“Giờ ngồi nhìn con ngủ bình yên, tôi mới thấy khoảng thời gian y bác sĩ bệnh viện Thu Cúc giành giật từng giây phút để duy trì sinh mạng cho tôi vì mất máu và thiếu máu truyền quý báu và đáng trân trọng đến nhường nào.
Đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ mình trải qua một kỳ sinh nở kinh hoàng như vậy”, sản phụ Phạm Thị Hằng nhớ lại cảm giác vừa trải qua cách đây tròn 1 tuần trước
21h10 ngày 3/2/2020, sản phụ Phạm Thị Hằng (ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện chuyển dạ sinh con so tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc với thai ngoài tuần 39.
Bác sĩ Vũ Thị Thu Hằng – Phó Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc – người trực tiếp mổ đẻ cho sản phụ cho biết, qua theo dõi chuyển dạ ban đầu của sản phụ, thấy diễn biến bình thường và tiên lượng em bé khoảng 3kg nên nên ekip y bác sĩ khuyến khích để sản phụ sinh thường.
Tuy nhiên, khi thấy tử cung sản phụ mở hết mà đầu thai nhi vẫn không lọt ra nên đội ngũ y bác sĩ trao đổi với gia đình sản phụ, chuyển qua phòng mổ cấp cứu bắt thai. Em bé chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3 kg.
“Thế nhưng, trong quá trình khâu vết mổ cho sản phụ, tôi thấy tử cung sản phụ có hiện tượng co hồi kém, máu chảy nhiều nên đã chỉ định thực hiện các bước xử trí chuyên môn như cho dùng thuốc co hồi tử cung kết hợp thuốc cầm máu. Ngoài ra chúng tôi còn đặt bóng chèn buồng tử cung…”- bác sĩ Hằng cho hay.
Trước diễn biến xấu của sản phụ, các bác sĩ chỉ định truyền 2 đơn vị máu (nhóm máu O) cho sản phụ, 2 đơn vị plasma. Tuy nhiên, lúc đó tại bệnh viện chỉ còn có 1 đơn vị máu nên lãnh đạo bệnh viện đã huy động cán bộ nhân viên có cùng nhóm máu với sản phụ tập trung tại khoa Ngoại gây mê hồi sức, cùng tham gia hiến máu cho sản phụ ngay trong đêm.
Trong đêm 3/2, điều dưỡng Nguyễn Duy Hưng (nhóm máu O) tình nguyện vào Bệnh viện Thu Cúc và sang Viện Huyết học – Truyền máu TW để hiến đổi và nhận được thêm 1 đơn vị máu tiếp theo. Trong đêm sản phụ được truyền 2 đơn vị huyết tương tươi 250ml và 2 đơn vị hồng cầu 350ml.
Sáng hôm sau, kiểm tra tình trạng sản phụ vẫn thấy mạch đập nhanh, da nhợt nhạt, huyết động chưa ổn định, các bác sĩ tiếp tục có chỉ định truyền 4 đơn vị máu tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung cấp của Viện huyết học khan hiếm, nên khoa Sản và khoa Ngoại bệnh viện huy động một số y bác sĩ đi hiến máu và có 3 người đủ điều kiện sang hiến máu.
Đến chiều cùng ngày do sản phụ vẫn cần truyền thêm máu nên Bệnh viện Thu Cúc tiếp tục huy động thêm 2 nhân viên khác qua Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến máu tiếp. Tổng cộng sản phụ Hằng được truyền 7 đơn vị máu (tương ứng khoảng hơn 2 lít máu).
Sản phụ Hằng xúc động kể lại: “Tôi tỉnh dậy trong phòng mổ, rồi phòng hậu phẫu nhờ những đơn vị máu được các y bác sĩ đổi bằng cách đi hiến máu của mình cho Viện huyết học và lấy về những đơn vị máu phù hợp với tôi.
Việc làm đó được thực hiện trong bối cảnh các cơ sở y tế đang thiếu máu trầm trọng để chữa bện. Tôi rất cảm động khi đội ngũ y bác sĩ đã hết mình vì bệnh nhân như vậy.
Ngày 7/2, Công đoàn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc phối hợp cùng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện. Tham dự hoạt động này có khoảng 1.000 cán bộ nhân viên (CBNV) Thu Cúc cùng người thân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế của Thu Cúc.
Kết quả, Tổ công tác của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thu nhận được 321 đơn vị máu. Đây là hoạt động thiết thực của CBNV Bệnh viện Thu Cúc trong bối cảnh nguồn cung ứng máu phục vụ cho điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế đang cạn kiệt do thiếu người hiến vì ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang diễn biến phức tạp.
Bình luận