Phát hành đầu tháng 4, Beef nhanh chóng gây sốt toàn cầu vì kết hợp tốt ý tưởng, kịch bản và diễn xuất. Với khán giả Việt, series còn được chú ý nhờ sự xuất hiện của nghệ sĩ Hồng Đào và hình ảnh món canh chua được tái hiện ấm cúng trong một tập phim.
Dù chỉ lướt qua vài giây, món ăn đậm vị của người Việt thực sự đã phát huy được hiệu quả trên khung hình. Nó vừa thể hiện được nguồn gốc, đồng thời cho thấy tình cảm người mẹ dành cho con. Trước Beef, Hollywood từng nhiều lần khai thác ẩm thực để làm nổi bật văn hóa châu Á cũng như tính cách, tình cảm của các nhân vật.
Hương vị Việt từ bát canh chua
Câu chuyện trong Beef – do Lee Sung Jin sáng tạo – được xây dựng dựa trên mâu thuẫn giữa 2 nhân vật chính. Sau khi suýt đụng phải xe của Amy (Ali Wong), Danny (Steven Yeun) tức giận đuổi theo cô trên phố, từ đó giữa họ hình thành mối thâm thù vô hình, ngày càng khó tháo gỡ.
Chi tiết bát canh chua được lồng ghép trong tập 8 khi Amy về thăm gia đình sau một thời gian xa cách. Để chiêu đãi con gái, người mẹ (Hồng Đào) quyết định nấu món canh quê hương khơi gợi ký ức tuổi thơ. Từ đó, bà mượn bàn ăn làm cầu nối, hòa giải những mâu thuẫn khó gỡ giữa 2 mẹ con.
Trong phim, Amy là một phụ nữ gần như có tất cả mọi thứ: Chồng đẹp, nhà sang, nghề nghiệp trong mơ. Nhưng chỉ đến tập phim với bát canh chua xuất hiện, mọi bí mật và quá khứ nhân vật mới thực sự được lật mở, cho thấy cô cũng là một người không hoàn hảo, đầy vụn vỡ.
Trước nay, thế giới biết đến Việt Nam qua những món ăn như bánh mì, phở, bún chả… nhiều hơn là canh chua. Tất nhiên ê-kíp Hollywood không có chủ định quảng bá ẩm thực Việt, nhất là trong một series kể về người nhập cư gốc Á ở Mỹ. Nhưng việc họ đưa món ăn đậm vị này vào tập phim, dù vô tình hay cố ý, ít nhiều cũng đạt được hiệu quả.
Món ăn mà “mẹ Hồng Đào” chiêu đãi chồng và con gái, dường như chạm được vào trái tim những khán giả xa quê hương. Bát cơm trắng chan thêm canh chua, với một chút vị mặn mặn, một chút cay cay như chính cuộc sống những người xa quê, phải sống tha phương nơi đất khách quê người.
Sau khi xem tập phim, nhiều khán giả để lại bình luận thích thú về món ăn Việt Nam. Có người còn khẳng định sẽ thử nấu canh chua để thưởng thức. Thế là chẳng cần chiến lược quảng bá rầm rộ, tự nhiên series cũng chiếm được lòng không ít người xem Việt trên thế giới.
Cách Hollywood “xào nấu” chất liệu châu Á
Phải nói rằng ẩm thực luôn đóng vai trò không nhỏ với điện ảnh. Từ thỏi chocolate trong Forrest Gump (1994) đến món mì ram-don trong Parasite (2019) đều được biên kịch cài cắm với nhiều dụng ý. Thế nhưng, cách người châu Á sử dụng ẩm thực trong phim cũng hoàn toàn khác người phương Tây.
Theo trang Hollywood Insider, điện ảnh Âu Mỹ thường dùng thức ăn làm ẩn dụ cho “sự đam mê” (passion) giữa nam và nữ. Trong các bộ phim hài lãng mạn, đôi lứa thường hẹn hò trong nhà hàng sang trọng, hoặc đơn giản là tiệm thức ăn nhanh như cách 2 nhân vật chính của When Harry Met Sally... (1989) xích lại gần nhau.
Nhưng với điện ảnh châu Á, ẩm thực là một hành động mang tính chia sẻ, thể hiện sự gắn kết. Các thành viên trong gia đình thường ngồi quây quần bên bàn ăn để chuyện trò, nhìn lại quá khứ hoặc hàn gắn vết thương lòng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, làn sóng châu Á (Asian wave) trỗi dậy mạnh mẽ với nhiều tác phẩm như Crazy Rich Asians (2018), Minari (2020) và gần nhất là Beef. Vì thế, giới làm phim Hollywood cũng có nhiều thay đổi, cập nhật để người Mỹ có thể hình dung rõ ràng, chính xác hơn về cách người phương Đông thưởng thức ẩm thực.
Trong Crazy Rich Asians (2018), khi nam chính Nick (Henry Golding) đưa bạn gái Rachel (Constance Wu) về Singapore ra mắt gia đình, anh quyết định dẫn cô đến khu Newton Food Centre để ăn tối như một cách tiếp cận văn hóa nhanh nhất. Sau đó, các nhân vật ngồi giữa chợ đêm, nhâm nhi những món đường phố có lẽ xa lạ với nhiều người Mỹ.
Đến khi Rachel bước vào nhà Nick lần đầu, cô cũng được chiêu đãi bằng một bữa đại tiệc. Từng món ăn được trình bày tỉ mỉ đến bộ chén bát sang trọng trên bàn đều toát lên sự giàu có của giới thượng lưu ở đảo quốc sư tử.
Lúc này, ẩm thực nói lên rất nhiều về tính cách của người thưởng thức. Nick thoải mái và dễ chịu, dù nhà giàu vẫn thích ăn những món bình dân, rẻ tiền. Trái lại gia đình anh thì quy củ, có yêu cầu cao về nguyên liệu đến cách bài trí trên bàn.
Không những vậy, món ăn còn là tấm gương phản ánh trạng thái, cảm xúc của nhân vật. Trong To All The Boys I’ve Loved Before (2018), nữ chính Lara (Lana Condor) dùng thức ăn như một cách bày tỏ tình cảm đến những người xung quanh, bất kể là em gái hay các chàng trai cô từng quen.
Món Snickerdoodle ngọt ngào tái hiện cảm giác lãng mạn lúc mới yêu. Những chiếc cupcakes đa màu sắc như mối quan hệ phức tạp với bạn trai. Bánh nướng là khi 2 trái tim trở nên nồng nhiệt, quyết định xích lại gần nhau hơn chút nữa.
Đáng tiếc, nữ đạo diễn Susan Johnson vốn không phải người gốc Á nên chưa có sự tinh tế trong việc cài cắm ẩm thực phương Đông. Giá như cô để Lara nấu một món quê nhà cho người yêu, có lẽ đã không có chàng trai nào phải rời đi trong cay đắng.
Ẩm thực phương Đông trong phim Hollywood
So với nhiều đồng nghiệp, Domee Shi táo bạo hơn biến bánh bao – món ăn nổi tiếng Trung Hoa – trở thành nhân vật chính, từ đó tạo nên câu chuyện xúc động về tình mẫu tử. Năm 2018, cô gây chú ý khi biên kịch và đạo diễn Bao – thắng giải Oscar 2019 ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc.
Chuyện phim bắt đầu khi 2 vợ chồng lớn tuổi nhưng chưa có một mụn con. Hàng ngày người chồng ăn vội bữa sáng để đi làm, còn người vợ là bà nội trợ cô đơn, chỉ biết lủi thủi trong nhà một mình. Bỗng chốc, bà phát sốc khi thấy chiếc bánh bao trên bàn ăn… bật khóc và biến thành một em bé. Từ đó nhân vật nuôi dạy cái bánh như con đẻ, chứng kiến “đứa bé” lớn lên để rồi bật khóc khi thấy nó ngỗ ngược, không vâng lời.
Sau Bao, Domee Shi cũng tiếp tục khai thác chủ đề mẫu tử, tình cảm gia đình với phim hoạt hình dài đầu tay Turning Red (2022). Một cảnh quay đáng nhớ trong phim là khi người bố xắn tay vào bếp nấu cơm cho vợ và con gái. Đó là một bữa tối đầy gia vị châu Á. Từ những hạt nêm được rắc vào canh cho đến xì dầu rưới vào món xào đều được người bố chăm chút, đặt nhiều tâm huyết.
Ẩm thực tiếp tục là nội dung không thể thiếu trong The Farewell (2019). Bộ phim nói về đoàn tụ và chia ly nhưng thức ăn thường xuyên xuất hiện cùng các nhân vật trong mọi tình huống, dù đó là tiệc cưới, lễ vật viếng mộ hay một bữa tối căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Nữ đạo diễn kiêm biên kịch Lulu Wang giải thích: “Trong gia đình tôi, đặc biệt là khi tôi về Trung Quốc, luôn luôn phải chuẩn bị dạ dày để ăn, vì đó là cách mọi người thể hiện yêu thương. Sẽ rất xúc phạm nếu bạn không ăn gì cả”. Thế nên, cô chăm chút các món ăn, từng góc máy đều được tính toán để làm tôn lên vẻ đẹp của ẩm thực phương Đông.
Trên tất cả, những món ăn của người châu Á luôn chứa chan tình cảm, dù cho nó xuất hiện trong một cuốn phim do Mỹ sản xuất. Lúc người mẹ Soon Ja (Youn Yuh Jung) đến thăm gia đình con gái ở Mỹ trong Minari, bà mang tặng cô cả “bầu trời ký ức”. Đó là 2 túi bột ớt và cá cơm – thứ gắn liền với tuổi thơ ở Hàn Quốc mà nay không thể nào tìm thấy tại nơi đất khách quê người.
Khi bột ớt quyện vào món kim chi, người xem như cảm nhận được mùi Hàn Quốc bốc lên trên từng khung hình. Điều này hoàn toàn đúng với món canh chua đậm vị trong Beef.
Tiếng xì xụp của người chồng khi thưởng thức món ăn thấm đẫm hồn Việt hẳn không khỏi khiến nhiều người xa quê cảm thấy… ứa nước miếng. Chẳng cần thưởng thức, người xem vẫn có thể mường tượng được sự tròn vị qua nét mặt hài lòng của diễn viên.
Cứ thế, những món ăn trên phim ảnh không cần đi qua dạ dày vẫn có thể ở mãi trong tâm trí người xem.
Bình luận