Chiều 15/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan tới vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bắt đầu với phần xét hỏi.
Là người đầu tiên trả lời phần xét hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) cho biết, không học chuyên ngành lọc nước nhưng đã có hơn 12 năm kinh nghiệm đi lắp hệ thống lọc nước cho các bệnh viện trên cả nước.
Bị cáo Quốc cũng cho biết nhiều lần thay thế thiết bị hệ thống lọc nước cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình khi còn là nhân viên của Công ty Thiên Sơn. Bị cáo làm theo chỉ dẫn của người khác và kinh nghiệm của mình. Trong những lần trước, bị cáo cho biết chưa bao giờ xảy ra sự cố.
Bị cáo Quốc cho biết, tháng 4/2017 có báo giá sửa chữa thiết bị cho Công ty Thiên Sơn với mức tiền hơn 50 triệu đồng. Mức giá 70 triệu đồng như trong hợp đồng là “không đúng”.
Bị cáo Quốc khai, sáng 28/5/2017, khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình được Sơn hướng dẫn làm những công việc ghi theo hợp đồng của công ty thiên sơn và bệnh viện.
Trong ngày hôm đó, Quốc sửa chữa, thay thế xong thiết bị nhưng chưa hoàn thành các công việc như hợp đồng. Trước khi ra về, Quốc gọi điện cho Sơn nói mới thay thế xong, sáng mai mới vào lấy mẫu nước đi xét nghiệm.
Khi đến bệnh viện vào 7h30 hôm sau, Quốc đã thấy máy chạy thận hoạt động và được chi Hằng thông báo rằng “không thấy ai nói gì”. Quốc liền ra gọi điện cho Sơn và quay lại thì thấy các bệnh nhân đồng loạt nôn mửa.
Bị cáo Quốc thừa nhận, lỗi "không ngăn cản bệnh viện và cán bộ phòng vật tư vận hành chạy máy" và chia sẻ "đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nên rất hối hận”.
Là người thứ hai được gọi lên xét hỏi, Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) cho rằng, anh có trách nhiệm trực tiếp xem Quốc thay thế, sửa chữa các thiết bị cho các máy lọc nước.
Tuy nhiên ngày 28/5, anh đã bỏ về nhà và “không quay lại bệnh viện”.
Sơn ấp úng nói: “Cảm thấy có lỗi khi không có mặt giám sát sửa chữa thiết bị”.
Theo bị cáo Sơn, sau khi có đề xuất của đơn nguyên thận nhân tạo, anh sẽ xuống kiểm tra thiết bị và lập biên bản. Biên bản này được trình lên để xin chữ ký của trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng và hai bác sĩ đề xuất sửa chữa.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, Sơn sẽ làm đề xuất trình lên phòng kế toán.
Về việc xét nghiệm mẫu nước để hoàn tất việc sửa chữa, Sơn cho biết, sáng 29/5, khi xuống đơn nguyên thận nhân tạo định cùng Quốc lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống lọc nước RO số 2 đã chạy.
Là người cuối cùng trả lời xét hỏi, Hoàng Công Lương cho biết, sau khi thấy thiết bị lọc nước RO có vấn đề, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng đã báo anh Sơn lên kiểm tra.
Bị cáo Lương cho rằng bản thân không có trách nhiệm. Tình trạng thiết bị y tế hỏng hóc thuộc về trách nhiệm của phòng vật tư y tế.
Video: Diễn biến phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương
"Tôi là bác sĩ, chỉ có trách nhiệm điều trị tại đơn nguyên thận nhân tạo và cũng không phải là người quản lý, điều hành đơn nguyên này. Đầu mỗi tháng hoặc quý, anh cùng hai bác sĩ khác được lãnh đạo khoa phân công xuống làm nhiệm vụ điều trị.
Máy móc do phòng vật tư quản lý còn đơn nguyên thận nhân tạo chỉ sử dụng. Điều dưỡng viên trực trong ngày sẽ chịu trách nhiệm nhận bàn giao thiết bị y tế.
Ngày 29/5, chị Điệp (điều dưỡng viên đơn nguyên thận nhân tạo) trực nên nhận trách nhiệm bàn giao. Sáng 29/5, chị Điệp thông báo đã sửa chữa xong và đã nhận bàn giao.
Về nhận bàn giao theo thủ tục hành chính phải là điều dưỡng hành chính của đơn nguyên thận nhân tạo. Trách nhiệm này thuộc về điều dưỡng viên hành chính" - bác sĩ Hoàng Công Lương nói.
Bình luận