• Zalo

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn

Thị trườngChủ Nhật, 14/02/2021 09:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sài Gòn từng có làng dệt vải mang tên Bảy Hiền, là niềm tự hào của những người thợ dệt, nhưng giờ đây chỉ còn vài ba nhà còn giữ nghề này.

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 1

Làng dệt Bảy Hiền (Phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM) từng là nơi những người dân huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vào lập nghiệp trong những năm chiến tranh và tiếp tục mưu sinh bằng nghề dệt mang từ quê hương.

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 2

Vào những năm 80 - 90 thế kỷ trước, làng dệt nức tiếng này có tới 1.700 hộ theo nghề, lượng vải làm ra cung cấp khắp miền Nam. Ngày nay, số hộ dân trụ với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 3

Về Bảy Hiền những ngày cuối năm không còn những công xưởng nhộn nhịp như xưa. Chỉ còn vài nhà còn giữ nghề này nên phải đi sâu trong hẻm mới nghe được tiếng máy chạy xình xịch xen lẫn những thanh âm của đường phố. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 4

Nhớ khi xưa, giáp Tết, các xưởng hoạt động hết công suất để kịp giao vải đi các nơi nhưng giờ những người thợ chỉ làm để giữ nghề là chính. Khung dệt vải thủ công bằng gỗ giờ đây cũng được thay thế bằng hệ thống máy kim tự động. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 5

Hiếm lắm mới bắt gặp một khung dệt bằng gỗ. Chị Kim Thu là người hiếm hoi thế hệ thứ năm trong gia đình theo nghề dệt, và còn giữ máy dệt khung gỗ, công nghệ của những năm 1980. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 6

"Nghề này khó và cực lắm, máy chạy cả ngày, thợ phải luôn tay luôn mắt. Nhiều năm trước, gia đình tôi cũng có hơn chục máy. Máy mua cả hơn cây vàng một cái, giờ hàng làm ra ế ẩm quá nên phải bán bớt", chị Thu vừa bắt từng cuộn sợi lên khung vừa thở dài. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 7

Nằm trong con hẻm nhỏ đường Bảy Hiền, xưởng dệt Năm Lý với 6 máy tất bật hoạt động. Chị Lê Ân cho biết, chị là đời thứ ba nối nghề từ các cụ, xưởng có từ những năm 70 của thế kỷ trước. "Máy móc trong xưởng lỗi thời quá, sản phẩm làm ra năng suất thấp, buôn bán ế ẩm, trong khi nhiều nơi sản xuất hàng loạt với máy móc hiện đại, nên nhiều thợ cũng không biết còn làm nghề này tới khi nào", chị Ân nói.

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 8

Theo chị Ân, mỗi máy dệt hoạt động cả ngày lẫn đêm được 40 - 50m vải thô mộc loại phi bóng. Loại vải này bán ra thị trường giá khoảng 6.000đồng/mét. Tiền bán vải không nhiều gì nên lớp trẻ không theo nghề. "Nói là làng dệt Bảy Hiền vậy thôi, chứ ở hẻm này có 2 nhà làm thôi, giờ nghỉ hết rồi, theo nghề này chết đói", chị Ân tay vừa gỡ sợi vừa nói. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 9

Thời hoàng kim, vải Bảy Hiền rất có tiếng, giá từ 15.000 - 20.000 đồng/mét, giờ giảm chỉ còn phân nửa, thậm chí 1/3 giá, ế ẩm nhiều người bỏ nghề. Các xưởng còn sót lại chủ yếu là do những người thợ muốn giữ nghề cha ông để lại. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 10

Những cuộn vải thô mộc được dệt ra khó cạnh tranh với vải được sản xuất hàng loạt, điều khiến làng Bảy Hiền giờ đây chỉ còn vài chiếc máy dệt hoạt động. 

Ảnh: Những xưởng dệt vải cuối cùng ở Sài Gòn - 11

Theo những người thợ dệt Bảy Hiền, nghề dệt vải tại đây có thương hiệu từ năm 1960, đến khoảng năm 1993 thì bắt đầu chững lại bởi sự cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm 2001, các gia đình có điều kiện chuyển đổi từ máy dệt khung gỗ sang máy nước, máy kim với hy vọng nghề dệt sẽ hồi sinh. Tuy nhiên, việc sản xuất ồ ạt, khiến vải tồn đọng, tiền gia công giảm từ 5.000 đồng xuống còn 800 đồng mỗi mét khiến nhiều hộ thua lỗ, phải đóng cửa cơ sở hoặc chuyển đổi nghề. Hiện hơn 90% hộ dân ở làng dệt đã chuyển nghề.

Bình luận
vtcnews.vn