Cơ quan khí tượng nhận định, bão số 16 (tên quốc tế là Tembin) đang tiến vào các tỉnh Nam Bộ là cơn bão rất phức tạp, cơn bão muộn mạnh nhất từ trước tới nay đổ bộ khu vực này.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu giữ nguyên cấp 10-12 khi đổ bộ thì bão số 16 đã mạnh hơn cơn bão lịch sử Linda đổ bộ vào Nam Bộ khiến hơn 3.000 người chết và mất tích năm 1997. Do đó, dù cơ quan khí tượng cảnh báo mức độ rủi ro cấp 4 nhưng phải chuẩn bị, ý thức như rủi ro cấp độ 5 – cấp thảm hoạ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá, bão số 16 đổ bộ Nam Bộ với hình thái và điều kiện rất nguy hiểm.
Trên biển, bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông, đồng thời có rất nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai.
Đây cũng là vùng biển nhiều đảo, nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra; là khu vực có nhiều hoạt động trên biển nhất là các giàn khoan, nhà giàn.
Còn trên đất liền, nơi bão đổ bộ có địa hình bằng phẳng, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông nhiều điểm bị sạt lở nguy hiểm, nhiều công trình đang thi công.
Khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và kinh nghiệm ứng phó của người dân còn hạn chế, một số nơi có tư tưởng chủ quan; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, hoạt động kinh tế lớn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Trước tình hình đó, các địa phương tại Nam Bộ đã và đang tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng hơn 1 triệu người đi tránh bão.
Tính đến sáng nay (24/12), các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang lên phương án di dời, sơ tán hơn 1 triệu người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương cũng ra thông báo khẩn, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện với 339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện không còn phương tiện nào hoạt động trong phạm vi từ Vĩ độ 4,0 – 7,0 độ Vĩ Bắc và phía Đông Kinh tuyến 102 – 107 độ Kinh Đông.
Ngoài ra, tại tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học...
Chỉ đạo các trường từ mầm non đến cao đẳng cho học sinh, sinh viên được nghỉ học trong hai ngày (25-26/12).
Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão Tembin.
Đề nghị các phương tiện thông tin từ tỉnh đến xã phải thường xuyên cập nhật, phát những bản tin kịp thời về tình hình bão đến người dân.
Đối với các huyện, cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân; nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12h ngày 25/12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.
Tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh.
Video: Số người chết và mất tích do bão Tembin tại Philippines tăng mạnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 7h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 16 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/giờ).
Đến 7h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 m.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h).
Đến 19h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 m. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Bình luận