• Zalo

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19

Thời sự quốc tếThứ Năm, 07/05/2020 14:20:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Việt Nam cùng 4 quốc gia khác đã tạo ra kỳ tích trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhờ việc áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số quốc gia không chỉ thành công trong việc “làm phẳng đường cong” mà còn khiến số ca mắc giảm mạnh, điển hình là Việt Nam, Hy Lạp, Slovenia, Jordan và Iceland.

Thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh cho phép chính phủ các nước này có thể mở cửa trở lại trường học và các doanh nghiệp, dần đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Và họ đã để lại bài học cho thế giới từ chính những câu chuyện thành công của mình.

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19 - 1

 

Việt Nam hành động mau lẹ và quyết liệt

Việt Nam là quốc gia có dân cư đông đúc, chung đường biên giới rộng lớn trên đất liền với Trung Quốc, do vậy được cho là dễ bị tổn thương trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Nhưng chính phủ Việt Nam đã hành động mạnh mẽ ngay từ ban đầu, thậm chí trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có ca tử vong nào do COVID-19.

Việt Nam đã thành công trong ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhờ thực hiện 3 biện pháp kết hợp: tiến hành nhiều xét nghiệm, tăng cường theo dõi tiếp xúc liên lạc của bệnh nhân và thực hiện cách ly.

Việt Nam đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm gần như ngay lập tức sau khi xác nhận 3 người trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) – nơi khởi phát dịch bệnh, dương tính với SARS-CoV-2. Việt Nam đã xét nghiệm cho gần 300.000 người. 

Con số này có vẻ nhỏ so với hàng triệu người được xét nghiệm ở Mỹ nhưng tính tỷ lệ xét nghiệm trên mỗi trường hợp được xác nhận lại khá cao.

Việt Nam đã thực hiện quy trình xét nghiệm rộng rãi. Trước hết là xét nghiệm những người trở về từ nước ngoài, sau đó là những người đã tiếp xúc với họ và cuối cùng, xét nghiệm cho bất cứ ai xuất hiện các triệu chứng giống triệu chứng của COVID-19.

Thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu xét nghiệm tại những nơi được cho là điểm nóng hoặc có nguy cơ cao, chẳng hạn như các khu chợ tại Hà Nội. Kế hoạch này đã phát huy tác dụng. Cụ thể việc tập trung các nguồn lực xét nghiệm cho những người tiếp xúc với người mắc bệnh và cách ly những người xuất hiện triệu chứng đã giúp triệt tiêu nguồn lây nhiễm.

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19 - 2

Việt Nam là một trong những nước thành công kiểm soát dịch COVID-19.

Bên cạnh đó chính phủ Việt Nam cũng tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sớm. Hành khách đến các khu vực nhập cảnh phải kiểm tra thân nhiệt và tự khai báo tình trạng sức khỏe.

Những trường hợp nghi ngờ đều được đưa vào các cơ sở cách ly trong 14 ngày và được tạo điều kiện ăn ở hoàn toàn miễn phí.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nâng cao nhận thức của công chúng, giúp người dân hiểu và tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, khiến chiến dịch đối phó dịch bệnh được thực hiện rộng rãi và dễ dàng hơn.

Từ tuần này, học sinh, sinh viên ở Việt Nam bắt đầu trở lại trường học và nền kinh tế chuẩn bị mở cửa lại hoàn toàn. Điều đó chứng minh rằng phản ứng sớm và mạnh mẽ của Việt Nam đã mang lại thành công đáng kể. VOX cho rằng, Việt Nam đã thực hiện những biện pháp thông thường và thành công một cách phi thường.

Hy Lạp dồn nguồn lực cho hệ thống y tế

Ít ai ngờ rằng Hy Lạp lại có thể tạo ra “kỳ tích” đầy bất ngờ trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, bởi quốc gia này có hệ thống y tế suy yếu nghiêm trọng, dân số già và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch. Từng có ý kiến cho rằng, Hy Lạp sẽ trở thành “điểm nóng" COVID-19 ở châu Âu.

Thế nhưng sau 5 tháng đại dịch hoành hành, Hy Lạp chỉ ghi nhận 2.600 ca mắc và gần 150 ca tử vong ( tính đến ngày 5/5). Hy Lạp đã đạt được thành công nhờ biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, thúc đẩy giãn cách xã hội và củng cố lĩnh vực y tế.

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19 - 3

Hy Lạp thành công nhờ biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, thúc đẩy giãn cách xã hội và củng cố lĩnh vực y tế.

 Hy Lạp bắt đầu phong tỏa trên toàn quốc vào giữa tháng 3/2020 và nhà chức trách nước này cũng yêu cầu mọi người ở trong nhà. Phần lớn người dân đều tuân thủ các hướng dẫn mà chính phủ ban hành, trong đó yêu cầu giữ khoảng cách ít nhất 1,8m và rửa tay thường xuyên. Nhiều người đã tránh tụ tập đông đúc để tận hưởng kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Giới chức Hy Lạp đã hủy nhiều lễ hội lớn, đóng cửa các nhà hàng, trường học và hạn chế việc đi lại không cần thiết.  

Tuy nhiên, việc củng cố hệ thống y tế mới là hành động thể hiện quyết tâm cao nhất của Hy Lạp. Quốc gia này đã tăng cường số lượng giường chăm sóc đặc biệt lên 70% kể từ tháng 2 và đã bổ sung hơn 3.000 nhân viên y tế để ứng phó trong trường hợp làn sóng ca mắc gia tăng.

Hàng nghìn vị trí được lấp đầy, cho thấy các nguồn lực mà Athens đã đầu tư vào lĩnh vực y tế tại nước này lớn đến mức nào. Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, Hy Lạp giờ đã có thể mời gọi khách du lịch quốc tế đến thăm quốc gia này trong những tháng mùa hè.  

Slovenia phong tỏa ngay từ đầu

Slovenia, quốc gia có dân số hơn 2 triệu người cũng được coi là một bài học thành công trong cuộc chiến chống COVID-19. Tính đến ngày 5/5, Slovenia đã ghi nhận 1.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 100 ca tử vong. Đây là con số tương đối nhỏ, xét đến việc quốc gia này là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch và có chung đường biên giới với Italy – nơi từng là tâm dịch ở châu Âu.

Thành công của Slovenia chủ yếu bắt nguồn từ việc thực hiện biện pháp phong tỏa ngay từ ban đầu, cách ly người ốm và sự chi tiêu mạnh tay của chính phủ.

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19 - 4

 Slovenia ghi nhận 1.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 100 ca tử vong.

Slovenia xác nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 4/3 và giới chức nước này đã đóng cửa các trường học, cơ sở kinh doanh, đóng băng giao thông công cộng trong vòng 2 tuần. Chính phủ cũng chi 3 tỷ euro hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa.

Tăng cường kiểm dịch cũng giúp cho số ca mắc ở mức thấp. Đầu tháng 4, công dân Slovenia trở về từ nước ngoài hay người nước ngoài đến quốc gia này đều phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Những người phải cách ly sẽ được các thành viên trong gia đình, bạn bè hoặc tình nguyện viên cung cấp lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Hiện tại, tình hình tại Slovenia đã được cải thiện đến mức các doanh nghiệp đã bắt đầu mở cửa trở lại và người dân có thể đi lại bên ngoài khu vực sinh sống của họ. Trường học sẽ bắt đầu mở cửa vào ngày 18/5. Tuy nhiên, các sự kiện công cộng lớn như hòa nhạc hay bóng đá vẫn bị đình chỉ cho đến khi tìm ra vaccine phòng chống COVID-19.

Bài học của Slovenia cho thấy hành động và sự can thiệp quyết liệt của chính phủ có thể giúp người dân hạn chế bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

“Thời gian là chìa khóa” đối với Jordan

Trong danh sách các quốc gia hành động sớm nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, không thể không kể đến Jordan. Nước này xác nhận trường hợp nhiễm đầu tiên vào ngày 2/3, nhưng 5 tuần trước đó, Jordan đã thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch bệnh khi tin tức về một ổ dịch COVID-19 tại Trung Quốc được đưa ra.

Jordan đã sẵn có các biện pháp, trong đó có việc chỉ định bệnh viện nào sẽ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và các bác sỹ sẽ chăm sóc như thế nào cho những bệnh nhân này. Theo yêu cầu của Quốc vương, chính phủ Jordan đã thông qua đạo luật khẩn cấp cho phép quân đội thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và lệnh giới nghiêm.

Báo quốc tế: Việt Nam tạo ra kỳ tích chống COVID-19 - 5

Hành động nhanh chóng và mạnh mẽ giúp Jordan kiểm soát tốt dịch bệnh.

Hành động nhanh chóng và mạnh mẽ này, theo đánh giá của giới chức Jordan đã giúp hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh. Tính đến ngày 5/5, Jordan chỉ ghi nhận chưa đến 500 ca mắc, trong đó có 10 ca tử vong.

“Thời gian là chìa khóa của chúng tôi”, ông Bassam Hijjawi nhà dịch tễ học thuộc Ủy ban  Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Jordan nói với tờ Al Jazeera. Chính phủ Jordan đã tiến hành xét nghiệm cho từ 2.000 đến 3.000 người mỗi ngày và theo dõi chặt chẽ những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19.

Các biện pháp mạnh tay của Jordan cuối cùng cũng đã được nới lỏng. Cuối tuần qua, chính phủ nước này cho biết đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với hoạt động kinh tế. Nhiều doanh nghiệp quay trở lại làm việc và các chủ doanh nghiệp vẫn khuyến khích nhân viên thực hiện hướng dẫn về giãn cách xã hội và vệ sinh đúng cách. Các trường học tiếp tục đóng cửa và biện pháp giới nghiêm vẫn được duy trì.

Iceland: "Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm"

Iceland đã biến việc xét nghiệm và theo dõi liên lạc của bệnh nhân thành công cụ chính chống COVID-19. Quốc đảo với hơn 350.000 người dân này đã xét nghiệm cho 13% dân số với sự giúp đỡ của Công ty dược phẩm sinh học DeCode Genetics.

Video: Một bác sĩ Việt Nam xuất hiện trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Séc

Tính đến ngày 5/5, nước này ghi nhận 1.800 ca mắc, trong đó có 10 ca tử vong. Dù không thực hiện biện pháp phong tỏa nhưung Iceland vẫn ban hành nhiều quy định như cấm tụ tập trên 50 người, đóng cửa quán bar, phòng tập thể dục hay bể bơi và cách ly 14 ngày đối với những người trở về từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Iceland cũng triển khai 1 ứng dụng giúp người dân hiểu rõ hơn về các điểm nóng COVID-19 tại địa phương.

Nhờ các biện pháp nói trên, Iceland có thể ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh mà không cần đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế hoặc đóng cửa tất cả các trường học.

Hồng Anh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn