• Zalo

Bầu Đức: Nếu chỉ lấy vài người U19 thì không giải quyết được gì

Thể thaoThứ Ba, 16/12/2014 02:58:00 +07:00Google News

Sau thất bại đáng tiếc của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014, người hâm mộ đang đổ dồn hy vọng vào lứa U19 của bầu Đức.

Sau thất bại đáng tiếc của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014, người hâm mộ đang đổ dồn hy vọng vào lứa U19 của bầu Đức.

Trước sự quan tâm rất lớn ấy, bầu Đức tuyên bố sẵn sàng để  Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… làm nghĩa vụ quốc gia ở SEA Games 28 tại Singapore.
Bầu Đức không ap lực khi để Công Phượng, Tuấn Anh đá SEA Games (Ảnh: Hà Thành)
PV- Thông tin ông sẵn sàng để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... lên làm nòng cốt của U23 Việt Nam đá SEA Games 28 có chính xác không thưa ông?


Bầu Đức: Việc để các cầu thủ U19 HAGL tham dự SEA Games 28 hay không là quyền của VFF chứ bản thân tôi không thể quyết định được. Nếu VFF thấy cần thiết và triệu tập các em lên đội tuyển, tôi không thể từ chối vì đó là nhiệm vụ quốc gia.

“Nên lấy nguyên bộ khung của U19 HA.GL”

- Nhưng lộ trình phát triển của U19 là phải đến năm 2017 mới đá SEA Games, vậy việc để họ gia nhập U23 Việt Nam lúc này phải chăng ông cũng chịu áp lực thành tích?

Không, tôi không chịu áp lực gì hết, đơn thuần tôi nghĩ đó là nghĩa vụ quốc gia và mình phải có trách nhiệm tuân thủ. Tôi cũng chia sẻ thêm thế này, U19 đá được V-League thì lên U23 cũng đá được thôi chứ chẳng có vấn đề gì cả.

Nếu tỉnh táo nghiên cứu kỹ, tôi cho rằng, việc để nguyên bộ khung U19 Học viện của tôi là hợp lý. Các em từng ăn, ở, từng tập luyện thi đấu nhiều năm với nhau, nếu tham dự SEA Games 28, tôi tin các em sẽ đá tốt. Còn nếu chỉ lấy một vài người, nay đá mai không thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Đương nhiên, lấy nguyên bộ khung chính của U19 HAGL nhưng cần phải bổ sung thêm một vài vị trí có kinh nghiệm nữa. Làm được như thế, tôi tự tin U23 Việt Nam sẽ đá tốt và có thành tích ngay ở SEA Game 28 luôn chứ không cần phải đợi đến năm 2017 đâu.

- Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ nghi ngờ, lãnh đạo VFF cũng nghi ngờ các tuyển thủ… vậy ông đã tiên liệu được hậu quả mà quân ông phải gánh chịu nếu lứa U19 lên đội tuyển đá thua và cũng có thể bị quy kết?

Không, tôi thấy chuyện này hơi khó để xảy ra, chẳng ai nghi ngờ các em U19 cả. Thực tế ở các giải giao hữu, lẫn chính thức, U19 đá thua tưng bừng, thua nhiều trận nhưng người hâm mộ vẫn đón nhận một cách nồng nhiệt. Người hâm mộ hiểu rằng đây là đội bóng được nuôi dạy tử tế, từ việc học văn hóa đến chuyên môn nên sẽ không bao giờ làm những việc trái với lương tâm, trái với pháp luật.

Giải giao hữu Cúp Nutifood ở TP.HCM, đội U19 thua cả 3 trận, thua AS Roma, Nhật Bản, Tottenham, song khán giả luôn đến sân chật kín, cổ vũ rất nhiệt tình, rất chuyên nghiệp. Đến các giải thi đấu ở Brunei, ở Myanmar, hay ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, các em U19 đá có thắng, có thua, nhưng tình cảm, niềm hy vọng của người hâm mộ dành cho đội đến hôm nay vẫn đong đầy.

Nói thật, trước kia cầu thủ Việt Nam có nhiều điều tai tiếng, dư luận có quyền nghi ngờ, nhưng riêng với U19, bản thân tôi tin tưởng sẽ không có chuyện đó đâu. Nếu đưa bộ khung U19 làm nòng cốt lên, kết hợp với một vài VĐV có đạo đức, có tài năng xuất sắc ở một số CLB khác, dù đá thua người hâm mộ vẫn sẽ đến sân ủng hộ hết mình. Vấn đề là các cầu thủ CLB khác phải thực sự có tư cách, đạo đức.
 
“Cầu thủ dính tiêu cực đừng hòng trở lại đá bóng”

- Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 thay máu lực lượng khá mạnh với rất nhiều gương mặt trẻ xuất hiện, nhưng nhìn lại vẫn còn đó một số cái tên gây băn khoăn. Dư luận cho rằng sự thay máu vẫn chưa triệt để. Theo ông, tiêu chí lựa chọn tuyển thủ thời gian sắp tới nên như thế nào?


Theo tôi, không có gì là triệt để cả, mọi thứ chỉ mang tính tương đối thôi, về vấn đề này tôi chỉ có thể trả lời được như thế, nôm na là không có gì tuyệt đối cả.

Còn tiêu chí lựa chọn tuyển thủ cho các đội tuyển quốc gia, theo tôi vấn đề đạo đức cần đặt lên hàng đầu. Học viện HA.GL Arsenal JMG của tôi khi thành lập ra thì tiêu chí đầu tiên cũng là đạo đức và học vấn chứ không phải là bóng đá, nên cầu thủ của tôi mới có nếp sống như bây giờ, chứ không đơn giản đâu.

Người ta suy nghĩ thế nào tôi không quan tâm, riêng quan điểm của cá nhân tôi, 2 yếu tố quan trọng nhất vẫn là văn hóa và đạo đức. Muốn kéo khán giả đến sân, cầu thủ phải có văn hóa và đạo đức trước đã, còn chuyên môn tính sau. Văn hóa và đạo đức phải làm từ lúc bé, lúc mới vào Học viện chứ đến 19, 20 tuổi mới làm thì không được nữa rồi.

- Malaysia là điển hình của việc tuyên chiến với tiêu cực, họ từng “đày” hơn 70 cầu thủ, quan chức, HLV... ra đảo, tước bỏ mọi phúc lợi xã hội, cách ly khỏi bóng đá. Theo ông, đã đến lúc chúng ta mạnh tay với cầu thủ dính tiêu cực, đưa ra các án phạt hà khắc, không khoan nhượng kiểu như Malaysia từng làm hay không?

Các bạn là phóng viên hay có những so sánh, liên tưởng này nọ, nhưng theo tôi, mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, một cách làm riêng… nên chúng ta không nhất thiết phải làm theo Malaysia.

Còn nếu điều tra ra cầu thủ dính tiêu cực thì đương nhiên là phải mạnh tay, loại bỏ vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống bóng đá.

Tôi hiểu ý bạn, trước kia chúng ta vẫn còn xử lý vị tha, vẫn có trường hợp dính chàm nhưng được tha bổng quay lại bóng đá, thậm chí được gọi trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia… Tôi đảm bảo câu chuyện đó đã là của nhiệm kỳ trước, bây giờ thì khác. Chủ trương của VFF là làm triệt để, cầu thủ nào dính vào tiêu cực đừng hòng có cửa trở lại với bóng đá.
 
“Cả nước phải coi trọng đào tạo trẻ”

- V-League có khỏe mạnh ĐTQG mới thực sự mạnh lên được, nhưng nhìn lại 14 năm lên chuyên, V-League của chúng ta dường như vẫn dậm chân tại chỗ, làm mất niềm tin với người hâm mộ... Vậy ông có lạc quan với giải đấu này ở mùa bóng 2015 hay không?

- Có là thánh tôi cũng không lạc quan được. Tất nhiên mình là người trong cuộc mình phải nỗ lực để làm tất cả những gì mình có thể để đóng góp cho giải đấu. Còn cá nhân tôi nghĩ, làm cho giải đấu lành mạnh và chất lượng ngay thì rất khó.

Tôi nghĩ, để giải đấu tốt lên cần phải có thời gian, phải có phương pháp làm. Nếu muốn tồn tại với bóng đá lâu dài, không riêng gì HAGL mà tất cả các CLB trên thế giới đều tuân thủ theo một điều đó là lấy bóng đá, nuôi bóng đá, còn không thì là tạm bợ hết, và có thể giải tán bất kỳ lúc nào.

Năm nay tôi tự tin, đội bóng HAGL của tôi làm ăn có lãi, vì tôi xây dựng toàn bộ lực lượng do mình đào tạo ra, không tốn tiền chuyển nhượng, không trả lương cao, cơ chế thưởng phạt vừa phải... Để giải đấu V-League thật sự tốt, các đội bóng phải chú tâm đào tạo trẻ, đào tạo tới nơi tới chốn, đó là con đường duy nhất giúp bóng đá có lãi.

Muốn làm điều đó phải có thời gian và sự kiên trì. Một lứa cầu thủ ra đời muốn đá tốt ít nhất phải chờ 8 đến 10 năm mới đánh giá được. Đây là một câu chuyện khó, nhưng ở Việt Nam vẫn có SLNA làm tốt, Đồng Tháp làm tốt song vấn đề của họ là kinh phí hạn hẹp.

Năm nay, nhiều đội sử dụng đội hình trẻ đá V-League, như HAGL, Đồng Tháp, S.Khánh Hòa - BVN, SLNA, tôi hy vọng tương lai, khi các đội bóng khác cũng làm như thế thì giải đấu của ta, đội tuyển của ta mới mạnh được. Còn cứ làm ăn chụp giật, tranh mua tranh bán, thăng một hai mùa, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, không giải quyết được vấn đề gì!

Bóng đá Việt Nam muốn phát triển, hãy đào tạo trẻ, dứt khoát phải làm chuyện đó, mà đào tạo ở đây phải đưa tiêu chí đạo đức và văn hóa lên hàng đầu như HAGL đang làm. Đào tạo thuần chuyên môn, không quan tâm đến vấn đề văn hóa, đạo đức thì trước sau gì cũng sẽ hỏng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Clip U19 Việt Nam lấn lướt U19 Trung Quốc

Theo TT&VH
Bình luận
vtcnews.vn