• Zalo

Gần 2.000 tỷ đồng nông sản còn đọng giữa tâm dịch Hải Dương

Thị trườngThứ Tư, 24/02/2021 15:46:45 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, nông sản vụ Đông tại tỉnh mới tiêu thụ được hơn 50%, số còn lại ước tính trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.

Sáng 24/2, trả lời PV VTC News, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho bết, hiện nay, tất cả cây vụ Đông tại tỉnh cần tiêu thụ ước tính trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hải, thời điểm hiện tại, Hải Dương đang rộ tiêu thụ cây vụ đông với các mặt hàng như cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải... Giá trị cây vụ đông chiếm khoảng 30% giá trị cây trồng 1 năm của tỉnh Hải Dương, hiện nay mới tiêu thụ được hơn 50%.

Trong đó, Hải Dương là tỉnh trồng cà rốt nhiều nhất cả nước tập trung ở huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Gia Lộc và thị xã Kinh Môn để xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... Chỉ tính riêng xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) sẽ thiệt hại khoảng 240 tỷ đồng nếu cà rốt không tiêu thụ được.

Gần 2.000 tỷ đồng nông sản còn đọng giữa tâm dịch Hải Dương - 1

Nông sản Hải Dương mới tiêu thụ ước tính được 50%. (Ảnh minh họa)

Ông Hải cho biết thêm, hiện tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh đã tạo điều kiện để hàng nông sản của Hải Dương thông thương. Tuy nhiên, nông sản của tỉnh vẫn đang gặp vướng mắc tại cửa ngõ giáp ranh với TP Hải Phòng.

"Có tới 80% mặt hàng nông sản của Hải Dương dùng để tiêu thụ ở các tỉnh khác và xuất khẩu. Trong khi đó, Hải Phòng là đường chính để đưa hàng hóa của Hải Dương ra bên ngoài. Nếu Hải Phòng không có hướng dẫn thống nhất về lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh thì Hải Dương có thể thiệt hại rất lớn đối với cây vụ đông”, ông Hải cho biết.

Trên thực tế, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tỉnh Hải Dương áp dụng biện pháp thông thoáng với khâu vận chuyển. Theo đó, thay vì tài xế phải có xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương âm tính với SARS-CoV-2 thì tỉnh Hải Dương chỉ yêu cầu phòng dịch là số một đối với tài xế, phương tiện, hàng hóa, tức phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc phòng dịch.

Tỉnh cũng chỉ đạo CDC Hải Dương tăng cường quy mô, năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các tài xế và trả kết quả tối đa sau 24 giờ để họ sớm vận chuyển hàng hóa.

Trước tình hình trên, ngày 19/2/2021, Sở Công Thương Hải Dương có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị triển khai các biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá.

Theo đó, Sở Công Thương Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa; xác định rõ các điều kiện để cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận tiện qua địa phận các tỉnh nói chung, cũng như trong vùng có dịch nói riêng.

Ngoài ra, các địa phương cần xem xét đưa ra những điều kiện tạm thời (giải pháp mang tính tình thế) như: Áp dụng 5K, mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn xe và đảm bảo các điều kiện phòng dịch khác... để tạo điều kiện cho các xe lưu thông trong ngắn hạn (1-2 ngày); trước khi đưa ra các điều kiện chung áp dụng trong dài hạn để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại công văn số 898 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được.

Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương.

"Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương", đại diện Bộ Công thương cho biết.

Lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định: hàng hóa xuất nhập khẩu và phục vụ sản xuất từ Hải Dương ra vào Hải Phòng vẫn lưu thông, không có chuyện gây khó, “ngăn sông cấm chợ”.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại tỉnh Hải Dương và một số địa phương. Trong đó, TP Hải Phòng vừa phát hiện có 3 ca dương tính SARS-CoV-2 đang phải áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa đối với 3 xã, phường, mà nguồn lây nhiễm đang nghi ngờ là từ một công dân trở về từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Thực tế từ 16/2, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của thành phố giải quyết cho các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng khi bảo đảm 3 điều kiện.

Cụ thể, lái xe có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng...) và có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định; lái xe và phụ xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR tại các đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 trong thời gian 3 ngày gần nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ phương tiện và các lái xe, phụ xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, giấy tờ khi xuất trình các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng kiểm soát.

 

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn