• Zalo

Bài báo có số lượt trích dẫn 'khủng' của vị bác sĩ ở Thái Bình

Kinh nghiệm sốngChủ Nhật, 27/02/2022 09:33:57 +07:00Google News

Chỉ trong vòng hơn 2 năm, các công bố quốc tế của bác sĩ Hoàng Văn Thuấn được hơn 7.500 lượt trích dẫn, trong đó, có một bài báo ghi nhận 5.279 lượt trích dẫn.

Bác sĩ Hoàng Văn Thuấn hiện là giảng viên bộ môn Y học gia đình, Phó trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi của Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Chia sẻ với PV, vị bác sĩ trẻ sinh năm 1988 cho biết, bài báo công bố quốc tế đầu tiên của anh vào năm 2018 cho đến cuối năm 2019 mới chỉ có 33 lượt trích dẫn trên Google Scholar.

Tuy nhiên, những bài báo trong giai đoạn 2020 - 2021 do anh là tác giả hoặc đồng tác giả đều có lượt trích dẫn tăng đột biến do liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

Đồng tác giả một trong những công bố đầu tiên về thuốc điều trị COVID-19

Bài báo có số lượt trích dẫn 'khủng' của vị bác sĩ ở Thái Bình - 1

“Tôi sang làm và học nội trú tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bichat tại Paris, Pháp năm 2016. Hết khóa học nội trú này, tôi xin được suất học bổng học nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải tại Marseille, Pháp. Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, chuyên đề nghiên cứu của tôi là về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa trên khách du lịch quốc tế. Với chuyên đề này, đến khoảng giữa chu kỳ học nghiên cứu sinh ở Pháp thì tôi đã gần như hoàn thành công việc. Cũng khoảng thời gian đó, dịch COVID-19 phát ra nên tôi bắt đầu chuyển hướng nghiên cứu sang bệnh này”, BS Thuấn chia sẻ.

Tính đến cuối năm 2021, các bài báo của BS Thuấn đã có hơn 7.000 lượt trích dẫn và đến nay đã hơn 7.500 lượt trích dẫn - một mốc mà nhiều nhà nghiên cứu trẻ mơ ước, thậm chí phấn đấu cật lực mới có thể đạt được.

Số lượt trích dẫn chủ yếu liên quan đến các bài báo được công bố trong giai đoạn 2020 - 2021, tập trung về các bài nghiên cứu về COVID 19 như điều trị, kỹ thuật xét nghiệm, nuôi cấy virus. 

Trong số này, đáng chú ý, bài báo “Hydroxychloroquine and azithromycin as a treatment of COVID‑19: Results of an open‑label non‑randomized clinical trial” (tạm dịch: Sử dụng Hydroxychloroquine and azithromycin để điều trị COVID-19: Kết quả của một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên đối chứng), đăng trên tạp chí Int J Antimicrob Agents vào tháng 3/2020, hiện có tới 5.279 lượt trích dẫn trên Google Scholar.

Bài báo có số lượt trích dẫn 'khủng' của vị bác sĩ ở Thái Bình - 2

BS Hoàng Văn Thuấn, giảng viên bộ môn Y học gia đình, Phó trưởng Nhóm nghiên cứu mạnh về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi của Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

BS Thuấn chia sẻ thêm: “Cũng có những bài tôi là tác giả chính nhưng bài báo này tôi chỉ là một trong các thành viên tham gia nghiên cứu, là đồng tác giả, chứ không phải là tác giả chính. Tác giả chính của bài báo này là người thầy của tôi ở Marseille, Pháp”.

Bài này gồm nhiều tác giả, chủ yếu là các giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu nơi mà BS Thuấn theo học. Tuy vậy, chỉ có anh là học viên duy nhất của Viện nghiên cứu.

“Thực ra ai cũng đều mong muốn những bài báo của mình có được sự quan tâm của mọi người, được nhiều lượt trích dẫn nhất, qua đó nâng chỉ số nghiên cứu khoa học của mình lên. Với bài báo này, tôi cũng như các tác giả không quá bất ngờ với việc được trích dẫn nhiều bởi nếu nhìn vào thời điểm xuất bản - tháng 3/2020 thì đây là bài báo đầu tiên được công bố liên quan đến thuốc điều trị COVID-19.

Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, số lượng bài báo được xuất bản tập trung vào đại dịch này tăng lên một cách đột biến và có thể nói chưa từng thấy. Trước đây, mỗi năm, các nhà khoa học thường chỉ công bố từ 2-3 nghiên cứu lớn, nhưng từ khi có COVID-19, các nghiên cứu thường đổ dồn hướng về COVID-19. Tất cả mọi người đều dồn về việc tìm thuốc điều trị COVID-19 và thường các nghiên cứu sau người ta sẽ trích dẫn nghiên cứu trước của mình. Khi các nghiên cứu về COVID-19 tăng lên như vậy thì lượng trích dẫn của mình tăng cũng không phải là điều ngạc nhiên lắm”, BS Thuấn nói.

Tập trung nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tái nổi và mới nổi

Ngoài bài báo này, các bài báo khác mà anh là tác giả, đồng tác giả liên quan đến COVID-19 trong giai đoạn 2020 - 2021 cũng đều có lượt trích dẫn cao.

Đến nay, BS Thuấn đã có tổng cộng 85 bài báo và tất cả đều công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI.

Bài báo có số lượt trích dẫn 'khủng' của vị bác sĩ ở Thái Bình - 3

Một trong số những bài báo cáo của BS Thuấn về chủ đề mình nghiên cứu.

BS Thuấn cho hay, đây là niềm vui, tiếp thêm động lực để anh theo đuổi các nghiên cứu tiếp theo.

“Tôi cảm thấy may mắn vì mình từng được tham gia vào một nhóm nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm, được cùng làm việc với thầy hướng dẫn là các giáo sư tên tuổi và nhận được sự quan tâm, ưu ái. Trong quá trình làm việc để xuất bản ra tác phẩm khoa học thì mình cũng đã học hỏi được rất nhiều từ các thầy về kiến thức, kỹ thuật, cách phân tích, xử lý tình huống,...

Giờ đây, kể cả 7.000 hay lên tới 70.000 lượt trích dẫn đi chăng nữa thì quãng đời nghiên cứu khoa học của mình vẫn cần tiếp diễn. Càng như vậy tôi càng phải tiếp tục nghiên cứu chứ không thể dựa vào số lượt trích dẫn mà có thể tự hài lòng hay suy nghĩ có thể dừng lại”, BS Thuấn tâm sự.

Bài báo có số lượt trích dẫn 'khủng' của vị bác sĩ ở Thái Bình - 4

Ảnh kỷ niệm ngày hai vợ chồng BS Hoàng Văn Thuấn cùng bảo vệ tốt nghiệp tại Marseille, Pháp.

Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, BS Thuấn đều tranh thủ thời gian dành cho việc nghiên cứu.

“Tôi thường dành thời gian cho việc nghiên cứu vào buổi tối hoặc buổi trưa. Thực ra cũng linh hoạt thôi, chứ không cứng nhắc lúc nào làm công việc bộ môn, lúc nào phải nghiên cứu mà thời gian nào trống, tôi đều dành cho nghiên cứu khoa học”.

Vị giảng viên cho hay, hướng nghiên cứu trong thời gian tới của anh sẽ chủ yếu tập trung vào các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, trong đó COVID-19 chỉ là một trong số các bệnh. Đặc biệt anh sẽ dành nhiều thời gian định hướng cho nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

“Hiện nay, khi thế giới đang tập trung vào COVID-19 nên chúng ta tạm quên những bệnh truyền nhiễm khác nhưng thực ra những bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết,... cũng đều cần được nghiên cứu”.

Điều BS Thuấn băn khoăn là hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện các nghiên cứu đó ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu thốn, trong khi thực tế đòi hỏi các kỹ thuật rất chuyên sâu, đắt tiền như nuôi cấy virus, giải trình tự gene...

“Khi điều kiện hạn chế, chưa có các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu, tôi cùng nhóm nghiên cứu sẽ tập trung làm về các nghiên cứu tại cộng đồng phù hợp và khả thi hơn khi thực hiện tại Việt Nam như tác dụng phụ của vaccine COVID-19, sự chấp thuận của phụ huynh về tiêm vaccine cho trẻ, các triệu chứng kéo dài hậu COVID-19,...”. 

Để khắc phục, BS Thuấn dự định sẽ đề xuất, thông qua nhà trường để có thể liên kết với các đơn vị nước ngoài để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức mới.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn