(VTC News) – Nổi bật trên thương trường nhưng một số doanh nghiệp lớn như Quốc Cường Gia Lai hay ngân hàng SHB lại bị cổ phiếu “dìm hàng”.
Doanh nghiệp lớn, giá cổ phiếu thấp
Tính từ đầu năm tới nay, VN-Index đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên, cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn lại không có tốc độ tăng tương tự VN-Index. Rất nhiều blue-chip hoặc cổ phiếu đã có thời là blue-chip vẫn lẹt đẹt giao dịch dưới mệnh giá.
Gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) được biết đến là một trong những thế giới lực lớn trên thương trường. Đã có thời công ty Quốc Cường Gia Lai là điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư. Đã có thời, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, mẹ Cường đô la sở hữu gần 2 tỷ USD khi cổ phiếu QCG tăng mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, QCG không còn nằm trong VN30, nơi “gặp gỡ” của những blue-chip có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán. Trong suốt thời gian dài qua, QCG thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Thỉnh thoảng QCG cũng vọt lên trên 10.000 đồng/lượng nhưng rồi nhanh chóng đi xuống.Cổ phiếu của bầu Hiển và gia đình Cường đô la đều giao dịch dưới mệnh giá
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, QCG dứng ở mức 8.300 đồng/CP. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của QCG chỉ đạt hơn 1.105 tỷ đồng, thấp hơn so với mệnh giá tới 195 tỷ đồng. Có thể thấy, mức giá èo uột của QCG khiến nhà đầu tư nghĩ ngay tới một Quốc Cường Gia lai hoạt động kém hiệu quả.
Nổi tiếng nhờ đi liền với thương hiệu bầu Hiển, nhân vật được cả năm biết đến nhờ hoạt động năng nổ trong bóng đá, ngân hàng SHB được nhà đầu tư chú ý hơn. Tuy nhiên, trái ngược với sự nổi tiếng, cổ phiếu SHB của ngân hàng SHB thường xuyên giao dịch ở mức giá rất thấp.
Trong suốt 2 năm trở lại đây, ngoại trừ tháng 4/2014, SHB giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí, tại thời điểm cuối năm 2012, SHB rơi xuống “đáy” 4.800 đồng/CP. Đây là mức giá thấp kỷ lục của SHB kể từ ngày niêm yết. Với mức giá bèo bọt như vậy, cổ phiếu ảnh hưởng không nhỏ tới ngân hàng SHB cũng như cá nhân bầu Hiển.
Cũng là “con” của bầu Hiển, Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) không khá khẩm hơn SHB là mấy khi rớt xuống dưới mệnh giá. SHS nằm trong nhóm HNX30 với vốn hóa thị trường đạt gần 800 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đã có thời được coi là ông lớn trong làng bất động sản. SCR càng uy tín hơn khi Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị SCR vốn là con trai ông Đặng Văn Thành, đại gia ngân hàng nổi danh ở Việt Nam. Vốn hóa thị trường của SCR đạt gần 1.120 tỷ đồng.
Thế nhưng, cùng chung số phận với QCG, SCR có lúc giảm sâu xuống 4.700 đồng/CP. Có lẽ, mỗi lần nhắc tới giá cổ phiếu, nhà họ Đặng không khỏi xót xa khi “đứa con” của mình mãi long đong dưới mệnh giá.
Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất trên sàn Hà Nội. Nhà đầu tư dễ “lướt sóng” PVX vì cổ phiếu này có thời điểm rớt xuống mức giá thấp không tưởng, chỉ hơn 2.000 đồng/CP. PVX là cổ phiếu đại gia giảm sâu nhất.
Vốn lớn, lỗ lớn
Nguyên nhân chính khiến QCG, SHB, SHS, SCR rơi xuống dưới mệnh giá chính là các công ty này đều phải nếm trải những khoảng thời gian thua lỗ không hề ngắn. Trong đó, QCG có chuỗi ngày hoạt động thê thảm kéo dài nhất.
Số lỗ của QCG trong quý 3/2012 là 468,24 tỷ đồng, trong quý 1/2012 là 3,84 tỷ đồng. Đặc biệt, quý 4/2011, QCG lỗ tới 103,56 tỷ đồng. Kể từ năm 2011, nhiều quý QCG không lỗ nhưng khoản lợi nhuận vô cùng khiêm tốn chỉ vài trăm triệu hoặc một vài tỷ đồng. Con số này càng nhỏ nhoi hơn khi so sánh với vốn ngàn tỷ.
Xét về độ lỗ khủng, SHB dẫn đầu. Quý 3/2012, SHB lỗ tới 1.706,77 tỷ đồng. Mặc dù mất mặt vì lỗ khủng nhưng SHB nhanh chóng được “minh oan” vì đây là khoản “thừa kế” mà SHB phải nhận sau khi sáp nhập với Habubank. Dù vậy, uy tín SHB vẫn bị ảnh hưởng và cổ phiếu SHB liên tục giảm sâu.
Xét về “thâm niên” lỗ, PVX lại là công ty dẫn đầu. Từ quý 2/2012 tới quý 1/2014, PVX chưa có bất cứ kỳ nào đạt lợi nhuận dương. PVX lỗ triền miên với khoản lỗ lên tới ngàn tỷ đồng. Năm 2013, PVX lỗ 1.622,73 tỷ đồng. Năm 2012, PVX âm 1.338,39 tỷ đồng.
Ngành bất động sản gặp khó trong suốt thời gian dài qua nên SCR không thể “vượt bão” được như Hoàng Anh Gia Lai hay Vingroup. Kết quả là nắm trong tay cả ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về theo quý của SCR vô cùng khiêm tốn. Đó còn chưa kể, quý 2/2013 và quý 4/2012, SCR lần lượt lỗ 57,59 tỷ đồng và 17,44 tỷ đồng.
Cơ hội tốt để đầu tư?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhiều đợt tăng rất nóng của các cổ phiếu mệnh giá thấp. Vì vậy, khi cổ phiếu của nhiều ông lớn giảm sâu, không ít nhà đầu tư tin rằng đây là cơ hội hiếm có để “làm chủ” ông lớn.
Ông Nguyễn Khắc Duẩn, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư S&D phân tích SHB là cổ phiếu đáng đầu tư trong năm 2014 vì hiện tại SHB có giá tương đối thấp. Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, SHB là một trong những đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất. Vì vậy, SHB có nhiều cơ hội tăng giá.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi SHB vì theo VCBS: “Với quy mô khách hàng được mở rộng sau sáp nhập, tập trung vào các tập đoàn lớn và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, SHB có khả năng đạt được mức tăng trưởng cho vay dự kiến, từ đó tạo động lực hoàn thành mục tiêu kinh doanh”.
Tuy nhiên, vẫn có một điểm của SHB khiến VCBS lo ngại. Theo VCBS, chất lượng tài sản và chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ chưa rõ ràng sẽ làm ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận.
Còn về PVX, ông Duẩn nhận xét, PVX cũng sẽ tăng mạnh nhưng đây là cổ phiếu chỉ dành riêng cho giới đầu cơ, những người ưa mạo hiểm và thích lướt sóng. PVX thường tăng, giảm thất thường nên không phù hợp với người yếu tim.
Trong khi đó, giá cổ phiếu SCR tăng mạnh từ 4.700 đồng/cp lên 12.700 đồng/cp trong giai đoạn từ tháng 10/2013 đến tháng 3/3014. Mặc dù hiện tại, SCR đã lùi về sát ngưỡng 8.000 đồng/CP SCR vẫn được đánh giá là tăng rất mạnh trong năm 2014.
Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá SCR sẽ gặp khó khăn để tiêu thụ tốt 2 dự án Belleza và Arista do phân khúc căn hộ trung cấp, nền biệt thự chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường Tp. HCM. Trong khi khó khăn trong hoạt động kinh doanh vẫn tồn tại.
Tuy nhiên, SCR cũng có điểm tich cực quan trọng. Đó là rủi ro tài chính đã cải thiện và giá của SCR vẫn đang thấp hơn giá trị ước tính thận trọng của BVSC. Vì vậy, SCR không khuyến cáo bán ra SCR mà khuyến cáo “Trung lập” với cổ phiếu này.
Có thể thấy, trong các blue-chip giá thấp này, không có cổ phiếu này bị giới chuyên gia khuyên bán ra.
Bảo Linh
Bình luận