, tối om chẳng nhìn thấy người, mà vẫn chưa đến mộ, đành phải bỏ vì sợ lở núi chôn sống luôn. Chính vì mộ đất người xưa đào rất sâu, nên còn rất nhiều ở các quả núi làng Thiểm Khê.
Theo lời anh Hoài, núi Phụ Gia thực sự là một nghĩa địa mộ gạch khổng lồ, mà ngôi nào ngôi nấy chứa cổ vật nhiều vô kể. Mỗi ngôi mộ có thể thu được cả gánh trống đồng (loại nhỏ), lư đồng nguyên vẹn. Nhiều cổ vật bằng đồng thu được trong mộ gạch được giới buôn bán đem đi giám định có niên đại tới 2.500 năm. Những chiếc nậm (đựng rượu) bằng đồng có tuổi giám định 2.500 năm mà nguyên vẹn và chắc chắn đến nỗi anh ném thử lên cao rơi xuống sân gạch mà không hề móp méo gì.
Thứ anh thu được cũng nhiều vô kể là các loại kiếm đồng có 2 lưỡi, chém mặt nào cũng được. Có những ngôi mộ thu được rất nhiều trang sức bằng đá, có lỗ ở giữa, đen sì, cứng đến nỗi phi xà beng mà không vỡ, được anh bán cho một đại gia sưu tầm tên là N. ở Quảng Ninh. Ông này rất thích mua những viên đá đen sì đó. Mãi sau này, khi đào phá cả trăm ngôi mộ, bán hết những viên đá trang sức đó, anh Hoài mới biết nó toàn là ngọc. Rồi những chiếc gương thủy chì có núm 12 con giáp rất nhiều, tuổi 2.000 năm, mà lau đi là soi được, cũng là thứ độc đáo không gì sánh được, nhiều vô số kể.
Nhóm “tứ đại đào mộ” ở làng Thiểm Khê, có 20 năm đào bới tan hoang các quả núi, chui vào cả trăm ngôi mộ cổ, gánh ra có lẽ cả tấn cổ vật giờ đã giải nghệ, nhưng những bí mật về mộ cổ và kho báu trong lòng các quả núi, họ nắm rõ như ban ngày. Họ thực sự là kho kiến thức vô tận. Có những ngôi mộ khổng lồ, ở những địa thế hiểm trở, được xây dựng kiên cố, họ vẫn chưa phá nổi, hoặc vì lý do nào đó, mà không dám đào bới. Chuyện một người trong nhóm đột ngột qua đời, cũng khiến những “kẻ cướp mộ” thấy sợ mà không dám phá tiếp.
Trò chuyện với anh Trịnh Văn Hoài cả buổi chiều, rồi anh cũng tiết lộ về hai ngôi mộ, mà anh gọi là ‘mộ chúa’, hiện vẫn còn tồn tại trên hai quả núi ở Liên Khê, mà theo anh, đó là hai ngôi mộ to chưa từng thấy trong suốt cuộc đời săn lùng cổ vật của anh.
Một ngôi mộ gạch khổng lồ ở quả núi có tên Phi Liệt, nằm ngay cạnh di tích Thành Dền. Anh gọi là “mộ chúa” vì chỉ có vua chúa mới dựng một ngôi mộ lớn khủng khiếp như thế ở trong lòng núi.
Khoảng 10 năm trước, trong lúc đi lật đất tìm mộ, anh Hoài đã phát hiện ra ngôi mộ này. Đào lớp đất xáo trộn sâu khoảng 2m, thì lộ ra một đường hầm bằng gạch rất rộng, cao tới 3m, người đi thoải mái. Điều kỳ lạ, là nền hầm vào rất sạch sẽ. Vòm cuốn được ghép bằng gạch khít đến nỗi 2 ngàn năm trôi qua, mà lớp bụi, bùn đất không ngấm xuống được.
Thâm nhập vào đường hầm, phá một tường gạch, thì lộ ra một đường hầm dài cả chục mét, rồi từ giữa đường hầm đó, lại có 2 ngách vòm cuốn cạnh nhau đi sâu tiếp 10m nữa. Từ những đường hầm này, có các vách ngăn để dẫn đến các hầm tiếp theo. Với kinh nghiệm của “kẻ cướp mộ” lâu năm, anh Hoài biết rằng, trong lòng ngôi mộ này sẽ chứa rất nhiều cổ vật quý. Tuy nhiên, khi gỡ một viên gạch, những kẻ chuyên săn mộ như anh Hoài, đã giật mình, lạnh sống lưng khi thấy biểu tượng rồng chầu. Tất cả các viên gạch đều khắc hình rồng chầu rất đẹp.
Thời kỳ đó, rồng là biểu tượng của vua chúa, quan lớn cũng không được sử dụng biểu tượng rồng, nên anh Hoài tin rằng, đây phải là mộ của một ông vua. Những ngôi “mộ chúa” thường có bẫy giết người, hoặc được trấn yểm rất khủng khiếp, nên anh Hoài không dám mạo phạm. Anh lấp ngôi mộ lại, rồi từ đó không dám xâm phạm nữa. Những nhóm đào mộ trong vùng cũng không dám xâm phạm ngôi mộ này.
Ngôi mộ thứ hai, mà anh Trịnh Văn Hoài gọi là “mộ vua”, cũng bởi sự hoành tráng khủng khiếp của nó ở trong lòng núi.
Vào năm 2004, trong quá trình săn lùng mộ cổ ở núi Thụ, là quả núi cao nhất của xã Liên Khê, rậm rạp cây cối, dây gai, anh đã phát hiện ra ngôi mộ này.
Đúng chóp đỉnh quả núi, anh đào sâu 4m thì chạm vào nóc mộ. Anh phá những viên gạch khổng lồ, có cạnh to tới 50cm, thì chui xuống một gian phòng rộng tới 50m2. Một căn phòng rất rộng, được xây hoàn toàn bằng gạch, mái vòm được ghép bằng những viên gạch múi bưởi rất lớn, không cần xà, cột xi măng như bây giờ, mà vẫn nguyên vẹn trong lòng núi, quả là một kỳ công mộ cổ.
Từ gian phòng rộng 50m2 này, có 5 đường hầm tỏa ra ở trung tâm các cạnh. Một cạnh hướng đông có 2 đường hầm. Các đường hầm được xây bịt lại.
Những viên gạch ở hầm mộ này cũng trạm trổ hình rồng, nên anh Hoài gọi là “mộ vua”, không dám xâm phạm. Anh trèo ra, lấp lại, rồi đào bới những ngôi mộ khác.
Theo lời anh Hoài, sau đó, anh kể chuyện ngôi mộ này với Đ “chột”, cũng là sợ săn mộ cổ. Đ “chột” đã rủ thêm một số người đào bới hầm mộ này, sau đó lại có một nhóm nữa xuống đào lại. Nghe Đ “chột” kể lại, thì cả hai nhóm đều lấy lên rất nhiều đồ cổ quý giá.
Một thời gian sau, không thấy hai nhóm kia bị “vua hành, thánh vật” gì cả, lại nghĩ, có thể cơ quan (bẫy giết người) đã bị vô hiệu bởi hai nhóm săn lùng cổ vật phá rồi, nên anh cũng lần xuống mót lại, và nhặt được vài cái cúc bằng vàng. Cổ vật đã bị lấy đi, nhưng ngôi mộ thì còn rất nguyên vẹn. Chỉ có một lối xuống mở ra từ nóc mộ là bị phá, còn tất cả đường hầm, gian chính của hầm mộ đều nguyên vẹn.
“Ngôi mộ đó nằm ở trên đỉnh núi cao nhất vùng, mất 2 giờ đi bộ mới lên đến nơi. Xưa kia, vùng đất này hoang rậm, toàn sình lầy và cây to, phải là bậc vua chúa mới vận chuyển được khối lượng gạch vô cùng lớn trên đỉnh núi, rồi đào hầm xây mộ. Đứng trên đỉnh núi, nhìn rõ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá trước mắt. Có lẽ, địa thế đó đẹp nhất về phong thủy, nên vị vua chúa nào đó mới đặt mộ kỳ công như thế” – anh Hoài cho biết.
Trong những ngày trò chuyện, tìm hiểu với giới đào bới mộ cổ, săn lùng kho báu ở vùng đất này, tôi nhận được tin, “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn A. vừa phát hiện một ngôi mộ Hán rất lớn, chứa rất nhiều cổ vật ở thôn Thiểm Khê. Tuy nhiên, Nguyễn Văn A. đã lấp ngôi mộ lại, giấu kỹ địa chỉ, tìm đầu mối tiêu thụ cổ vật được giá sẽ khai quật.
Sau khi bắt tôi hứa sẽ không tiết lộ tên tuổi, địa chỉ ngôi mộ, thì Nguyễn Văn A. đồng ý cho tôi đi theo khai quật ngôi mộ này. Thời gian đào bới là nửa đêm về sáng, khi người dân đi ngủ, và ngày giờ đào sẽ do A. chọn. Người mua sẽ trực tiếp cùng vào hầm mộ để đánh giá giá trị của các món đồ.
Tôi háo hức chờ “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn A. khai quật ngôi mộ cổ, thế nhưng, vài hôm sau, A. gọi điện thông báo rằng, không thể đào ngôi mộ được nữa, vì bỗng dưng có một gia đình cải táng mộ người quá cố lên đúng nóc ngôi mộ cổ đó luôn. Nếu đào bới ngôi mộ, không khác gì xâm phạm ngôi mộ nhà hàng xóm. Do đó, ngôi mộ Hán cổ khổng lồ, chứa kho cổ vật, sẽ mãi chìm vào quên lãng.
Dẫn tôi hì hục trèo lên đỉnh núi Phi Liệt, anh Mạc Văn Trọng khoát tay chỉ những quả núi bị đào phá nham nhở dọc sông Đá Bạc và sông Giá, thuộc xã Liên Khê, bảo: “Nhà báo đi tìm hiểu khắp vùng, tiếp cận từ cán bộ đến người dân, thậm chí cả mấy ông đào mồ cuốc mả thì rõ rồi đấy. Vùng đất này thực sự là vô cùng quý giá, dày đặc di chỉ khảo cổ, ấy thế mà chính quyền thì chẳng quan tâm giữ gìn, mặc kệ doanh nghiệp và cá nhân phá hoại. Không bảo tồn được các di chỉ khảo cổ, thì có tội lớn với lịch sử”.
Còn tiếp…
Bình luận