• Zalo

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền

Đời sốngThứ Năm, 25/02/2021 14:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bị mắc kẹt trong nhà trọ từ trước Tết và chưa thể quay lại công ty làm việc do dịch COVID-19 bùng phát, các công nhân ở Hải Dương đang đối diện rất nhiều khó khăn.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 1

Các công nhân trọ ở thôn Lê Xá (xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương) bị mắc kẹt vì dịch COVID-19 từ trước Tết Nguyên đán vẫn chưa được trở lại công ty làm việc.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 2

Nhanh tay di chuyển tông đơ hớt tóc cho cháu bé lên 2 tuổi, anh Ma Văn Ngát (SN 1987, quê Bắc Giang) cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty của anh chưa mở cửa trở lại. 20 ngày mắc kẹt trong xóm trọ cùng 13 người khác, cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn khi chưa được đi làm nhưng tiền thuê nhà trọ vẫn phải trả, cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt. “Chúng tôi cách ly ở xóm trọ, không ra ngoài rút tiền được. Tiền hết, có người phải đi vay tiền mọi người trong dãy trọ để mua đồ dự trữ, thực phẩm. Tôi mong các cấp chính quyền nhanh chóng dập được dịch để công nhân chúng tôi trở lại làm việc, tôi có thể về thăm vợ con”, anh Ngát tâm sự.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 3

Dãy trọ của anh Ngát đang ở có 9 phòng gồm 18 người nhưng có tới 14 người không về quê và họ phải ăn Tết trong khu phong tỏa phòng dịch COVID-19. Quán cắt tóc đóng cửa, mọi người tự mua đồ về để cắt tóc cho nhau. Anh Ngát cùng anh Lý Văn Công (quê ở huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) là những tay cắt chính, biết chút ít công việc cắt tóc nên những ngày rảnh rỗi thay nhau cắt cho mọi người. “Chúng tôi đều là công nhân nên không có ai là thợ chính”, anh Ngát cười.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 4

Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng như trước đây, chị Hoàng Thị Sao (quê Bắc Giang) đủ trang trải cuộc sống cho cả mẹ và con trai cùng ở trọ với mình. Tuy nhiên, khi huyện Cẩm Giàng ghi nhận những ca mắc trong cộng đồng, trong khu công nghiệp, tỉnh Hải Dương phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng, công ty của chị Sao cũng tạm dừng hoạt động khiến chị đứng ngồi không yên với nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 5

“Hơn 1 năm nay, mẹ tôi từ quê ra xóm trọ trông con giúp để tôi đi làm. Dự định năm nay cho cháu đi mẫu giáo nhưng dịch COVID-19, trường lớp đóng cửa, tôi chưa cho con đi học được. Ngày ngày chúng tôi chỉ quanh quẩn trong khu trọ, không đi làm gì thấy rất ngột ngạt. Công ty hỗ trợ một phần lương trong những ngày nghỉ việc vì dịch, nhưng tiền trọ vẫn phải trả, thêm tiền ăn cho 3 người, tiền chăm con nhỏ… Tình trạng này kéo dài tôi rất sốt ruột, thậm chí có lúc lo mình bị thất nghiệp”, chị Sao chia sẻ.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 6

Để tăng gia sản xuất trong những ngày dịch, xóm trọ chung nhau nuôi gà trong hẻm, tận dụng cơm thừa cho ăn.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 7

Họ giết thời gian bằng rất nhiều công việc từ thêu thùa cho tới tự chăm sóc sắc đẹp cho nhau.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 8

Trong ảnh, chị Tăng Thị Sang (quê Yên Bái) đang tỉa lông mày giúp người trong xóm trọ.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 9

Điều công nhân thấy ấm lòng nhất trong những ngày mắc kẹt là họ không bị bỏ rơi khi rất nhiều mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp vẫn luôn chung tay, ủng hộ họ cả về cơ sở vẫn chất lẫn tinh thần. Chiều 24/2, mỗi công nhân nhận được 5kg gạo từ các nhà hảo tâm.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 10

Huyện Cẩm Giàng có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp với trên 60.000 công nhân lao động đang làm việc tại đây. Công nhân thuê trọ rải rác ở khắp các xã, thị trấn trong huyện, tập trung ở thị trấn Lai Cách, các xã Cẩm Điền, Cẩm Phúc, Tân Trường. Trong bối cảnh dịch COVID-19, họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, chật vật lo từng bữa ăn. Ước tính, huyện Cẩm Giàng có trên 10.000 công nhân lao động khó khăn đang thuê trọ cần được hỗ trợ.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 11

Trả lời PV VTC News, bà Hồ Thị Hiên – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng cho biết, xã Cẩm Phúc hiện có 3.700 công nhân phải ở lại nhà trọ sau khi COVID-19 bùng phát. Chỉ tính riêng thôn Lê Xá có 2.700 công nhân từ các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Giang… “Hiện, công nhân lao động chưa đi làm trở lại nên thu nhập eo hẹp, công nhân đang ở khu vực cách ly không thể ra ngoài để rút tiền hay đi chợ nên gặp khó khăn về nhu yếu phẩm”, bà Hiên nói.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 12

Cũng theo bà Hiên, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo, khi doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng quay trở lại sản xuất, chỉ cho phép công nhân có hộ khẩu thường trú, công nhân ở tỉnh khác đang tạm trú trên địa phận huyện tới công ty làm việc. Những công nhân này phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đang thường trú, tạm trú; sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay khi đến nhà máy, phân xưởng nơi mình làm việc. Những công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính mới được làm việc; nếu nhà máy, phân xưởng nào có công nhân có kết quả dương tính sẽ phải dừng sản xuất. Hết giờ làm việc, những công nhân nêu trên không được di chuyển ra khỏi nơi cư trú.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 13

Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị địa phương cần quan tâm đến đời sống người dân, công nhân, người lao động trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 14

Theo thông báo số 20 của UBND huyện Cẩm Giàng về hoạt động của các doanh nghiệp đóng trên địa phận huyện Cẩm Giàng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nêu rõ, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã thực hiện xét nghiệm âm tính với từng người; gửi bản đánh giá chỉ số nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại doanh nghiệp về UBND huyện, trong đó khẳng định đủ điều kiện tiếp tục làm việc và tự chịu trách nhiệm về việc đánh giá của mình; gửi bản kế hoạch ứng phó với các cấp độ dịch bệnh COVID-19 của doanh nghiệp về UBND huyện.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 15

Ngoài ra, doanh nghiệp phải bố trí được nơi ăn nghỉ tại chỗ đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp cho cán bộ quản lý và công nhân ít nhất 5 ngày kể từ 0h ngày 22/2.

Ảnh: Mắc kẹt ở nhà trọ giữa tâm dịch, công nhân chồng chất lo cơm áo gạo tiền - 16

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, đến hết 22/2, toàn tỉnh có 768 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở với 227.523 công nhân, trong đó có 502 doanh nghiệp với 132.776 lao động trở lại làm việc, còn lại 266 doanh nghiệp chưa hoạt động do một số đơn vị vẫn trong kế hoạch nghỉ Tết, một số phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân lao động trước khi hoạt động.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn