• Zalo

Bệnh dịch sau lũ: Mối nguy hiểm khôn lường và cách phòng tránh

Đời sốngThứ Hai, 16/10/2017 13:00:00 +07:00Google News

Lũ lụt không chỉ làm môi trường ô nhiễm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vius, ký sinh trùng phát triển gây ra nhiều bệnh như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt…, đặc biệt là làm nguồn nước bị ô nhiễm khiến mầm bệnh lây lan rộng và nhanh hơn.

Các bệnh thường gặp sau lũ

1. Bệnh đường ruột do virus gây ra

Một trong những loại virus gây tiêu chảy thường gặp vào mùa lũ là Rotavirus. Người già và trẻ em là hai đối tượng có khả năng lây bệnh rất cao. Bên cạnh đó, mưa lũ còn tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa do virut viêm gan A, virut viêm gan E….Do vậy, người dân đặc biệt chú ý trong ăn uống và sinh hoạt.

2. Bệnh đường ruột do ký sinh trùng amíp, giun sán…

Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời cũng làm các loại ký sinh trùng gia tăng đáng kể. Trong đó, nhiễm ký sinh trùng amíp (gây bệnh lỵ amíp), các loại giun sán, vi khuẩn gây bệnh tả…. trở thành mối nguy hiểm hàng đầu sau lũ.

3. Bệnh đường ruột do vi khuẩn: tả, lỵ, thương hàn, E.coli…

Tiêu chảy cấp tính sau lũ bão có thể do nhiều vi khuẩn khác nhau gây nên, nhưng chủ yếu là vi khuẩn tả (Vibrio cholera) vì chúng có khả năng hòa vào các nguồn nước lũ nhanh chóng. Tiêu chảy cấp cũng có thể xảy ra do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác…

4. Bệnh đau mắt đỏ

Trong điều kiện không có nước sạch, thời tiết ẩm thấp thì đau mắt đỏ là bệnh dễ bùng phát thành dịch và lây lan nhất. Bênh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Vì vậy, khi có các dấu hiệu như mắt ngứa, cộm, đau nhức, sưng tấy…thì nên sử dụng các thuốc về mắt mà thông dụng nhất là chloramphenicol (clorocid)…

5. Bệnh sốt vàng da, chảy máu do vi khuẩn Leptospira

Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra vì nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn Leptospira. Sau lũ, nếu con người thường xuyên ngâm mình lâu trong nước ô nhiễm thì loại vi khuẩn này rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể.

6. Sốt xuất huyết

Ẩm thấp, mưa nhiều là điều kiện thuật lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở. Khi chúng đốt người, rất dễ làm dịch bệnh lây lan rộng như thời gian vừa qua. Thực tế cho thấy, mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi.

7. Bệnh da liễu

Các bệnh da liễu thường gặp sau lũ là nấm kẽ chân, viêm nang lông, ghẻ, nước ăn chân….do điều kiện vệ sinh kém, luôn ngâm mình trong nước, tay chân ẩm ướt, mồ hôi ứ đọng…Do vậy, người dân cần hạn chế đi lại trong dòng nước lũ, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị ghẻ và chú ý vệ sinh sạch sẽ.

8. Thương hàn

Thương hàn cũng là một bệnh hay gặp sau lũ lụt. Người bệnh thường có biểu hiện chán ăn, đau đầu, sốt nôn, đau bụng, kèm tiêu chảy,…Để phòng bệnh, chúng ta có thể chích ngừa thương hàn từ sớm.

9. Bệnh đường hô hấp

Mưa bão kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh viêm họng, cảm cúm…Đối tượng thường mắc nhất là trẻ em, người già và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Nếu không được điều trị sớm bệnh có thể biến chứng sang viêm phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Biện pháp phòng tránh các bệnh sau lũ bão

1. Vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt

Giải quyết nguồn nước để ăn uống, vệ sinh cơ thể là một việc làm khó trong điều kiện mưa lũ nhưng rất quan trọng để phòng được nhiều bệnh lây truyền. Nếu chưa có nước sạch, người dân cần chủ động thau rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng, các nguồn nước sinh hoạt của mình, sát trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở.

Khi phải dùng nước lũ làm nước dùng thì có thể dùng phèn chua hòa vào nước (1g phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Hoặc dùng vải để lọc bớt chất bẩn trước khi tắm rửa. Để uống thì chúng ta vẫn phải đun sôi loại nước này.

2. Quản lý tốt chất thải môi trường để mầm bệnh không lây lan

Các chất thải như phân, nước tiểu, chất thải bệnh viên, rác thải, xác chết đônghj vật…cần được quản lý tốt để mầm bệnh không có điều kiện lây lan ra môi trường xung quanh. Ao tù đọng cần lưu thông càng sớm càng tốt.

Người dân cần nâng cao ý thức tự giác vệ sinh môi trường sống của mình cũng như môi trường xung quanh để hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển. Thu gom rác và xác động vật chôn lấp kỹ, dùng thuốc sát khuẩn nguồn nước và phun thuốc phòng dịch bệnh.

Video: Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm 'hăm he' bùng phát sau cơn lũ

 

Tuyệt đối không đi vệ sinh bừa bãi, không tắm ở ao hồ, sông suối vừa bị lũ lụt, không ngâm mình dưới nước quá lâu.

3. Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm

Để tránh lây bệnh gây ra do vi khuẩn, chúng ta cần thực hiện đun chín kỹ thức ăn, không ăn sống tái các thực phẩm, đặc biệt là gỏi và tiết canh. Ngoài ra, không ăn thực phẩm chế biến từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.

Rau sống và hoa quả phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn.

Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ sạch dự trữ làm nước uống và chế biến thức ăn.

Sử dụng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp. Nếu thấy thức ăn bị thiu thì đổ đi ngay lập tức.

Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn

Kể cả khi chế biến thực phẩm cũng cần rửa tay sạch sẽ. Giữ vệ sinh khi vực chế biến để ruồi nhặng, vi khuẩn không bám vào. Thức ăn nên ăn ngay sau khi nấu, không để quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng để tránh ngộ độc do vi khuẩn.

4. Mắc màn khi ngủ, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách, giữ ấm cơ thể

Người dân cần chú ý ngủ mắc màn, giữ ấm cơ thể và khơi thông cống rãnh, tránh để muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết cũng như bệnh hô hấp, tiêu hóa. Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên đến các cơ sở ý tế điều trị ngay, không tự ý chữa bệnh ở nhà khiến bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh.

5. Tiêm vacxin phòng bệnh đường ruột

Mọi người dân nên đến trạm y tế để được tiêm các loại vacxin phòng bệnh cần thiết, tránh được nhiều bệnh, nhất là bệnh đường ruột sau lũ một cách có hiệu quả.

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn