Theo Science Alert, phát hiện bắt nguồn từ một tia X kỳ lạ phát ra từ trung tâm thiên hà chứa Trái đất Milky Way mà nhóm khoa học gia đang thu thập dữ liệu cho Dự án Kính viễn vọng Event Horizon nắm bắt được vào tháng 4/2017.
Nhiều kính viễn vọng khắp thế giới bắt đầu tham gia tìm hiểu về tia X bí ẩn đó, trong đó có đài thiên văn lớn nhất thế giới - mảng kính viễn vọng vô tuyến ALMA đặt tại hoang mạc tử thần Atacama của Chile.
Dữ liệu cho thấy đó là một vật thể khổng lồ, to bằng sao Thủy - một hành tinh của hệ Mặt trời - nhưng lại làm bằng khí nóng. "Hành tinh ma" này lại có hành vi rất kỳ lạ là quay quanh lỗ đen siêu khối Sagittarius A* (Sgr A*) với tốc độ cực nhanh, bằng 30% tốc độ ánh sáng.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Maciek Wielgus từ Viện Thiên văn vô tuyến Max Planck - Đức đã dày công tìm hiểu, phân tích vật thể khó định nghĩa này.
"Mắt thần" của ALMA chỉ ra "hành tinh ma" này không phải đốm khí hình cầu như tưởng tượng ban đầu, mà lại dẹp như chiếc bánh donut, mang nhiệt độ đáng kinh ngạc.
Chiếc bánh kỳ cục lởn vởn quanh "miệng" lỗ đen hung dữ này còn phát ra ánh sáng phân cực mạnh, thậm chí bị xoắn lại, hiển thị dấu hiệu của gia tốc synctron, đều là những dấu hiệu của loại từ trường cực mạnh đủ bẻ cong không - thời gian.
Đốm khí nóng dường như được "nhúng" trong một dạng vật thể gọi là "đĩa bắt từ tính", quay xung quanh và ăn vào lỗ đen.
Tuy nguồn gốc, cách mà "hành tinh ma" bẹp như chiếc bánh này ra đời vẫn còn mơ hồ, nhưng nó đã cung cấp lời giải thích phần nào cho hiện tượng mà các nhà khoa học bối rối bấy lâu nay - các đài thiên văn liên tục bắt được tín hiệu nhấp nháy từ lỗ đen siêu khói Sgr A*, con quái vật đang ngủ đông của Milky Way. Có lúc người ta ngỡ rằng nó đã "sống" lại. Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
Bình luận