Tờ SINA của Trung Quốc mới đây đăng tải bài viết với nhan đề: “Loại vũ khí nào mạnh nhất của Trung Quốc khiến cho Nga và Mỹ phải ghen tị? Vũ khí đó đã sẵn sàng chiến đấu”.
Bài báo cho rằng, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ và Nga trong lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh hiện đã chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có quy mô và mức độ tiên tiến nhất.
Báo mạng Trung Quốc cho rằng, hiện nay Bắc Kinh có nhiều loại vũ khí khiến đối thủ khiếp sợ. Trong đó, nước này đang dẫn đầu thế giới về phát triển IRBM và có ưu thế rất lớn so với các cường quốc khác.
Trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, Trung Quốc thậm chí còn đi trước các nước như Nga và Mỹ, và từ lâu đã bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo, nhất là tên lửa đạn đạo tầm trung (có tầm bay 500-5500 km).
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Hoa Kỳ và Liên Xô (sau đó là Nga) đã tích cực phát triển tên lửa đạn đạo. Các quốc gia này có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, phương tiện kĩ thuật và phát triển hệ thống tên lửa hơn Bắc Kinh. Tuy nhiên, vào năm 1987, Liên Xô và Hoa Kỳ đã ký “Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn” (INF). Sau đó, hai siêu cường đã phá hủy hầu hết các tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Washington cắt bỏ tên lửa đạn đạo Pershing II và tên lửa hành trình BGM-109G (một phiên bản của tên lửa Tomahawk). Trong khi, Matxcova phá hủy tên lửa Pioneer RSD-10, R-12 và R-14. Dòng tên lửa tầm trung trên không và trên biển không còn được biên chế trong quân đội và các dự án phát triển bị đóng băng.
Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa tham gia vào INF, do đó, Bắc Kinh có thể phát triển các loại tên lửa này mà không có bất kỳ hạn chế nào. Ngoài ra, khả năng nghiên cứu, chế tạo IRBM của nước này đã có nhiều tiến bộ vượt bậc.
Hiện tại, Trung Quốc đã công khai 3 hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất. Đó là Dongfeng-16, Dongfeng-21 và Dongfeng-26. Các dòng tên lửa này có tính năng kĩ chiến thuật độc đáo.
Dongfeng-16 (DF-16) là tên lửa đạn đạo tầm trung, bán kính hoạt động của nó vượt qua ngưỡng bắn của tên lửa tầm ngắn Dongfeng-11, Dongfeng-15 và thấp hơn bán kính của tên lửa tầm trung Dongfeng-21 (DF-21). DF-16 có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn và bắn trúng các mục tiêu khác nhau. Giá thành của DG-16 thấp hơn đáng kể so với DF-21.
DF-21 có tầm hoạt động từ 1700-3000 km. DF-21D là lớp tên lửa đạn đạo đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đánh trúng các mục tiêu đang di chuyển trên biển. Một số mẫu của DF-21 đã được Ả Rập Xê út mua.
Dongfeng-26 (DF-26) có bán kích hoạt động lớn hơn (tầm 3500 km), có khả năng đánh các mục tiêu di chuyển trên biển. Các phiên bản cải tiến DF-26 trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hàng không mẫu hạm và tàu chiến khác của Hoa Kỳ đồn trú xung quanh Trung Quốc và các căn cứ quân sự tại Guam.
Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố chấm dứt chính thức hiệp ước INF (sau đó Nga cũng ngừng thực thi) và tiến hành vụ phóng tên lửa hành trình Tomahawk, sử dụng bệ phóng mặt đất MK41.
Sau đó, Washington còn tuyên bố ý định nối lại chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Nguyên do không chỉ vì Matxcova rút khỏi hiệp ước IRBM, mà còn để đáp trả dự án phát triển tên lửa của Trung Quốc.
Bình luận