Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Mục tiêu lớn đang gặp thử thách gì?

Tư vấnThứ Năm, 05/11/2020 14:06:00 +07:00
(VTC News) -

Tuy nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu trong quá trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân song ngành Y tế Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức lớn.

Cải thiện sức khỏe cộng đồng đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống phúc lợi cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân và sức khỏe của người dân. Việt Nam đã và đang đáp ứng hầu hết các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ như tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh; tuổi thọ bình quân của người dân tăng...

Đồng thời Việt Nam cũng có được những bước tiến ấn tượng nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo số liệu năm 2019, Việt Nam đã đạt được các thành công vượt bậc về phát triển hệ thống y tế với gần 90% dân số có BHYT. Đặc biệt, theo báo cáo giám sát toàn cầu mới nhất về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, 97% trẻ em Việt Nam được tiêm phòng chuẩn - một tỷ lệ cao hơn ở hầu hết các nước có thu nhập cao.

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Mục tiêu lớn đang gặp thử thách gì? - 1

Người dân hưởng ứng tích cực những hoạt động thể thao vì sức khỏe cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình này đang gặp khá nhiều rào cản. Đây cũng là những khó khăn chung của mỗi hệ thống y tế và tùy từng năng lực, các quốc gia trên thế giới có sự khắc phục khác nhau.

3 rào cản các quốc gia đang và sẽ gặp phải đó là:

Không đủ nguồn lực tài chính cho hoạt động của hệ thống y tế. Với tiến bộ rất nhanh của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, không có quốc gia nào - dù giàu có - có thể khẳng định đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để mọi người dân đều có thể tiếp cận các can thiệp điều trị hiện đại. Đối với các nước nghèo, lại càng khó khăn hơn khi không đủ nguồn lực để đảm bảo mọi người được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Còn tồn tại phương thức chi trả trực tiếp khi người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, nhất là khi mức độ bao phủ BHYT chưa cao. Ngay cả khi có thẻ BHYT, việc đồng chi trả với các mức khác nhau cũng là một rào cản không nhỏ, nhất là đối với người dân có thu nhập thấp nhưng cần phải sử dụng thuốc hoặc các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị có chi phí cao. Theo các chuyên gia, phương thức chi trả trực tiếp phí dịch vụ, ngoài việc dễ phát sinh các tiêu cực còn dẫn đến khó khăn tài chính nghiêm trọng và gây nghèo hóa dân số. 

Sử dụng không hiệu quả nguồn lực sẵn có của hệ thống y tế và chưa thật công bằng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có đến 20 - 40% nguồn lực y tế đang bị lãng phí. Giảm được sực lãng phí này sẽ cải thiện đáng kể khả năng và chất lượng cung ứng các dịch vụ y tế cho người dân và cải thiện sức khỏe.

Tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế từng khẳng định, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030. Vai trò của chiến lược đã và đang được khẳng định, nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. 

Hiện Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên phát triển một hệ thống y tế vững mạnh và rộng lớn, coi đây là nền tảng nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Bộ Y tế đã thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm chương trình Việt Nam khỏe mạnh, chương trình tăng cường y tế cơ sở và các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình này cần được đồng hành và thống nhất với nhau để tối ưu hóa tác động.

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn