• Zalo

Ba Lan và Bulgaria xoay sở ra sao sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt?

Thời sự quốc tếThứ Năm, 28/04/2022 07:02:47 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng cung cấp.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo quyết định của Gazprom có ​​tác động ít nhất có thể đến người tiêu dùng châu Âu. Hôm nay, điện Kremlin một lần nữa thất bại trong nỗ lực chia rẽ các quốc gia thành viên. Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sắp kết thúc", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói hôm 27/4.

Trước đó, Gazprom - tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ hôm 27/4.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell gọi động thái này của Gazprom là hành động gây hấn và sẽ chỉ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng xanh của châu Âu.

Ba Lan và Bulgaria xoay sở ra sao sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt? - 1

Nga tuyên bố sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí cho châu Âu. (Ảnh: Getty Images)

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và việc thanh toán cho các khoản nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.

Bà Von der Leyen cảnh báo các nhà nhập khẩu EU rằng trừ khi hợp đồng cung ứng được tính bằng đồng rúp, việc nhượng bộ nhu cầu của điện Kremlin và thanh toán bằng rúp sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.

"Đây sẽ là hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt, mang tới rủi ro cao cho các công ty”, bà cho hay. 

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, khoảng 97% hợp đồng của EU quy định các khoản thanh toán sử dụng euro hoặc USD. 

Vào đầu tuần tới, bộ trưởng năng lượng của các quốc gia thành viên trong khối sẽ gặp mặt để thảo luận về tình hình hiện tại.

Ba Lan và Bulgaria sẽ là những quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Động thái cắt nguồn cung cấp cũng nhằm đáp trả lệnh trừng phạt do Warsaw áp đặt đối với các cá nhân và công ty Nga.

Công ty khí đốt của Ba Lan - PGNiG, có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Công ty này cho biết sẽ không tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và sẽ không gia hạn hợp đồng.

Hợp đồng cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom là 10,2 tỷ m3 mỗi năm - chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ của nước này.

Bộ khí hậu Ba Lan cho biết, nguồn cung năng lượng của nước này vẫn được đảm bảo, lượng khí đốt đến tay người tiêu dùng sẽ không bị cắt giảm. 

Trong khi đó, Bộ năng lượng Bulgaria xác nhận tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho nước này vào hôm 27/4. Bulgaria nhập khoảng 90% lượng khí đốt từ Nga, phần còn lại đến từ Azerbaijan.

Tháng trước, công ty năng lượng Bulgargaz cho hay, kể từ mùa hè năm nay, Azerbaijan sẽ cung cấp toàn bộ nguồn cung cho Bulgaria. Chính phủ Bulgaria có kế hoạch kết nối để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ cảng Hy Lạp - nơi khí đốt sẽ được nhập khẩu bằng tàu từ Mỹ.

Song Hy(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn