• Zalo

Bầu Đức từ chối tranh cử Chủ tịch VFF: Ghế nóng chưa giảm nhiệt

Thể thaoThứ Tư, 04/04/2018 14:03:00 +07:00Google News

Ông Đoàn Nguyên Đức vừa được giới thiệu tranh cử Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tại đại hội nhiệm kỳ 8, dù vậy ông cho biết sẽ không tham gia.

HAGL đồng thời quyết định rút Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh khỏi danh sách ứng cử BCH VFF nhiệm kỳ 8. Nhiều tờ báo dẫn lời bầu Đức thậm chí nói, đội bóng phố núi sẽ có lộ trình chia tay bóng đá.

Trên thực tế, nếu có một cuộc bầu chọn của người hâm mộ, bầu Đức là một trong nhứng ứng viên “nặng ký” cho chức Chủ tịch VFF. Ông Đức và HAGL nhận được sự yêu mến của đông đảo công chúng, đặc biệt từ sau khi lứa đầu học viện HAGL-JMG với những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn…trình làng trong màu áo U19 Việt Nam năm 2013.

Lối chơi ban bật, phối hợp nhỏ dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt của các cầu thủ HAGL đặc biệt lôi cuốn người xem. Ngay cả khi HAGL có thành tích khá kém ở giải VĐQG 3 năm gần đây, sự yêu mến của công chúng không vì vậy mà giảm sút.

bau duc

 Được đề cử song bầu Đức (trái) từ chối ra tranh cử chức Chủ tịch VFF khoá 8, thay thế vị trí của ông Lê Hùng Dũng.

Những cống hiến cho bóng đá Việt Nam của ông Đức và HAGL hơn một thập niên qua là lý do khác khiến ông nhận được sự ghi nhận của công chúng, dù bên cạnh đó vẫn có quan điểm rằng HAGL được “nhận lại” không ít từ bóng đá. Sự phát triển của HAGL từ một doanh nghiệp nhỏ ở phố núi, tới thương hiệu lớn mạnh hiện nay đều gắn liền với quá trình đầu tư vào bóng đá.

Phong cách giản dị, gần gũi ngoài đời thường là một lý do nữa khiến ông Đức được CĐV bóng đá yêu mến. Vẻ ngoài dân dã với trang phục áo phông, quần bò quen thuộc của bầu Đức trái hẳn với sự lịch thiệp, chỉn chu trong đồ “tây” nhưng tạo nên sự xa cách nhiều ông bầu khác thể hiện.

Nhưng cũng chính điều này khiến bầu Đức có vẻ như không thích hợp với phong cách quan chức cần có ở VFF, tổ chức xã hội-nghề nghiệp nhưng lại chịu trách nhiệm với một môn thể thao có tác động lớn tới công chúng.

Ở góc độ công việc đơn thuần, 5 năm trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính, bầu Đức không tạo được nhiều dấu ấn, đặc biệt nếu so với người tiền nhiệm và hiện là đương kim Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Điều này một phần xuất phát từ hoạt động kinh doanh khó khăn của HAGL những năm qua. Bù lại, bầu nhiệt huyết và tình yêu với bóng đá của ông Đức thì không hề giảm. Đóng góp cuối cùng của bầu Đức cho VFF có lẽ là thương vụ mời HLV Park Hang Seo, người sau đó đưa U23 Việt Nam đoạt vị trí Á quân giải U23 châu Á 2018.

Nhưng trước đó, bóng đá Việt Nam đã trải qua 2 năm không thành công với HLV Hữu Thắng, vốn cũng được cho do một tay ông Đức đưa lên, thay ông Toshiya Miura.

Ở đây cần nói thêm, bầu Đức từng có lúc nắm cả vị trí lãnh đạo cấp cao ở VPF, giống như bầu Thắng hay bầu Tiến Anh, những ông chủ của các đội bóng ở V-League trước kia.

Đã có những ý kiến cho rằng, đây là sự xung đột về lợi ích, khi ông chủ một đội bóng ở V-League lại ngồi ở cả vị trí có thể gây tác động tới công tác tổ chức giải đấu. Việc bầu Đức nắm ghế Phó chủ tịch VFF từng là vấn đề gây nên tranh cãi mỗi lần cầu thủ HAGL được triệu tập vào ĐTQG.

Ông Đức từ chối ra tranh cử chức Chủ tịch VFF, đồng nghĩa bóng đá Việt Nam không phải kéo dài 1 vấn đề gây tranh cãi, nhưng cũng không giảm bớt sự căng thẳng trước thềm đại hội 8, vốn khiến người trong cuộc đang ngày càng mệt mỏi.

Mọi “đòn miếng” đã được tung ra, và đang có dấu hiệu tiếp diễn xoay quanh chiếc ghế ông Lê Hùng Dũng để lại. Không phải ngẫu nhiên, người trong cuộc có lý do để lo lắng, công chúng và cả lãnh đạo ngành thể thao có thể lạc trong “ma trận” đấu đá lẫn nhau giữa những ứng viên nhiều tham vọng.

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại đối diện nguy cơ xấu đến vậy, khi có khả năng được lãnh đạo bởi một “minh chủ” thiếu cả tâm lẫn tầm.           

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn