Mảnh hành tinh chết rơi xuống Trái Đất, chứa kho báu làm chao đảo giới khoa học

Khám pháThứ Ba, 13/09/2022 12:03:27 +07:00

Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra lời giải về lonsdaleite, loại siêu kim cương khiến họ bối rối trong nhiều năm qua.

Theo Science Alert, siêu kim cương lonsdaleite chỉ có thể được hình thành trong sự kiện thật thảm khốc trong không gian liên hành tinh. Chúng mang cấu trúc gồm các nguyên tử carbon với 4 electron liên kết chặt chẽ, làm cho toàn bộ cấu trúc đủ mạnh để tạo nên một trong những thứ tinh thể cứng nhất Trái Đất.

Cấu trúc tinh thể của lonsdaleite cũng bảo tồn hoàn hảo hình dạng lục giác của graphite, tăng độ cứng cho vật liệu và khiến nó "siêu đẳng" hơn kim cương Trái Đất. Chúng rất quý hiếm - chỉ vài mẫu vật nhỏ, mảnh như tóc người được tìm thấy.

Mảnh hành tinh chết rơi xuống Trái Đất, chứa kho báu làm chao đảo giới khoa học - 1

Một mảnh thiên thạch chứa siêu kim cương từng rơi xuống Trái Đất. (Ảnh: PNAS)

Giờ đây, một nhóm khoa học gia đã thành công trong việc lần ngược lại nguồn gốc của kim cương lonsdaleite được tìm thấy trong một số mẫu thiên thạch đá quý hiếm gọi là urelite.

"Có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy quá trình hình thành kim cương mới được phát hiện cho lonsdaleite lẫn kim cương thông thường, giống như kiểu lắng đọng hơi hóa học siêu tới hạn đã diễn ra trong các thiên thạch xảy ra khi hai hành tinh va chạm thảm khốc", nhà khoa học kính hiển vi Dougal McCulloch từ Trường Đại học RMIT - Úc giải thích.

Urelite cũng được xác định là mảnh của một hành tinh lùn đã bị tàn phá, vỡ ra, rồi một phần đi lạc đến tận Trái Đất. Siêu kim cương được phát hiện trong các mẩu thiên thạch urelite chủ yếu được bọc trong than chì.

Điều đặc biệt, quá trình lắng đọng hơi hóa học có thể được tái hiện trong phòng thí nghiệm - tức con người có khả năng bắt chước quá trình tạo ra siêu kim cương này với một số điều kiện phù hợp ngay trên Trái Đất.

Theo nhà địa chất học Andy Tomkins từ Đại học Monash - Úc, siêu kim cương có thể ứng dụng trong chế tác các bộ phận máy móc cực nhỏ, siêu cứng để thay các bộ phận graphite trong các loại máy móc hiện đại nhất. Và có thể đến một thời điểm nào đó, người ta có thể cầu hôn bằng chiếc nhẫn đính loại "kho báu vũ trụ" kỳ ảo này.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn