• Zalo

Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: Đề xuất mở rộng diện tích khai quật

Thời sựThứ Bảy, 21/12/2019 19:12:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Viện Khảo cổ học và các chuyên gia, nhà sử học đề xuất Hải Phòng mở rộng diện tích khảo sát để nghiên cứu những giá trị to lớn ở nơi vừa phát lộ bãi cọc được cho là liên quan đến trận chiến Bạch Đằng.

Sáng 21/12, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc vừa được phát lộ ở Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: Đề xuất mở rộng diện tích khai quật - 1

Quang cảnh Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Tại buổi Hội thảo, đại diện Viện Khảo cổ học cho biết, đợt khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ phát hiện 27 cọc gỗ và 24 hố đất đen. Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng. Chúng được đóng/chôn trong khu vực chứa nhiều bùn lẫn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ.

“Đây là khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.

Kết quả khai quật cũng cho thấy, đây đơn thuần là trận địa, không phải là các kiến trúc nhà cửa để cư trú vì các cọc không có sự liên kết. Đặc biệt, không phát hiện được bất cứ di tích, di vật nào như đồ gốm sứ, các dụng cụ sinh hoạt khác và tàn tích thức ăn trong khu vực bãi cọc.

Hệ thống cọc đều nằm ở lòng sông với tầng sét bùn và thực vật hóa than thuộc đới ngập ven sông”, đại diện Viện Khảo cổ học cho biết.

Qua tìm hiểu từ người dân địa phương, lạch nước chảy phía Bắc cánh đồng Cao Quỳ trước đây rộng và lớn hơn. Khoảng 20 năm trước, người dân địa phương đắp bờ thu hẹp dòng chảy như hiện nay để mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp.

Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: Đề xuất mở rộng diện tích khai quật - 2

Đại diện Viện khảo cổ học báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc gần 1.000 năm tuổi vừa được phát lộ.

Từ kết quả khai quật khảo cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ, kết hợp các nguồn tư liệu lịch sử, bước đầu Viện Khảo cổ học cho rằng, di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII. Nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên – Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Trận địa này được dùng để chặn giặc, không cho chúng tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của quân địch phải theo sông Đá Bạc để tiến xuống sông Bạch Đằng, và rơi vào trận địa mai phục của ta ở vùng cửa sông Bạch Đằng – nơi được chọn làm trận địa quyết chiến, chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy trên đường rút chạy.

“Đây là lần đầu tiên, một loại hình di tích như vậy được phát hiện qua khai quật khảo cổ học tại TP Hải Phòng”, đại diện Viện Khảo cổ học nhấn mạnh.

Trên cơ sở khai quật, Viện Khảo cổ học cũng kiến nghị phải tăng cường, tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng cho người dân trong vấn đề bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Bên cạnh đó, diện tích khai quật không lớn đối với loại hình di tích chiến trường, nhiều vấn đề về quy mô, cấu trúc, kỹ thuật đóng/chôn cọc chưa được làm sáng tỏ. Do vậy, Viện Khảo cổ học đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch khai quật mở rộng, nghiên cứu tổng thể ở đây.

Điều này không chỉ mang lại nhiều thông tin quan trọng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, làm rõ hơn quy mô, cấu trúc, công năng của di tích mà còn cung cấp tư liệu cho TP Hải Phòng trong việc bảo tồn, khai thác và quảng bá giá trị di tích.

Cùng với đó, Viện Khảo cổ học kiến nghị mở rộng điều tra khảo sát ra những khu vực xung quanh để có cái nhìn đầy đủ hơn về địa hình cảnh quan môi trường cổ, tiến trình phát triển của vùng đất này.

Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: Đề xuất mở rộng diện tích khai quật - 3

1/3 bãi cọc vừa khai quật.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực khảo cổ, lịch sử, di sản có những phát biểu, đánh giá, đề xuất liên quan đến kết quả khai quật tại bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

PGS.TS Bùi Đức Liêm – Nguyên phó Viện trưởng Viện khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đề nghị, Hải Phòng nên có động thái, việc làm cấp thiết khảo sát bước đầu tìm ra được quy mô, diện mạo khu vực vừa khai quật và có những kế hoạch bảo vệ ngay tức thì và lâu dài để bảo tồn theo đúng quy trình một cách nguyên vẹn, tiếp tục nghiên cứu, xác định và phát huy những giá trị bãi cọc này.

Phát lộ bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng: Đề xuất mở rộng diện tích khai quật - 4

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Còn theo đánh giá của Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chỉ khoảng 2 tháng với 3 hố được khai quật đã lộ diện những giá trị to lớn của bãi cọc, là dấu tích của chiến trận Bạch Đằng.

Theo GS sử học Dương Trung Quốc, Hải Phòng nên mở rộng diện tích khai quật để các nhà chuyên môn vào khảo sát, nghiên cứu những giá trị to lớn ở khu vực lân cận với bãi cọc vừa được phát lộ.

Video: Cận cảnh bãi cọc gần nghìn năm tuổi ở Hải Phòng

Trong khi đó, theo ông Đoàn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng, ngoài bãi cọc vừa phát hiện, còn có những bãi học khác gần đó, trong đó có khu vực Trại giam Xuân Nguyên (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) và khu vực ngã ba sông Giá (Thủy Nguyên). Do đó, ông Đoàn Trường Sơn đề nghị Thành phố sẽ mở rộng diện tích và phạm vi khảo cổ, khai quật các bãi cọc này.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của Viện Khảo cổ học, các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố cũng sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.

Trong đó, yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc này!

Minh Khang - Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn