• Zalo

Bảo vệ biên giới phía Bắc: Sự kiện lịch sử không được phép lãng quên

Chính trịThứ Bảy, 17/02/2024 06:44:56 +07:00Google News

Sự kiện năm 1979 không được phép lãng quên, những người Anh hùng đã hy sinh, đã đổ xương máu để bảo vệ bờ cõi phải được tôn vinh.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã diễn ra cách đây 45 năm. Khi đất nước vừa bước ra từ hai cuộc chiến tranh, từng mảnh đất, địa danh còn chưa hết mùi thuốc súng, thì toàn dân tộc lại bước vào một cuộc chiến đấu cam go, đầy thách thức.

Đối phương đã một lần nữa thử thách tinh thần chiến đấu và lòng quả cảm kiên cường của toàn dân tộc và cũng một lần nữa tinh thần yêu nước lại được đánh thức, để cả dân tộc dồn sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn giang sơn, bờ cõi. Tinh thần đó vẫn đang tiếp tục được nối liền và phát huy cao độ trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về nội dung này.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

- Đã 45 năm trôi qua và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được nhắc lại, nhớ đến như một sự tri ân to lớn đối với những người con thân yêu của dân tộc đã ngã xuống cho nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Theo ông, chúng ta cần có sự nhìn nhận như thế nào về cuộc chiến đấu này trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi hai nước Việt - Trung đang có những phát triển theo chiều hướng tích cực?

Cuộc chiến tranh xảy ra ở biên giới phía Bắc vào năm 1979 là điều vô cùng đáng tiếc. Bất cứ lịch sử về vấn đề gì hay là sự kiện nào thì cũng là khách quan đối với chúng ta vì nó xảy ra rồi. Cho nên muốn nhìn nhận một cách đầy đủ, đúng đắn thì cách tốt nhất là hãy trình bày nó một cách khoa học.

Chúng ta nhìn lại sự kiện này, định vị về tính chất của cuộc chiến này không phải là để khắc sâu hận thù mà là để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có một vết hằn như vậy, có một cái hố ngăn cách như vậy. Bây giờ chúng ta bước qua cái hố đó bằng cây cầu hữu nghị. Chúng ta luôn luôn nhớ là dưới cầu là có cái hố ấy như một sự nhắc nhở trong tương lai không bao giờ để nó tái diễn.

- Rõ ràng là nhân dân Việt Nam không bao giờ mong muốn việc tái diễn một sự kiện như vậy. Nhưng khi nhìn lại sự kiện này, chúng ta cũng cần đánh giá đúng sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc?

Đúng thế, trước hết, chúng ta phải thấy rằng, chiến thắng này một lần nữa thể hiện đây là chiến thắng của Nhân dân. Những trận đánh đầu tiên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chủ yếu là bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ. Cho nên, chiến thắng này là chiến thắng của một cuộc chiến tranh Nhân dân.

Lúc đó, mỗi một người dân Việt Nam như có một sự sôi sục trong lòng và họ đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp chính nghĩa này.

Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

- Tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc một lần nữa được phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu này, thưa Giáo sư?

Chắc chắn là như vậy, lịch sử Việt Nam không chỉ có xây dựng đất nước mà luôn luôn phải cầm vũ khí gìn giữ độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chủ nghĩa yêu nước đã ngấm vào máu mỗi người dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh Việt Nam, thậm chí nó là một phần của văn hóa Việt Nam.

Việc đưa ra những nhận định đúng đắn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 sẽ giúp tiếp nối truyền thống, hun đúc khí chất của người Việt Nam và dung dưỡng sức mạnh nội lực của người Việt Nam, bởi vì chúng ta làm sao biết được trong tương lai không còn những thế lực nào muốn nhòm ngó đất nước ta. Chính vì thế, chúng ta phải vừa xây dựng đất nước hùng cường, vừa phải xây dựng một quân đội mạnh, để bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Nếu chúng ta không nói nữa thì đó là “mảnh đất màu mỡ” cho sự xuyên tạc, cho sự kích động. Bởi vì người ta không biết đâu là chân lý. Cách tốt nhất là nói đúng, chân thực để không những cho các thế hệ người Việt Nam mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới hiểu rõ về sự kiện này.

Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17/2/1979. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17/2/1979. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

- Đó cũng là nền tảng vững chắc mà chúng ta đang tiếp tục phát huy, biến lòng yêu nước thành những hành động, việc làm cụ thể trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý giá và có thể coi đó là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam. Trong một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến đấu hay một trận đánh thì chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được đẩy lên một cách cao nhất nhằm bảo vệ những giá trị thiêng liêng nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Cho nên có thể coi rằng, sự kiện năm 1979 mà quân và dân ta chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc đã thể hiện một cách tập trung, cao độ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

- 45 năm đã trôi qua, độ lùi của thời gian đã làm cho nhiều vấn đề của lịch sử được làm sáng tỏ hơn và chắc chắn rằng, khí thế và tinh thần sục sôi trong những ngày tháng cách đây 45 năm sẽ là điểm tựa tinh thần rất lớn để chúng ta xây dựng đất nước. Theo ông, bài học lớn nhất rút ra được từ cuộc chiến đấu này là gì?

Tôi nghĩ rằng, lực lượng vũ trang phải được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng, đất nước luôn phải đối đầu với kẻ thù hùng mạnh hơn và chúng ta đã có bài học rồi. Chỉ dựa vào bộ đội chính quy là không đủ, phải dựa vào bộ đội địa phương, phải là dân quân tự vệ, dựa vào nhân dân. Đó là một bài học rất lớn phải triển khai.

Nhưng điều tôi muốn nói nhất là phải giáo dục cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống cho họ. Cho nên sự kiện năm 1979 không được phép lãng quên. Những người anh hùng đã hy sinh, đã đổ xương máu để bảo vệ bờ cõi năm 1979 phải được tôn vinh giống như những người anh hùng đã từng ngã xuống, đã từng đổ xương máu trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Việc này phải được đưa vào sách giáo khoa, phải được giáo dục như thế nào đó để thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, dập tắt muôn đời chiến tranh, nhưng sẵn sàng cầm vũ khí khi quân xâm lược kéo đến.

Xin cảm ơn ông!

Trường Giang(Phát thanh Quân đội)
Bình luận
vtcnews.vn