Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là dự án thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án có tổng vốn khoảng 10.990 tỷ đồng này. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất phương án lựa chọn ACV.
Đồng tình đẩy nhanh việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nhưng các chuyên gia kinh tế bày tỏ nhiều quan điểm, ý kiến về cách thực hiện.
Đấu thầu mới đảm bảo công khai, minh bạch
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ nói: “Tôi biết lập luận của những người muốn chỉ định thầu là bỏ đấu thầu đi để làm cho nhanh, cho kịp tiến độ. Nhưng thực tế ta biết quá trình ấy không phải bao giờ cũng diễn ra như vậy, không có gì đảm bảo chỉ định thầu có thể làm nhanh hơn được. Đấu thầu qua nhiều khâu, nhiều thủ tục nhưng đảm bảo công khai, minh bạch”.
“Nếu không phải là những trường hợp cấp bách, buộc phải dùng công cụ điều hành trực tiếp để xử lý nhằm kiểm soát được tình hình, hoặc gắn với lợi ích an ninh quốc gia… thì, không nên lạm dụng, trong mọi trường hợp, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, họ có sức mạnh và họ cần lớn lên để thành thực lực kinh tế của Việt Nam”, ông Thiên nói thêm.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cầu lớn nguồn cung không đáp ứng đủ nên việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cấp thiết. Tuy nhiên cách thức thực hiện như thế nào là câu chuyện phải bàn.
Ông Long cho rằng hiện có 2 quan điểm, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch - Đầu tư căn cứ vào Luật Hàng không và dựa trên cơ sở tiềm lực tài chính của ACV để giao cho doanh nghiệp này thực hiện xây dựng, trong khi có nhiều nhà đầu tư tư nhân ngỏ ý quan tâm.
Tuy nhiên theo Luật Đầu tư, dự án xây dựng nhà ga T3 vào khoảng gần 11.000 tỷ đồng, thuộc Chính phủ quản lý, là phải đấu thầu. Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 quy định: Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
“Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.990 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết thêm, kinh tế thị trường là cạnh tranh, mà đảm bảo cạnh tranh là phải đấu thầu. Tránh tập trung quá mức vào một doanh nghiệp sinh ra độc quyền. “Xoay quanh cảng hàng không hiện có nhiều sự độc quyền làm cho phí đội lên rất cao. Ví dụ như các đường dẫn ra vào sân bay đều thu vé, thu phí hay mọi dịch vụ sân bay đều thu phí…”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, trước nay, đầu tư công ở nước ta kém hiệu quả là vì không cạnh tranh, chỉ định thầu, giao thầu.
“Cho nên với các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách mà có nhiều đơn vị quan tâm tham gia thì hình thức đấu thầu, công khai, minh bạch là phù hợp với Luật. Nếu anh không tổ chức đấu thầu mà chỉ định là trái Luật. Không thể vin vào lý do này lý do nọ được”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nói.
Tư nhân làm được, sao không để họ lớn mạnh?
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện có đủ khả năng, công nghệ, tiềm lực tài chính để thực hiện những công trình quan trọng quốc gia. Do đó, Chính phủ phải ủng hộ tư nhân làm các dự án hạ tầng lớn, nhằm thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế.
“Thực tế thời gian qua một số công trình hạ tầng mang tính kết nối do các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cam Ranh… Tôi cho rằng nên tổ chức đấu thầu, tạo cơ hội cho các tập đoàn tư nhân lớn lên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rồi, tại sao lại phân biệt đối xử, tại sao lại có sự kỳ thị ở đây? Không thể nói an ninh quốc gia để loại nhà đầu tư tư nhân Việt Nam được. Tại sao không để họ làm, họ phục vụ đất nước này cơ mà?”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, lâu nay tồn tại một thực tế bất cập là tư nhân làm rất tốt các dự án, công trình hạ tầng quan trọng song ít thấy nhà nước có ý kiến.
“Tất nhiên Thủ tướng, các lãnh đạo bộ ngành xuống kiểm tra cũng khen ngợi, biểu dương nhưng cần có đánh giá chính thức, khoa học để so sánh với đầu tư nhà nước về tính hiệu quả, khẳng định lòng tin vào giới kinh tế tư nhân Việt Nam. Việc này chẳng cần các tổ chức nước ngoài đánh giá. Người Việt phải tự đánh giá được người Việt. Chúng ta đang thiếu lòng tin cho một sự đánh giá như vậy”, ông Thiên chia sẻ.
Chung quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng vài năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kinh tế tư nhân đã có nhiều phát triển, tạo động lực cho sự phát triển.
“Thực chất họ hoạt động rất hiệu quả, tại sao không cho họ cơ hội để phát triển, điều đó là bất hợp lý. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước đang rất hạn chế thì nhà nước nên dành đầu tư vào những lĩnh vực khác mà không có tư nhân tham gia hoặc tư nhân không làm”, ông Long nói.
Giám sát chặt, tránh rủi ro
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lên đến gần 11.000 tỷ đồng lại chỉ định nhà đầu tư thì liệu có mang lại hiệu quả tốt nhất? Ông Ánh cho rằng nhà nước cần phân tích kỹ các rủi ro có thể từ nhà thầu, nhất là cần giám sát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, an toàn trong dài hạn cho công trình.
“Dự án quy mô lớn như nhà ga T3 nếu lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu thầu cạnh tranh liệu có mang lại hiệu quả đầu tư? Thực tế chứng minh có đấu thầu, nghiêm túc, minh bạch, công khai mới loại bỏ lợi ích nhóm, đảm bảo công bằng”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, bản chất sử dụng tiền nhà nước dễ sinh ra “phết phảy” kiếm chác. Dù không nên lấy quá khứ để áp đặt tương lai, nhưng thực tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận nghiêm túc trong vấn đề mang nhiều tính thời sự và bài học xương máu này.
“Tư nhân cũng có khả năng “đẩy lên, đẩy xuống”. Vấn đề là mức độ, là động cơ phía sau, anh kiếm chác tiền của nhà nước là câu chuyện khác hẳn. Tôi nghĩ đối cả tư nhân hay nhà nước, trên nền tảng sử dụng tài sản công đều bảo đảm sự công khai minh bạch, phải có những cam kết, những tiêu chuẩn, những ràng buộc bằng các điều khoản chặt chẽ, sau đó phải có thanh tra, giám sát, có cả chế tài về pháp luật, để xử lý. Tốt thì thưởng, sai bị trừng phạt nghiêm khắc”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Bình luận