Sản phụ cần lưu ý gì?
Theo bác sĩ Lương Thị Thanh Dung – Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), sinh con là thiên chức của người phụ nữ, nhưng đây cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất cho cả mẹ và con. Vì lẽ đó, việc chuẩn bị cho cuộc sinh được thuận lợi nhất là điều mà các sản phụ và gia đình đều rất chú trọng.
“Khi ngày dự sinh trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều sản phụ không tránh khỏi những lo lắng vì đây là dịp lễ đặc biệt, hầu hết các hoạt động, sinh hoạt đều khác hơn so với ngày thường.
Sản phụ cần trang bị những kiến thức cần thiết để có thể giữ sức khỏe và tâm lý ổn định, giúp quá trình sinh nở thuận lợi, tránh những nguy hiểm không đáng có cho cả mẹ và con”, bác sĩ Dung cho biết.
Theo bác sĩ Dung, bất cứ thời điểm nào, dù là đêm giao thừa hay ngày mùng 1 Tết thì các bệnh viện đều có ê kíp bác sĩ trực và các hộ sinh. Tuy nhiên, các gia đình cũng nên lập kế hoạch chi tiết sẽ giúp các sản phụ và gia đình không bị bỡ ngỡ khi đến bệnh viện sinh nở.
Theo đó, các gia đình nên sắm sửa hành trang đầy đủ để không bị cập rập và quên đồ đạc khi bất ngờ có dấu hiệu đau đẻ.
“Sẽ là không ổn nếu bạn chuẩn bị thiếu, nhất là đồ dùng cho bé. Tết là thời điểm thời tiết se se lạnh hãy chuẩn bị áo ấm cho mẹ và bé. Một số cửa hàng, siêu thị cũng có thời gian nghỉ Tết, nếu có mở cửa thì mặt hàng cũng không được dồi dào, phong phú để bạn lựa chọn.
Có không ít sản phụ và gia đình lơ đễnh trong việc chuẩn bị mọi thứ trước khi sinh, đến gần ngày sinh mới vội vàng đi mua, điều này sẽ gây ra những bất ổn ngoài tầm kiểm soát đặc biệt khi bạn sinh con đúng dịp Tết. Những đồ thiết yếu khi đi sinh: Giấy tờ khám thai, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bảo hiểm, đồ dùng cho mẹ, đồ dùng cho bé…”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Khi “ở cữ” trong những ngày Tết, trong nhà thường có nhiều loại thực phẩm, thế nhưng sản phụ cần tỉnh táo để duy trì chế độ ăn khoa học, đúng mức như tinh bột, đường, đạm, chất béo, nhất là rau xanh và các loại quả.
Những dấu hiệu chuyển dạ
Theo bác sĩ Dung, trong suốt thời gian mang thai, ở vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy vững chắc. Bên cạnh lớp cơ thành tử cung, lớp màng ối, nút nhầy này cũng là một hàng rào bảo vệ cho thai nhi, chống sự xâm nhập của vi khuẩn hay các lực tác động cơ học từ bên ngoài vào buồng ối.
Vì vậy, khi cổ tử cung bắt đầu mở ra, nút nhầy sẽ bị bung ra và thoát ra ngoài cửa âm đạo như một chút nhầy nhớt, có màu hồng. Đây là dấu hiệu cảnh báo thời khắc chuyển dạ chính thức chuẩn bị bắt đầu.
Bên cạnh đó, vào tháng cuối thai kỳ, sản phụ đôi khi cảm nhận được các cơn trằn khắp bụng lúc di chuyển hay cử động mạnh. Cảm giác này khá mơ hồ, đa phần diễn ra ngắn, tần suất thưa thớt, không gây đau đớn gì rõ rệt và cũng không có ý nghĩa thay đổi cổ tử cung hay vị thế của thai nhi.
Tuy nhiên khi thai bước vào tuần từ 38 đến 40, các cơn gò sẽ khởi động rõ ràng hơn với chu kỳ tăng dần về cường độ lẫn tần số. Trong cơn, sản phụ sẽ cảm giác đau nhiều và khắp cả vùng bụng căng cứng. Kết hợp với cách thở và rặn sinh hiệu quả của sản phụ, đây chính là động lực cho quá trình chuyển dạ tống xuất thai nhi ra ngoài.
Ngoài ra, dưới tác động của cơn gò tử cung, áp lực trong buồng tử cung tăng lên đỉnh điểm, đầu thai di chuyển xuống, tạo thành đầu ối. Đầu ối căng phồng và tại vị trí tiếp giáp với vòng cổ tử cung, đây là nơi màng ối mỏng nhất và rất dễ vỡ.
Khi màng ối vỡ, một lượng nước ối trong buồng tử cung sẽ chảy ra ngoài. Nếu màng ối tự trượt lên nhau hay đầu thai nhi xuống thấp chèn vào, dòng nước ối sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn hay chỉ chảy rỉ rả.
“Các sản phụ đừng quá lo lắng khi ngày dự sinh vào dịp Tết nguyên đán, hãy chuẩn bị tâm lý thoải mái sẵn sàng để đón chào em bé sắp chào đời, chuẩn bị những kiến thức cần thiết về dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, chăm sóc mẹ và bé sau sinh”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Bình luận