Phiên giảm điểm mạnh này nhưng không kèm với đột biến về khối lượng giao dịch có thể mới chỉ là cú thăm dò...Dự cảm xấu khi kết thúc phiên sáng đã thành hiện hiện thực. Bước sang phiên chiều, chỉ số VN-Index chỉ biến động giằng co quanh vùng giá 940 điểm trong khoảng 1 giờ giao dịch và đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái lao dốc khi lực bán diễn ra mạnh mẽ và dứt khoát.
Trên sàn HOSE, số mã giảm đã chiếm gấp hơn 5 lần số mã tăng, trong khi trên HNX cũng không thua kém với tỷ lệ mã giảm gấp hơn 3 lần. Đặc biệt, hầu như toàn bộ các cổ phiếu bluechip đều chuyển sắc và nới rộng đà giảm điểm, đã gia tăng thêm sức ép cho thị trường.
Diễn biến xấu trên toàn thị trường chưa đưa ra thông điệp cho một phiên phân phối đỉnh, tuy nhiên, nếu kết hợp cả với những phiên đầu tuần thì rõ ràng lực tăng cho thị trường đã không còn sau 2 tháng khá phấn khích.
Cú rớt tới hơn 25 điểm cho VN-Index ngày hôm nay như cú thử cuối cùng về sự đồng thuận của thị trường, các nhà đầu tư đã không còn tung tiền mua vào khi lượng bán chốt lời tăng, mà thay vào đó, đã sẵn sàng cho một đợt giảm giá mới.
Kết phiên, sàn HOSE có tới 365 mã giảm và chỉ có 66 mã tăng, VN-Index giảm 25,42 điểm (-2,69%), xuống 921,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên trước với hơn 456 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 9.019,37 tỷ đồng, tăng 3,28% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 23 triệu đơn vị, giá trị 770 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu VN30 là gánh nặng chính của thị trường khi nhiều mã lớn giảm khá sâu, ngoại trừ chỉ còn EIB và SBT đứng giá tham chiếu.
Cụ thể, nếu ở phiên sáng, VIC là nhân tố chính hỗ trợ thị trường thì sang phiên chiều, áp lực xả mạnh đã khiến cổ phiếu này lao mạnh và trở thành lực hãm chính khi kết phiên giảm tới 5,2% xuống mức 100.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, dòng bank cũng đua nhau giảm sâu như VCB -2,1% xuống 84.200 đồng/CP, TCB -3,9% xuống 22.400 đồng/CP, BID -3,44% xuống 39.300 đồng/CP, CTG -2,76% xuống 29.900 đồng/CP, HDB -6,31% xuống sát mức giá sàn 23.000 đồng/CP, VPB -4,7% xuống 25.500 đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã lớn khác như VNM -2% xuống 107.400 đồng/CP, VHM -2,58% xuống 75.600 đồng/CP, BVH -6,6% xuống sát mức giá sàn 49.500 đồng/CP, VRE -5,56% xuống 25.500 đồng/CP, HPG -3,18% xuống 30.400 đồng/CP.
Trong khi thị trường nói chung và bluechip nói riêng tác động khá tiêu cực thì vẫn có những điểm sáng. Điển hình là cổ phiếu FLC đã có màn đảo chiều khá ngoạn mục, thậm chí có thời điểm được kéo tăng kịch trần. Kết phiên, FLC tăng 6,7% và đứng ở sát mức giá trần 4.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt đạt 16,74 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc mạnh khi sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.
Đóng cửa, sàn HNX có 47 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,25%), xuống mức thấp nhất ngày 134,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,97 triệu đơn vị, giá trị gần 836 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,74 triệu đơn vị, giá trị 200,67 tỷ đồng.
Cũng như VN30, trong nhóm HNX30 không có mã nào giữ được sắc xanh. Trong đó, các mã lớn vẫn duy trì đà giảm hoặc nới rộng biên độ.
Cụ thể như ACB -2,5% xuống 23.800 đồng/CP, SHB -4,5% xuống mức thấp nhất ngày 15.000 đồng/CP, NTP -4,4% xuống 34.600 đồng/CP, VCS -5,6% xuống mức giá thấp nhất 71.300 đồng/CP, PVS -2,2% xuống 13.100 đồng/CP…
Tuy nhiên, phần lớn đây vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với ACB dẫn đầu đạt 14,91 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là SHB và SHS cùng khớp hơn 4 triệu đơn vị, PVS khớp 3,9 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, các cổ phiếu trong nhóm FLC là HAI, AMD, KLF, ART cũng có thời điểm hồi phục và tăng trần nhưng đều không giữ được phong độ khi kết phiên quay về mốc tham chiếu.
Trên UPCoM, thị trường không có nhiều biến động so với phiên sáng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,66 điểm (-1,05%), xuống 63,4 điểm với 77 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,43 triệu đơn vị, giá trị 303,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,15 triệu đơn vị, giá trị 37,26 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giữ mức giá 6.700 đồng/CP khi giảm 2,9% và là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường UPCoM, đạt 4,76 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là bộ đôi cổ phiếu ngân hàng gồm BVB -6,45% xuống 11.600 đồng/CP và khớp 1,75 triệu đơn vị; VIB -0,61% xuống 32.600 đồng/CP và khớp 1,64 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều quay đầu giảm điểm, trong đó VN30F2011 giảm 2,62% xuống 895,9 điểm, khớp lệnh gần 179.580 đơn vị, khối lượng mở 34.410 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2008 thanh khoản lớn nhất khi khớp 118.179 đơn vị, nhưng mã này giảm 18,48% xuống 1.500 đồng/cq.
Nhìn lại chuỗi tăng điểm của toàn thị trường từ đầu tháng 8/2020 đến nay có thể thấy, lực đỡ cho thị trường là dòng tiền mới, các dữ liệu và thông tin hỗ trợ thị trường không nhiều khi hoạt động của doanh nghiệp chưa hết khó khăn do tác động của Covid-19, thị trường chứng khoán quốc tế cũng diễn biến bất thường, khối ngoại bán ròng mạnh và liên tục,... Tiền đổ vào cổ phiếu trụ, đặc biệt nhóm ngân hàng và vài mã lớn kéo chỉ số đi lên, và đáng tiếc điều này không tạo cảm hứng dẫn dắt thêm dòng tiền vào các nhóm mã ngành khác.
Cú rớt mạnh hôm nay, có thể chỉ là một tai nạn khi bão vào, nhưng cũng là nhịp tạm nghỉ cần thiết của thị trường để lấy đà đi lên trong giai đoạn cuối năm, thường có những con sóng tăng nhè nhẹ.
Bình luận