Video: Kinh hãi rác thải đại dương bủa vây những bãi tắm nổi tiếng ở Quảng Ninh
Nguy hiểm hơn, các mảnh thủy tinh vỡ cũng "hạ cánh" xuống khu vực này.
Những mảnh thủy tinh sắc nhọn cắm trên bãi cát, gây nguy hiểm cho du khách.
Chiếc bơm kim tiêm nằm chình ình trên bãi cát, có thể nó được những người thiếu ý thức xả thẳng xuống biển rồi một ngày theo sóng nước trôi dạt về đây.
Một loại rác thải đại dương khác cũng xuất hiện khá nhiều tại đây là phao xốp, cây que do người dân nuôi trồng thủy hải sản xả ra biển.
Mỗi khi thủy triều lên kết hợp với gió biển, các loại rác thải được tập kết về đây với số lượng lớn, như trút thêm gánh nặng lên vai các cấp chính quyền sở tại. Mặc dù họ thường xuyên tổ chức các đợt ra quân tình nguyện thu gom rác thải nhưng không thể nào thu dọn hết.
Nếu mỗi người dân, khách du lịch, người đi biển không vứt những loại chai lọ một cách tùy tiện, liệu bãi biển đẹp, thơ mộng này có phải gồng mình lên hứng chịu hậu quả thế này?
Mỗi ngày, mỗi khi thủy triều lên, rác thải đại dương cứ thế trôi dạt, dồn về các địa phương ven biển, gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời PV VTC News, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Cán bộ Văn hóa xã Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, do đặc thù du lịch ở xã Minh Châu có chu kỳ mùa vụ (du lịch biển chủ yếu tập trung vào mùa hè), lượng du khách tập trung đông vào một thời điểm khiến quá tải hệ thống thu gom rác thải, nước thải... gây ô nhiễm môi trường.
Lượng chất thải phát sinh từ các tàu khai thác, đánh bắt thủy hải sản, rác thải từ sinh hoạt của các huyện như Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô... thải ra vùng biển trên vịnh Bắc Bộ. Mỗi khi có bão hoặc gió mùa, số rác thải này sẽ bị sóng đánh dạt vào bờ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước biển ven bờ, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi biển Minh Châu ngày càng nghiêm trọng, gây mất mỹ quan khu du lịch sinh thái đảo Minh Châu.
Bà Huyền cho biết thêm, với mục tiêu trở thành khu du lịch biển xanh - sạch - đẹp, công tác thu gom, xử lý rác thải tại Khu du lịch sinh thái biển Minh Châu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp quan tâm.
100% doanh nghiệp du lịch đã ký cam kết dọn vệ sinh khu du lịch và thường xuyên thu gom rác thải khu vực bãi biển, hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh môi trường biển định kỳ 1 tháng 1 lần vào Chủ nhật cuối tháng, bảo đảm không để tồn đọng rác trên bãi biển.
Tuy nhiên, với khối lượng rác lớn thường xuyên bị sóng đánh đưa vào bờ hàng ngày, chính quyền cần có giải pháp xử lý công nghiệp tốt hơn để duy trì môi trường biển Minh Châu xanh - sạch - đẹp thu hút khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc, xứng đáng với biệt danh "Minh Châu cát trắng như tuyết, mượt như nhung".
Trả lời PV VTC News, ông Hoàng Huy Sầm – Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, Quan Lạn là một xã đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ, hàng năm bị ảnh hưởng bởi dòng chảy thủy triều rất mạnh, đặc biệt là ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam về mùa hè nên lượng rác thải đại dương đưa vào khá lớn. Đa phần là lá cây, rác sinh hoạt của người dân đi biển và những tàu thuyền từ các nơi đổ về.
“Hàng tháng, chúng tôi chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi ra quân vào ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh. Các tổ chức, các đơn vị đóng trên địa bàn xã ra quân thu gom, xử lý rác thải đại dương tại chỗ. Đặc biệt, hiện nay địa phương có một lò xử lý rác thải cho 2 xã Quan Lạn và Minh Châu, kịp thời xử lý được rác thải sinh hoạt của địa phương và rác thải đại dương trôi dạt vào bờ biển thuộc khu vực xã đảo.
Chính quyền cũng vận động, kêu gọi người dân và các cơ sở du lịch sử dụng các loại chai nước thân thiện với môi trường như chai thủy tinh. Trong sinh hoạt của nhân dân, chính quyền đã vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân sử dụng các sản phẩm chất liệu nhựa sang chất liệu thân thiện với môi trường.
"Chúng tôi cũng đã định hướng, đối với phát triển du lịch phải gắn với phát triển bền vững, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Đối với các điểm, cơ sở lưu trú cũng như các khu du lịch thì đều có tổ, đội thu gom rác thải để kịp thời xử lý tại chỗ, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp của địa phương", ông Hoàng Huy Sầm chia sẻ.
Lãnh đạo xã Quan Lạn cho biết thêm, đối với các hộ nuôi hàu tại địa phương, chính quyền đã vận động người dân chuyển đổi từ sử dụng phao xốp sang phao nhựa để đảm bảo môi trường. Hiện địa phương đã có 60% các hộ dân chuyển đổi dần vì số tiền đầu tư mua sắm phao nhựa cũng lớn. Đối với các hộ nuôi mới, chính quyền yêu cầu ký cam kết phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước để đảm bảo môi trường, đặc biệt là phao nổi trên mặt nước phải sử dụng loại phao nhựa.
Trong quá trình vận động, chính quyền địa phương cũng gặp một số khó khăn, trong đó cơ bản nhất là việc người dân phải đầu tư kinh phí lớn vì giá thành phao nhựa đắt hơn phao xốp. “Chúng tôi đề nghị nhà nước có cơ chế khuyến khích cho các hộ dân vay vốn với lãi suất thấp để chuyển đổi sử dụng phao nhựa thay thế phao xốp", ông Sầm đề nghị.
Bình luận