Ai có thể ngờ những con sâu có ngoại hình gớm ghiếc, nhiều chân, liên tục ngọ nguậy lại là món ăn được săn lùng ráo riết, với giá bán đắt hơn cả thịt lợn. Đó chính là tằm lá sắn, loài côn trùng đang gây sốt trên thị trường thực phẩm.
Loại tằm này chỉ ăn duy nhất lá sắn, loại cây được trồng nhiều ở vùng trung du, khác với loại tằm ăn lá dâu - thường nuôi lấy tơ - ở vùng đồng bằng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tằm lá sắn có hàm lượng protein cao gấp nhiều lần trứng gà, cùng các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu nên được xem như một loại "sâm" tự nhiên, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường đề kháng.
Chị Nguyễn Thị Tuyến (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, nghề nuôi tằm lá sắn lấy thịt ở quê chị đã có từ rất lâu đời, không biết từ khi nào. “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng", là câu nói ám chỉ sự vất vả khi nuôi tằm hoặc nuôi lợn. Chị Tuyến cho biết, mỗi một vụ tằm mà nuôi một đầy một gian nhà thì không có lúc nào được ngồi. Chị phải đi hái lá sắn liên tục, rồi lại rải lá cho tằm ăn không dứt.
Để đỡ vất vả, chị Tuyến thường chia làm 3 đợt nuôi tằm mỗi tháng, mỗi đợt cách nhau khoảng 5 ngày. Mỗi đợt, chị Tuyến bắt đầu với 10gr trứng tằm, mua hết 80.000 đồng. Nếu không gặp phải vấn đề gì, sau khoảng 20 ngày nuôi dưỡng, tằm chín (màu ngả vàng). Lúc này, tằm không ăn lá sẵn nữa, phân trong bụng sẽ được thải ra hết sạch, chuẩn bị bước vào giai đoạn nhả tơ, làm kén. Đây cũng chính là lúc tằm được thu hoạch.
10gr sẽ thu được khoảng 10kg tằm chín, bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Lúc trái vụ, tằm khan hiếm có khi còn bán được 150.000 - 200.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt lợn loại ngon nhất.
Với quy mô nhỏ, chị Tuyến có thể kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng nhờ nuôi tằm. Chi phí đầu tư là 160.000 đồng tiền trứng tằm, cùng với công đi hái lá, bẻ cành và cho tằm ăn trong 20 ngày. Chị kể, làng chị có nhà nhiều nhân lực, nuôi đến cả trăm gr trứng tằm mỗi vụ, thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng. “Nhưng mà vất vả lắm. Tằm lá sắn sống sạch, chỉ không may hái phải lá sắn có mùi thuốc trừ sâu vương vào thôi, tằm ăn phải sẽ chết hàng loạt, thế là thành công cốc", chị nói.
Cũng nuôi tằm lá sắn tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), chị Chu Huệ cho biết, gia đình chị nuôi tằm quanh năm để lấy thịt, cung cấp cho người dân trong vùng và một số đầu mối ở Hà Nội.
Theo chị Huệ, trước đây con tằm được nuôi để làm thức ăn hàng ngày trong gia đình nhưng càng ngày, xã hội càng phát triển, con tằm được nhiều người biết đến và tìm mua nên các hộ gia đình bắt tay vào nuôi số lượng lớn.
Nếu mùa hè, chỉ cần nuôi khoảng 18-20 ngày là được bán. Mùa đông, tằm lâu lớn hơn nên mỗi lứa tằm chỉ cần nuôi khoảng 20-25 ngày. Giá trứng tằm cũng dao động từ 700.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/100gr. Tuy nhiên, 100gr trứng có thể nuôi được khoảng 1,2 - 1,5 tạ tằm thương phẩm.
Cũng theo chị Huệ, con tằm vừa dễ lại vừa khó nuôi, có thể lãi gấp 10 lần sau 15-20 ngày nuôi nhưng cũng có thể mất trắng nếu bị dịch bệnh.
“Nóng quá nó cũng chết, lạnh quá cũng chết. Thậm chí người ta phun thuốc trừ sâu cách nhà cả km nhưng tằm nhà mình vẫn lăn ra chết. Bởi vậy, để có nguồn thức ăn sạch cho tằm, nhà tôi phải trồng thêm 3 mẫu sắn và thầu dầu để lấy lá cho tằm ăn”, chị Huệ nói.
Tằm lá sắn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như tằm rang lá chanh, tằm luộc chấm muối ớt, tằm xào... Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Bình luận