Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trước tình hình này, nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính, sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Để giải quyết khó khăn này, HoREA kiến nghị: Về quy trình giải quyết hồ sơ dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, đường, bờ đất do Nhà nước quản lý, Hiệp hội khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận và chỉ đạo các địa phương thực hiện quy trình hành chính gồm 5 bước:
Lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”; Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp Giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng; Xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiệp hội cũng đề xuất 4 phương án xử lý vướng mắc đối với phần đất rạch, đường, bờ đất, do Nhà nước quản lý (chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích), có hình dáng bất định hình, nằm rải rác, xen cài trong khu đất dự án nhà ở của doanh nghiệp:
Phương án 1: Đề nghị xác định “giá đất cụ thể” phù hợp giá thị trường đối với các phần đất xen cài này và giao đất cho chủ đầu tư theo các quy định của pháp luật về đất đai. Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hiện nay, các địa phương không dám giải quyết như trước đây, vì còn “lấn cấn” do các thửa đất xen cài này là đất công.
Phương án 2: Thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, đường, bờ đất, thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế “chuyển đổi quyền sử dụng đất” và “dồn điền đổi thửa” được quy định tại Điều 167 Luật Đất đai và Điều 78 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Phương án 3: Thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, đối với các thửa đất thuộc Nhà nước quản lý, có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập.
Phương án 4: Đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc Nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án, theo tỷ lệ do Nhà nước quy định.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 22/2, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện thành phố có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản.
Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của thành phố. Mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của thành phố nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn ngày càng khắc nghiệt hơn.
Cụ thể, tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.
Ông Phong cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
"Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Bình luận