(VTC News) – Trẻ em với cân nặng quá khổ có nên tiến hành thắt dạ dày, bóc mỡ để cứu các em? Các chuyên gia về dinh dưỡng phân tích những giải pháp tốt nhất đối với trẻ em béo phì là gì?
Béo phì và vô sinh
Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Tỉ lệ các cháu đến khám béo phì thấp hơn so với các rối loạn dinh dưỡng khác.
Trẻ béo phì càng lâu sẽ khó điều trị.
Những năm 2003- 2004, tỉ lệ này thấp chỉ 1 – 2% sau đó tăng dần. Hiện nay tỉ lệ các cháu béo phì đến khám chiếm 7 – 8% vẫn là rất khiêm tốn. Trong khi đó, các cháu đến khám suy dinh dưỡng khoảng 50 – 60%, còi xương khoảng 60% nhưng béo phì vẫn dưới 10%.
Điều này nói lên ý thức các phụ huynh chưa để tâm nhiều đến khám béo phì cho con. Họ chưa thấy đó là vấn đề đáng lo ngại và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì nhiều người vẫn quan niệm “béo đẹp, béo khỏe. Thông thường, những trẻ đó khi bé rất khỏe mạnh, ít ốm đau, ăn dễ, ngủ dễ. Vì vậy, các bậc cha mẹ rất hay chủ quan. Nhưng sau này, các cháu có nguy cơ mắc nhiều bệnh”.
Béo phì nặng từ độ 2 trở lên đa phần là do bệnh lý. Béo phì dẫn đến rối loạn tâm sinh lý trẻ làm trẻ dậy thì sớm. Khi trẻ trưởng thành béo phì gây rối loạn chức năng sinh sản, khó có con.
Trẻ béo phì sớm bị đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, các bệnh lý về thận, ung thư xương.
Bác sĩ Nga phân tích: Ung thư xương vì tế bào mỡ khi bị phì đại, không ở kích thước bình thường sẽ rất khó thu nhỏ. Nó tràn lan và xâm lấn vào các cơ quan tổ chức. Khi đó nó gây ra rối loạn điều tiết hormone của cơ thể và gây rối loạn chuyển hóa trong đó có gây ra ung thư xương.
Việc phá vỡ sự cân bằng hormone của cơ thể khiến béo phì trở thành một yếu tố nguy hiểm gây vô sinh ở cả nam và nữ.
Việc suy giảm chức năng buồng trứng là yếu tố chính dẫn tới vô sinh ở phụ nữ béo phì. Sự bất thường trong nồng độ các hormone như là androgen, estrogen và progesteron có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Nồng độ lý tưởng của các loại hormone này là thực sự rất cần thiết cho việc thụ thai và mang thai. Sự tích tụ chất béo ở buồng trứng cũng làm đảo lộn sự phát triển của bào thai và dẫn tới sảy thai.
Có nên thắt dạ dày, cắt mỡ?
Về nguyên nhân béo phì, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho rằng 10% trẻ em béo phì do yếu tố nội sinh, 90% do ngoại sinh.
Nội sinh gây béo phì có thể do gen, rối loạn nội tiết… Còn ngoại sinh do môi trường bên ngoài, chế độ dinh dưỡng vượt quá nhu cầu, ít vận động. Với cháu bé nên cho ăn theo nhu cầu dinh dưỡng chứ không phải ăn theo khả năng. Nhu cầu ở đây là mức dinh dưỡng được khuyến cáo cho từng lứa tuổi. Với trẻ béo không có nghĩa là hoàn toàn phải kiêng mỡ. Mức tối thiểu ở mức chiếm 20% năng lượng khẩu phẩn. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng viện dinh dưỡng Quốc gia
Phương pháp chữa trị là tìm ra nguyên nhân cụ thể để giải quyết. Nhưng với nguyên nhân nội sinh cũng khó khăn để chữa trị.
“Với trẻ em béo phì chủ yếu do yếu tố ngoại sinh, trong phác đồ điều trị là kiểm soát chế độ ăn, tập luyện, trẻ con không dùng thuốc. Với biện pháp bóc mỡ, thắt đai dạ dày, không được áp dụng với trẻ con”, bác sĩ Hoa nói.
Còn theo bác sĩ Nga: Có những trường hợp khó, béo phì do rối loạn nội tiết. Khi đó, bệnh nhân đến khám tại Viện dinh dưỡng sẽ được chuyển đến khoa nội tiết, bệnh viện Nhi Trung Ương hoặc bệnh viện nội tiết.
Có những biểu hiện béo phì do bệnh lý hiếm gặp như u ở thùy sau tuyến yên. Vấn đề về rối loạn chuyển hóa lipid máu do nguyên nhân bẩm sinh.
Cũng có trường hợp béo phì do di truyền. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, nếu bố mẹ cùng béo phì thì khả năng con bị béo phì lên tới 70 – 80%. Một mình bố hoặc mẹ béo phì, con sẽ bị nguy cơ 40%.
Còn lại các cháu béo phì do chế độ ăn. Cũng có thể các cháu béo phì còn có sự kết hợp di truyền với chế độ ăn.
Theo bác sĩ Nga, với bệnh lý u ở não thì phải điều trị bên thần kinh, làm các xét nghiệm chẩn đoán vị trí u, kích thước. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho hướng điều trị phù hợp với việc khả năng chèn ép xung quanh của khối u. Thậm chí có thể phải phẫu thuật.
Nếu béo phì do nguyên nhân di truyền rối loạn lipid máu phải điều trị bằng thuốc. Đây là những trường hợp nặng, khó khăn. Vì những thuốc điều trị này rất hại gan, thận, uống vào, trẻ sẽ thấy rất mệt.
Trong trường hợp béo phì thông thường do chế độ ăn thừa năng lượng. Đối tượng này hay gặp ở những trẻ vận động ít.
Về phương pháp mạnh để giảm béo phì như thắt eo dạ dày, bóc mỡ, các bác sĩ đều cho rằng, phương pháp này chỉ áp dụng với những người trưởng thành trên 18 tuổi chứ không dành cho trẻ em.
Kể cả với trường hợp người trưởng thành có nhiều trường hợp thất bại, gây biến chứng nguy hiểm.
Có nên có chế độ ăn uống kiêng khem tuyệt đối cho trẻ?
Béo phì ở trẻ em khác người lớn. Người lớn khi đã trưởng thành rồi có thể kiêng khem tuyệt đối. Nhưng trẻ em vẫn phải phát triển cơ thể. Vì vậy, cần có một chế độ ăn cân bằng.
Nếu kiêng khem quá thì ảnh hướng đến tốc độ lớn của trẻ. Phải đảm bảo năng lượng đủ, đảm bảo lượng đạm. Vì đạm, nhất là đạm động vật rất cần cho sự phát triển của trẻ cùng với chất béo.
Chất béo tối thiểu vẫn cần 20 – 25 gr/ngày, chất béo vẫn là cả dầu, mỡ.
Trẻ béo phì vẫn cần bổ sung thực phẩm giàu canxi như tôm, cua cá, bổ sung sữa nhưng khuyến cáo nên sử dụng sữa tách béo. Ngoài ra, cần ăn tăng rau, củ chất xơ.
Chế độ ăn cho trẻ béo phì thường phải giảm chất bột, giảm chất béo. Nhất là thịt mỡ, thậm chí hạn chế ăn thịt lợn vì trong thịt nạc của lợn, hàm lượng chất béo vẫn khá cao. Hạn chế cho trẻ ăn món xào rán.
Bác sĩ Nga chia sẻ: “Trẻ em từ 11 tuổi trở lên sau khi áp dụng điều trị bằng phương pháp dinh dưỡng, ăn uống đã cân bằng mà vẫn béo phì thì cần xem xét bé có bị rối loạn nội tiết hay không. Điều trị béo phì càng sớm càng tốt, càng để lâu thì khả năng điều trị thành công càng khó. Trẻ đến khám ở trung tâm chúng tôi sẽ được tư vấn chế độ ăn, hoạt động hợp lý. Và điều trị có thành công hay không cần có sự tác động, giúp đỡ của bố mẹ.
Chúng tôi hướng dẫn cả chế độ vận động, phải chơi các môn thể thao vận động nhiều, ra nhiều mồ hôi, kết hợp tăng chiều cao”.
Nguyễn Tâm
Bình luận