Trả lời VTC News ngày 30/10, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, bộ này đã báo cáo việc Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Đèo Cả kiến nghị xem xét, tháo gỡ phương án tài chính cho vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân do thua lỗ lên Thủ tướng Chính phủ.
“Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để có phương án hợp lý nhất và đã có báo cáo Thủ tướng”, vị này thông tin.
Công trình hầm đường bộ Hải Vân do CTCP Đầu tư Đèo Cả tiếp nhận và chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý, vận hành từ 1/1/2016.
Theo phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5/10/2016, trạm thu phí Nam Hải Vân (địa phận Đà Nẵng) sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2017 để nhà đầu tư có nguồn kinh phí quản lý vận hành và hoàn vốn cho dự án nâng cấp hầm Hải Vân trị giá 1.200 tỷ đồng và dự án nâng cấp quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân.
Nhưng do trạm thu phí dự kiến này chỉ cách trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia (tại Thừa Thiên - Huế) khoảng 12 km, không đảm bảo quy định nên Bộ GTVT đã quyết định bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân.
Đồng thời, Bộ quyết định cho thu gộp phí của dự án trên vào Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia.
Tuy nhiên, việc thu gộp này lại ưu tiên hoàn vốn cho hầm Phước Tượng - Phú Gia là 19 năm nên theo quyết định của Bộ GTVT vào tháng 6/2018 thì mỗi năm CTCP đầu tư Đèo Cả được phân bổ 10 tỷ đồng từ việc thu phí của Trạm Phước Tượng - Phú Gia
Theo chủ đầu tư, việc phê duyệt phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho cả hai dự án khiến doanh thu được chia sẻ cho doanh nghiệp chưa đủ để thực quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và trả nợ theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng tài trợ vốn.
Do mất cân đối phương án tài chính nên đơn vị khai thác vận hành hầm Hải Vân đang chậm thanh toán hơn 2 tỉ đồng tiền điện và đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động. Công ty Đèo Cả đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có hướng tháo gỡ.
“Liên quan kiến nghị của CTCP Đầu tư Đèo Cả, Bộ Giao thông vận tải đang từng bước xử lý theo quy định”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói với PV VTC News hôm 28/10.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên CTCP Đầu tư Đèo Cả "dọa" trả lại việc quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho nhà nước.
Hồi giữa năm, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị cho biết, sẽ báo cáo HĐQT công ty đề nghị đại hội đồng cổ đông thông qua việc giao trả lại công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân cho Tổng cục đường bộ Việt Nam từ ngày 1/7/2018.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc không được chấp thuận cho thu phí Nam Hải Vân. Nếu thu trạm này thì khoảng cách giữa trạm chỉ là 8 km, không phù hợp quy định.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, việc CTCP Đầu tư Đèo Cả "dọa" trả hầm Hải Vân chỉ là "yêu sách" đòi Bộ Giao thông vận tải cho phép được thu phí.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết hầm Hải Vân là công trình hầm đường bộ có ý nghĩa quan trọng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và giảm thiểu tai nạn giao thông. Do đó, việc vận hành hầm Hải Vân liên tục và an toàn là nhiệm vụ mang tính bắt buộc của đơn vị vận hành và Bộ GTVT.
Theo ông Liên, Bộ GTVT cần nhanh chóng vào cuộc, cùng với chủ đầu tư tìm ra phương án hợp lý nhất để vừa đảm bảo giải quyết nút giao thông quan trọng trên tuyến đường bộ huyết mạch, hài hòa lợi ích kinh doanh của nhà đầu tư, tránh để xảy ra trục trặc trong lưu thông vận tải.
“Bộ GTVT cần trực tiếp khảo sát và có phương án giải quyết triệt để vấn đề. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ xử lý”, ông Liên nói.
Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng cần rà soát tính pháp lý của dự án, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, để có hướng xử lý phù hợp. “Cần rà soát lại tính pháp lý của dự án, chỗ nào sai phải sửa, người phê duyệt sai phải chịu trách nhiệm quản lý”, ông Liên nói.
Không cắt điện hầm Hải Vân
Sáng 29/10, trả lời VTC News, ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) khẳng định, thông tin PC Đà Nẵng sẽ cắt điện Hamadeco là không chính xác.
Trước đó, dư luận xôn xao về thông tin PC Đà Nẵng có văn bản "đòi nợ" Hamadeco vì thiếu tiền điện nhiều tháng liền với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Đáng nói hơn, không rõ từ đâu, nhiều ý kiến trái chiều đồn đoán, PC Đà Nẵng cũng sẽ xem xét cắt điện, khiến hầm Hải Vân đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu Hamadeco tiếp tục chây ì trong việc thanh toán tiền điện.
“Công trình đường bộ hầm Hải Vân nằm trên tuyến QL1A là đoạn tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, huyết mạch trong giao thông vận tải và thông thương nên loạt thông tin trên khiến dư luận đặc biệt chú ý xen lẫn những băn khoăn, hoang mang. Tôi khẳng định lại, nợ thì phải đòi, còn việc xem xét cắt điện là không có”, ông Cư khẳng định.
Bình luận