Theo giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, trên thế giới một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những người ăn nhiều thịt đỏ sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn những người ăn bình thường, hoặc ăn ít. Tuy nhiên, về dinh dưỡng, người bệnh bị ung thư đại trực tràng vẫn có thể ăn thịt đỏ bình thường với liều lượng vừa đủ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Kể cả trong quá trình hoá trị liệu, người bệnh cũng không cần thiết phải bỏ thịt đỏ ra khẩu phần ăn của mình. Bởi thịt đỏ ngoài việc có hàm lượng protein cao thì còn chứa các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm... rất tốt cho sức khoẻ.
“Những người bệnh ung thư hay đang điều trị ung thư thì không phải kiêng bỏ thịt đỏ mà vẫn ăn như bình thường, nhưng với liều lượng vừa phải là khoảng 400 – 500g/tuần, tương đương với việc 1 tuần có thể ăn 3 bữa thịt đỏ, hoặc 3 ngày có thực đơn thịt đỏ với lượng 70 – 100g/lần. Lúc chế biến vẫn có thể làm thành nhiều món ăn cho dễ ăn như phở, thịt bò xào cần tây…”, bác sĩ Hương nói.
Theo bác sĩ Hương, thịt đỏ là thịt của những con gia súc có 4 chân như lợn, trâu, bò, chó… Thịt trắng là thịt của gia cầm như gà, chim, vịt, ngan, ngỗng.
Với những bệnh nhân ung thư đang hoá trị liệu, việc ăn uống rất khó khăn, đặc biệt là họ không có cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, họ cũng hay gặp phải những tác dụng phụ của hoá chất như buồn nôn, nôn, tiêu chảy… Tuy nhiên, khó ăn không có nghĩa là kiêng khem bừa bãi, mà chỉ cần lưu ý những thực phẩm ăn nhiều, hay ăn ít tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh việc ăn thịt đỏ theo sự hướng dẫn của các bác sĩ, tăng lượng thịt trắng thì người bệnh vẫn có thể ăn được nhiều loại thực phẩm giàu protein thực vật như lạc, đậu đỗ, đậu phụ.
Điểm đặc biệt trong chế độ ăn của người bị ung thư đại trực tràng đó là họ thường được khuyến cáo ăn nhiều cá biển hơn những thực phẩm khác. Bởi trong cá biển có rất nhiều omega-3, protein của cá cũng được chuyển hoá và hấp thu tốt hơn thịt. Còn lại những thực phẩm khác, ngoại trừ trường hợp phải phẫu thuật hậu môn nhân tạo phải chú ý hơn thì chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư vẫn khá đa dạng.
“Chỉ trừ một số trường hợp phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo thì người bệnh mới phải chú ý kiêng một số thực phẩm dễ gây khó chịu. Do hậu môn nhân tạo là bộ phận dễ sinh hơi, nên khi chọn thực phẩm người bệnh nên tránh những thực phẩm sinh ra nhiều hơi như đậu đỗ, rau họ cải, uống nước có ga, thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán…”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Bình luận