Tại Hội thảo Khoa học quốc tế: "Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức ngày 16/11, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp “gỡ nút thắt” cho loại hình bất động sản du lịch.
Trong một vài năm trở lại đây, kinh doanh bất động sản du lịch là phân khúc phát triển mạnh mẽ, sôi động trong thị trường bất động sản ở các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch ngày càng gia tăng về số lượng cũng như phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn.
Thực trạng gia tăng các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình quản lý nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc thị trường này còn chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.
Để tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương, ngày 14/02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở cho các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã có cơ sở, thống nhất thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với bất động sản du lịch, lưu trú là Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (không phải nhà ở) và quyền sử dụng đất có thời hạn.
Tuy nhiên, đến nay, theo Ths. Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, bất động sản du lịch vẫn còn nhiều vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh và quản lý sử dụng.
Trong đó, nội dung vướng mắc nhất hiện nay là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản du lịch, nhất là các loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.
Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ như trên nhưng đây vẫn chỉ là văn bản hành chính, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng kết hợp chức năng lưu trú làm cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đối với các công trình này.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản du lịch hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành thì các chủ đầu tư dự án, các chủ sở hữu đều được quyền kinh doanh bán, cho thuê, cho thuê mua các loại bất động sản mới này theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật dân sự hiện hành và người mua, thuê mua sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ theo quy định của Luật Đất đai hiện hành (theo hình thức đất sử dụng có thời hạn).
Tuy nhiên, các loại hình mới này có những đặc thù riêng, như vẫn có sở hữu chung, sở hữu riêng, có các nội dung về quản lý, sử dụng như nhà ở chung cư nhưng pháp luật kinh doanh bất động sản vẫn chưa có quy định cụ thể, như: quy định về hình thức kinh doanh, loại hợp đồng áp dụng, vấn đề quản lý chỗ để xe, vấn đề bảo lãnh khi mua bán, vấn đề huy động vốn hoặc việc mua bán gắn với quyền kinh doanh sau mua bán….
Trong thực tế, nhiều trường hợp chủ đầu tư vì mục đích huy động được nhiều vốn, bán được nhiều căn hộ nên đã đưa ra các điều khoản hấp dẫn trong hợp đồng về mức lợi nhuận kinh doanh cho người mua, sau đó không thực hiện được cam kết và dẫn đến tranh chấp.
Chia sẻ thêm về các vướng mắc hiện nay, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch nêu ra một thực trạng là hình thức nhiều người có thể mua chung một bất động sản.
Như vậy từ 1 chủ đầu tư thì bây giờ đã có 100 chủ đầu tư sở hữu chung một mô hình bất động sản du lịch. Từ đó đặt ra vấn đề quyền sở hữu của chủ đầu tư trong vấn đề bất động sản du lịch.
“Bản chất, khi sở hữu chung các mô hình bất động sản du lịch, lợi thế sẽ được chia sẻ, rủi ro sẽ được chia đều. Như vậy, rõ ràng điều này cũng đem đến những mặt lợi và mặt hại nhất định”, bà Bình nhận định.
Vì vậy, theo bà Bình, cần xác định về quyền sở hữu của bất động sản du lịch để có sự rõ ràng cho nhà đầu tư khi có quan tâm.
Sau khi lắng nghe các vướng mắc từ các đại biểu, chuyên gia, ông Trần Văn Tiến, Trưởng phòng đăng ký Đất đai, Cục Đăng ký đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, Bộ xin tiếp thu và sẽ phối hợp với các đơn vị, Bộ ngành liên quan để chỉnh sửa cho phù hợp.
“Với lĩnh vực bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là vấn đề cấp giấy chứng nhận sở hữu. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm bất động sản du lịch. Văn bản khi ban hành cũng đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản du lịch. Với những vướng mắc hôm nay, chúng tôi tiếp thu và sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Tiến chia sẻ.
Bình luận