Kỳ 4: ‘Kẻ cướp mộ’ đào rỗng núi tìm báu vật
Loạt bài: Săn lùng báu vật ở Hải Phòng
Kỳ 1: Kho báu trong “mộ Sở”
Kỳ 2: Những kẻ truy lùng ‘kho báu Sở’
Kỳ 3: Pháp sư kỳ lạ
Sau khi xem lần lượt hàng trăm món cổ vật trưng bày từ trong tủ kính, la liệt khắp nhà, đến tận chân cầu thang, ‘kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N. (xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) dẫn tôi vòng ra phía sau nhà tìm lên quả núi thấp, mà anh bảo nó là chân con chim phượng. Đây là quả núi nhỏ nằm trong quả núi có tên Phượng Hoàng.
Cái phần chân con chim phượng này được người dân trong vùng gọi đơn giản là núi Sỏi, vì toàn là đá sỏi gan trâu, trồng cây gì cũng èo uột, không lên được. Tôi nhìn mãi mà chả thấy móng vuốt chim phượng đâu, nhưng anh N. bảo, phải nhìn từ trên đỉnh Phượng Hoàng xuống mới rõ.
Núi Sỏi đã bị máy xúc móc ruỗng cả chân. Anh N. cùng mấy hộ gia đình sống dưới chân núi đã ra sức múc đất san mặt bằng từ nhiều năm nay để mở rộng vườn tược, diện tích đất nhà mình. Anh N. thành thực: “Nói thật với chú, cái thứ đất chó ăn đá gà ăn sỏi này thì trồng cây gì lên được chứ? Chả ai rỗi hơi bỏ công sức, tiền bạc mà đi san núi lấy tí đất vô dụng này làm gì. Nhà nào giáp với quả núi này cũng tìm cách moi sâu vào núi với mục đích rõ ràng là mong trúng kho báu Sở mà thôi”.
Lời anh N. nói chẳng phải sai. Anh chỉ tôi mảnh đất mở sâu vào núi của mình và tôi thấy rằng chả có cây gì lên được. Nền đất toàn là đá gan trâu lẫn với đá tảng, khô cong. Anh N. đã kỳ công gom hàng ngàn viên gạch cổ moi được từ những hầm chôn của dưới lòng đất để xây một cái bể chứa nước, hòng phát triển mảnh vườn rộng ngót ngàn mét vuông mà anh bạt núi có được, nhưng rồi anh phải bỏ không, vì đến bạch đàn trồng mấy năm thân mới bằng ngón tay cái, thì chả cây gì lên được.
“Kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N. dẫn tôi đi dọc ven quả núi và chỉ tôi một số dấu vết hầm ngầm, hang động lộ ra từ những địa điểm san núi. Tôi thực sự quá ngỡ ngàng. Rất nhiều dấu vết những hầm ngầm hiện ra. Có hầm ngầm sâu vài mét, có hầm ngầm đã bị người dân múc hết, xóa sổ, chỉ còn lại vách tường, hoặc đoạn cuối hầm.
Anh N. bảo, xưa kia, anh vẫn nghe các cụ trong làng kể chuyện Nhà nước về xúc đi 4 kho báu ở núi Phượng Hoàng và anh cũng tin núi này có kho báu thật. Tuy nhiên, ngày đó anh nghĩ rằng, những kho báu đã bị đào hết rồi, nên chả quan tâm nữa. Thế nhưng, cách đây chừng 15 năm, một số gia đình xúc cát ở phía tây núi Phượng Hoàng đã để lộ ra những ngôi ‘mộ Sở’ chứa nhiều cổ vật, khiến cả làng xôn xao. Thế là, suốt mấy năm trời, người dân quanh dải núi này tìm mọi cách để… mở rộng vườn vào lòng núi. Đã có vô số kho báu chôn của được phát hiện.
Ngay mảnh vườn mở sâu vào núi nhà anh N., tôi đã được tận mắt vô số loại gạch cổ, là loại gạch bản to, mỏng, thứ gạch dùng phổ biến từ hàng ngàn năm trước. Anh N. bảo, anh đã phá 2 kho báu bằng hầm gạch nằm dưới vườn nhà anh và thu được lượng cổ vật tương đối. Ngay sát mép núi, những dấu vết của hầm ngầm bằng gạch vẫn còn lộ rõ. Các hầm gạch thường được xây dựng theo hình chữ T, hoặc chữ Chi, có 2 hoặc 3 cửa vòm. Các cửa vòm được xây gạch bịt kín, phải đục ra mới vào được.
Một số kho báu có 2 đến 3 đường hầm song song nhau, với một cửa vào ở hầm giữa, các hầm thông nhau ở phần giữa. Trong hầm có nhiều gian phòng khác nhau và các gian phòng đều chứa của ăm ắp.
Đứng bên mép quả núi bị đào nham nhở, Nguyễn Văn N. chỉ vào vết đất và phân tích cho tôi hiểu về 2 dạng hầm chứa kho báu. Dạng hầm thứ nhất xây bằng gạch, dạng hầm thứ hai chỉ đơn thuần là đào sâu vào trong lòng núi. Mặc dù chỉ đào sâu vào lòng núi, song những hầm đất này cũng có hình dáng y như hầm gạch, cũng có đường đi, cửa xuống, cửa vòm và các gian phòng khác nhau, cũng gồm một hầm chính hoặc nhiều hầm thông nhau.
Anh N. chính là người đầu tiên phát hiện ra dạng hầm đất giấu của trong lòng núi. Theo khẳng định của anh thì hầm đất có niên đại sớm hơn hầm xây bằng gạch rất nhiều, bởi vì, hầu hết hầm đất đều nằm sâu trong lòng núi và thậm chí nằm dưới chân hầm gạch.
Trong một lần phá vách núi Sỏi, ở độ sâu khoảng 5-6m, tới lớp đá cứng, anh N. phát hiện một khoảnh đất lạ là đất lộn xộn, không xếp vỉa như bình thường. Nhìn vết đất này, anh biết là do đắp lại, đã bị đào xới, không phải đất nguyên bản. Anh N. tò mò đào theo vết đất lộn xộn đó. Vét hết lớp đất lộn xộn thì đường hầm lộ ra.
Đường hầm sâu chừng 6m thì dẫn đến một gian phòng khá rộng. Tuy nhiên, độ cao của gian phòng này chỉ chừng nửa mét. Nhìn qua anh N. biết rằng đây chính là hầm nhân tạo. Người xưa đã đào hầm xuyên rất sâu vào lòng núi. Lớp đá vỉa trong lòng núi dày và cứng nên trải qua hàng ngàn năm trần hầm không sụt xuống được.
Xưa kia, lòng hầm đất này rộng rãi, cao ráo, như tòa nhà trong lòng đất nên mọi người có thể đi lại, ra vào dễ dàng, nhưng trải hàng ngàn năm, những lớp bụi cứ rụng xuống từng ngày, lấp nền hầm, nên hầm mới nông như bây giờ.
Cả tháng trời, cứ ngày bịt miệng hầm, tối anh N. kỳ công vét lớp đất bồi lấp. Hầm đất này đã mang lại cho anh hàng trăm món cổ vật quý, với vô số đồ ngọc, những chuỗi ngọc chiếu đèn vào phát sáng lung linh. Những chiếc trống đồng, thạp đồng nhỏ cũng có rất nhiều, song phần lớn đã hoen gỉ, vỡ nát, không còn nguyên vẹn.
Trong quá trình đào hầm đất, anh N. nhận thấy mái hầm có biểu hiện võng xuống, nên đào một đường lên. Không ngờ, chỉ đào ngược lên chưa đầy một mét, thì phát hiện chân đế của một hầm gạch rất lớn. Hầm gạch này nằm ngay trên nóc của hầm đất.
Như vậy, người xưa đã đào hầm đất sâu tới 5-6m để giấu của, sau đó, đời sau, người ta lại đào từ đỉnh quả núi xuống độ sâu khoảng 4m để xây hầm gạch. Mặc dù hầm gạch này khá lớn, song đồ cổ không có nhiều. Nhìn vết thủng trên nóc hầm, anh N. biết rằng, hàng trăm năm trước, bọn trộm đồ cổ đã đào hầm từ đỉnh núi xuống, xuyên thẳng vào hầm gạch và lấy hết của rồi.
Theo anh N., chỉ đào sâu xuống lòng đất 2-4m, là đến nóc kho báu Sở bằng hầm gạch, do đó, những kho báu xây gạch dễ bị đạo chích phát hiện. Trải hàng ngàn năm quá, những kho báu này đã bị đào bới nhiều lần. Nhưng những hầm đất nằm rất sâu trong lòng núi, thì lại còn nguyên vẹn.
Phát hiện ra điều này, nên anh N. và người em trai của mình đã trúng quả không ít lần. Giờ tôi mới hiểu vì sao mà người dân làng Mỹ Cụ kể về anh ‘kẻ cướp mộ’ Nguyễn Văn N. như thần thánh, rằng chỉ nhìn đất mà phát hiện ra hầm giấu của.
Theo chân anh N. lên núi Sỏi, quả núi mang hình dáng chân con chim phượng, toàn đá sỏi gan trâu lơ phơ bạch đàn, tôi thực sự choáng trước công trình vĩ đại của người đàn ông nhỏ thó này: Cả trăm hang hốc, đường hầm xuyên ngang dọc, đục thủng từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc như hang chuột trên khắp quả núi Sỏi. Có hang đào ngang từ sườn núi, có hang dốc thẳng đứng sâu 3-4m rồi mới bắt đầu chạy ngang. Một số hang đã bị bị miệng, bị đất lở lấp lại, nhưng phần lớn các hang vẫn còn nguyên vẹn, vết đào vẫn còn mới.
Tôi đã từng chui vào hang đào vàng xuyên núi đá vôi từ Võ Nhai (Thái Nguyên) xuyên sang bên kia núi thuộc Bắc Kạn của giới đào vàng, rồi đi cả ngày trong hầm than của Công ty than Vàng Danh (Quảng Ninh), song cũng phải kính nể trước công trình đường hầm chi chít ngang dọc xuyên nát quả núi đá sỏi cứng như thép của Nguyễn Văn N.
Có những đường hầm mà anh N. và người em trai đào, chỉ sâu độ 20m, song mất nửa năm trời. Lý do là đường hầm này quá nhỏ, ngoắt ngoéo, nên chỉ có thể móc lên từng viên đá, từng nắm đất một mà thôi. Việc đào hầm chỉ có thể đào theo dấu vết đất lộn xộn, tức là đường hầm ngày xưa bị lấp lại, chứ không thể mở rộng, bởi để mở rộng còn tốn sức hơn, phải đục núi đá nguyên khối.
Muốn phá núi đá với những tảng đá lớn thì phải dùng mìn, mà dùng mìn, lòng núi chấn động, các cổ vật sẽ rạn nứt hết.
Để chống trộm và bảo vệ được kho báu, người xưa sau khi kỳ công đục núi đá, tạo hầm sâu trong lòng đất, cất của vào, thì họ tống đất đá nhồi chặt miệng hầm và cả đường hầm dẫn vào hầm giữ của. Chính vì thế, việc đào phá hầm đất để lấy của bằng đôi tay với chiếc búa chim, chiếc đục cũng là một kỳ công.
Cũng chính vì quá trình đào bới khó khăn, phức tạp, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, nên trúng kho đồ cổ nào, anh N. đều phải gọi đám buôn đồ cổ đến bán tống bán tháo để có tiền tái đầu tư. Hàng chục năm trời, anh chẳng làm ăn gì, chỉ suốt ngày đào hang trên núi, nên có những lúc kinh tế gia đình kiệt quệ, vợ phải vay chạy khắp nơi mới có gạo ăn. Do đó, hầu hết món đồ đào được, anh đều bán rẻ như cho.
Nghĩ lại những chiếc trống đồng anh bán với giá vài trăm ngàn cách đây mới hơn chục năm mà tiếc đứt ruột. Rồi hàng trăm món đồ ngọc rất quý, anh không biết giá trị thực, bán rẻ như đá, mà thấy tiếc cho công sức đào bới như chuột của mình.
Còn tiếp…
Video: Bí ẩn những lăng mộ to như núi ở Thái Bình
Bình luận