Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo nên học hết lớp 7 anh Hồng phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Quanh năm quẩn quanh bên đồng ruộng khiến anh hiểu hết được những nhọc nhằn của người làm nông. Sau khi lập gia đình; 0,5ha lúa là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Song cứ mỗi khi mùa về hai vợ chồng anh Hồng lại mất đến cả tuần để cày bừa.
Tuy máy cày đã phổ biến, không còn cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”, thay vào đó lại là cảnh máy cày đi trước nông dân theo sau. Để đi được cùng máy, sẽ rất vất vả vì tốc độ máy nhanh, nặng vậy nên cần có người thay phiên nhau cày. Trước những khó khăn đó, ý nghĩ về một chiếc cày không cần người điều khiển xuất hiện trong đầu anh.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tự mày mò, nghiên cứu kỹ thuật của máy. Sau một thời gian miệt mài chế tạo, chiếc máy bừa điều khiển từ xa của anh Hồng thành công ra đời. Máy được cải tiến từ chiếc máy bừa trên thị trường có gắn thêm hệ thống điều khiển từ xa gồm bộ phận phát (điều khiển) và bộ phận tiếp nhận (gắn trên máy bừa). Với hệ thống này, máy bừa không cần người đi theo và hoạt động tốt trong bán kính 150m.
Để tiết kiệm chi phí, anh Hồng tận dụng những vật liệu từ các thiết bị đã hỏng không dùng đến. Chỉ với các vật liệu giản đơn như: Nam châm điện, đĩa dẹt bằng sắt từ, đai truyền, puly, dây điện, thanh phanh, anh Hồng đã chế tạo thành công bộ phận tiếp nhận với nhiệm vụ nhận tín hiệu từ bộ phận phát để điều khiển, chuyển hướng máy bừa.
Khi muốn chuyển hướng của máy chỉ cần bấm nút sang trái, phải trên bộ phận phát, bộ phận tiếp nhận nhận tín hiệu từ bộ phát sẽ mở dòng điện 1 chiều chạy vào phía bên trái hoặc phải của đĩa dẹt đang quay, khiến nam châm điện đặt bên cạnh đĩa dẹt bị hút vào đĩa. Thanh nam châm này được nối với thanh phanh kéo chuyển hướng của máy khiến máy chuyển hướng theo ý muốn người sử dụng.
Với việc giảm thời gian cũng như công sức trong sản xuất, chiếc máy bừa của anh Hồng được đông đảo bà con đón nhận.
Bình luận