• Zalo

Bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mới: Ai được ưu tiên?

Tin tứcThứ Sáu, 09/07/2021 09:02:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mới, Bộ Y tế quy định rõ nhóm đối tượng được ưu tiên.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa phê duyệt kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 năm 2021 - 2022. Bộ Y tế xác định đối tượng được tiêm vaccine COVID-19 là người trên 18 tuổi và cả người trên 65 tuổi (trước đây không có chỉ định tiêm cho nhóm này). Mục tiêu bao phủ trên 90% mũi tiêm cho các trường hợp được chỉ định tiêm.

Bộ Y tế tập trung ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho 16 nhóm, gồm:

1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, bao gồm công lập và tư nhân.

2. Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo chống dịch, làm việc tại khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…).

3. Lực lượng quân đội.

4. Công an.

Bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mới: Ai được ưu tiên? - 1

Tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh hoạ: SKĐS)

4. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài.

5. Người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước.

8. Giáo viên, học sinh, sinh viên, lực lượng bác sĩ trẻ, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc nhiều người cũng nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm.

9. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi

10. Người sinh sống tại các vùng dịch

11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội

12. Người được cơ quan có thẩm quyền cửa đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

13. Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khoẻ, dược, vật tư y tế…, cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.

14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.

15. Người lao động tự do

16. Các đối tượng khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND các tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên và phủ được 70% vào tháng 4/2022 để đạt miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch tiêm chủng sẽ được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc từ tháng 7/2021 với khoảng 19.000 điểm tiêm chủng tại các cơ sở công lập và tư nhân, trong và ngoài ngành y tế. Do số lượng tiêm lớn nên Việt Nam huy động toàn bộ hệ thống chính trị sẽ cùng tham gia, từ y tế, công an, quân đội, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ.

Bộ Y tế cũng quy định, vaccine được ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố.

Nhóm 1, các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.

Nhóm 2, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ.

Nhóm 3, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

Nhóm 4, các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Trong trường hợp nguồn vaccine phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Khi đủ vaccine, cần thông báo cho người tiêm đăng ký trước.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn