* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Sau những thành tích đáng ngưỡng mộ trên sân khấu Oscar với Everything Everywhere All at Once, hãng phim A24 tiếp tục "trình làng" mini series hài - chính kịch Beef (tựa Việt: Bất hòa). Sau hơn một tuần ra mắt, phim chứng minh sức hút của mình khi nhận 8,4 điểm IMDb và 99% "tươi" trên Rotten Tomatoes.
⅛ tỷ là xác suất con người gặp được tri kỷ nhưng cũng là xác suất tìm được kẻ thù truyền kiếp. Beef mở đầu bằng một cuộc gặp gỡ định mệnh trên con đường Los Angeles. Trong đó, Amy (Ali Wong) là nữ doanh nhân thành đạt mắc kẹt giữa sự nghiệp hào nhoáng và cuộc sống gia đình.
Danny (Steven Yeun) là nhà thầu xây dựng mỏi mệt với cuộc đời bấp bênh, bế tắc. Hai con người độc lập, dường như không có lý do gì để tương tác với nhau phút chốc trở thành kẻ thù chỉ sau một sự cố trong bãi đậu xe.
Kịch bản xoáy sâu vào ý thức hệ của người châu Á trong xã hội Mỹ
Tên phim là cách chơi chữ, không mang nghĩa đen để chỉ món thịt bò. Beef ở đây là tiếng lóng cho "sự thù hận". Sự hằn học dấy lên giữa Amy và Danny từ một hiểu lầm nhỏ, đã nhanh chóng leo thang thành mối thù hằn dai dẳng giữa hai kẻ nhập cư đang vùng vẫy với cuộc sống không hạnh phúc của chính mình. Đồng thời, Beef cũng là từ mô phỏng âm thanh còi xe, phần nào ẩn dụ cho cách mà xung đột trong bộ phim bắt đầu: từ một tiếng còi inh ỏi.
Trên thực tế, Beef không phải tác phẩm đầu tiên theo đuổi ý tưởng khai thác cơn nóng giận mất kiểm soát của hai kẻ xa lạ và những hậu quả thảm khốc tiếp sau đó. Wild Tales (2014) là bộ phim hài theo phong cách hợp tuyển, với sáu phim độc lập từng được đề cử Oscar đã có phần tái hiện cuộc hỗn chiến bi đát tương tự. Tuy nhiên, so với siêu phẩm đến từ Argentina, phiên bản "người châu Á ở Mỹ" vẫn có nhiều điểm mới đáng khen.
Có thể ví Beef như cuộc đấu tranh giai cấp xen lẫn chấn thương thế hệ được tường thuật qua lăng kính của những người Mỹ gốc Á. Tiếng cười trào phúng sau mỗi tập phim khơi gợi sự suy ngẫm về chủ nghĩa hiện sinh của thế kỷ 21, đồng thời đào sâu góc khuất về văn hóa cộng đồng của người Mỹ gốc Á thế hệ thứ 2. Tại đây, Amy Lau và Danny Cho là đại diện tiêu biểu những người nhập cư ở ngưỡng trung niên đang cố gắng xây dựng cuộc sống riêng, đối mặt với dư chấn tuổi thơ do thế hệ dân nhập cư đầu tiên để lại.
Về bản chất, phim không đi sâu xây dựng rạch ròi hai tuyến chính - phản diện. Cả Amy và Danny đều mang những mặt xấu - tốt nhất định. Danny là gã đàn ông gốc Hàn vật lộn với cuộc sống nhập cư bất ổn, mong mỏi kiếm đủ tiền đưa bố mẹ sang Mỹ. Những áp lực Danny gánh vác xét từ góc nhìn rộng hơn cũng chính là áp lực chung của nhiều trai trưởng trong các hộ gia đình châu Á.
Trong khi đó, Amy là một người phụ nữ giàu có bên cạnh anh chồng điển trai và cô con gái nhỏ. Nhưng đằng sau “lớp vỏ hào quang” là một tâm hồn hỗn độn âu lo và giận giữ. Cô đánh mất chính mình vì những áp lực để bảo vệ cuộc sống hoàn hảo.
Theo cách tự nhiên nhất, Beef lật đổ định kiến phân biệt giới tính, phân biệt đối xử với phụ nữ châu Á - những cá nhân hay bị gán ghép là vô hình, không có gương mặt hoặc chỉ là đối tượng tình dục. Việc Amy là nữ doanh nhân tự chủ với cá tính độc lập đã góp phần bóp méo những tư tưởng lệch lạc này.
Hay như nhân vật Jordan (Maria Bello) - một phụ nữ da trắng hiện đại yêu thích "đồ Á" - là một minh chứng việc xã hội phương Tây coi trọng những giá trị mà văn hóa châu Á đem lại. Jordan có mong muốn mua lại doanh nghiệp của Amy để mở rộng thành chuỗi trung tâm mua sắm. Điều này cho thấy vị trí của Amy trong bối cảnh xã hội Mỹ là không hề nhỏ.
Diễn viên trong phim phần lớn là người gốc Á sinh sống tại Mỹ. Ali Wong chia sẻ trên LA Times: "Khi bạn xem một bộ phim có diễn viên chỉ toàn người Mỹ gốc Á, điều này rất hiếm, tất cả trở thành con người bình đẳng như nhau!"
Trong tập tám, diễn viên Việt Nam Hồng Đào vào vai mẹ nữ chính Amy. Bà nấu canh chua đãi con gái, nhân dịp con về thăm nhà. Trên trang cá nhân, nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Hôm quay Beef ở West Hollywood, lần đầu tiên gặp đoàn phim, mặc dù họ rất thân thiện, nhưng tôi vẫn thấy nó lạ lẫm thế nào ấy, lúc ấy chỉ có mỗi một thứ quen thuộc đó là tô canh chua".
Tương tác tuyệt vời của cặp diễn viên chính
Đảm nhiệm vai chính Danny Cho, nam diễn viên Steven Yeun kiểm soát và điều chỉnh tốt tâm lí nhân vật trong hầu hết phân cảnh của mình. Danny có thể đôi lúc cộc cằn, cáu bẳn nhưng vẫn giữ “tính người” và những cảm xúc mãnh liệt. Tình tiết anh quyết định không thiêu rụi chiếc xe SUV của Amy, hay tình tiết anh bật khóc nức nở trong nhà thờ sẽ khiến không ít người không khỏi xót xa.
Trở lại màn ảnh truyền hình, Ali Wong tận dụng tối đa nét diễn tự nhiên của mình. Nữ diễn viên lai hai dòng máu Trung - Việt vốn chuyên về hài độc thoại bất ngờ khi “cân” tròn vai Amy Lau nặng nề và phức tạp. Diễn biến tâm lý của nữ chính trong từng phân cảnh được miêu tả tốt đã góp phần khắc họa rõ nét ranh giới giữa hai con người thật - giả, hạnh phúc - bất hạnh bên trong Amy.
Mối quan hệ giữa hai nhân vật chính được xây dựng một cách hợp lý, cùng với hướng phát triển tâm lý uyển chuyển. Mỗi phân cảnh khi Amy và Danny cùng xuất hiện đều mang đến một cao trào riêng.
Giữa cuộc chiến bi hài, dường như hai kẻ thù không đội trời chung chính là hai kẻ hiểu thấu nhau nhất. Họ nhìn xuyên được những mặt tối trong cảm xúc của nhau và “tảng băng chìm” sau cuộc sống tưởng chừng màu hồng. Steven Yeun và Ali Wong biến hóa đa dạng từ những phân cảnh hài hước đến những khoảnh khắc thú nhận sâu lắng, hay những cơn giận dữ bộc phát nhưng vẫn đầy thương cảm.
Giống nhiều tác phẩm mang phong cách lập dị đặc trưng của nhà A24, Beef để lại "vân trắc" bởi những cuộc hội thoại có phần kỳ quái, điên rồ. Hình tượng "ông kẹ" mà những bà mẹ châu Á hay răn dạy con được thêm thắt một cách đáng sợ. Những phân cảnh hoán đổi thân xác, hồi tưởng, ảo ảnh… cũng rất dễ khiến người xem liên tưởng đến màu sắc kỳ dị của Everything Everywhere All at One. Tất cả "dọn đường" cho những màn đối đáp mang đậm tính hiện sinh của bộ đôi kẻ thù.
Hay như chi tiết lò nướng của Danny và khẩu súng của Amy tưởng chỉ là tiểu tiết, cũng mang tính hình tượng và sự mỉa mai. Lò nướng để làm chín thức ăn - gắn với sự sống - từng được Danny dùng để tự tử. Khẩu súng - gắn với chết chóc - lại là món đồ "tự sướng", giúp Amy có thêm khoái cảm để vượt qua những phiền muộn đời thường.
Bình luận