Theo báo cáo công bố hôm 18/11 của Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), với tổng vốn hơn 66 tỷ USD, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước đóng góp lớn thứ hai trong hệ thống các ngân hàng phát triển, cung cấp các khoản vay trợ cấp khoảng 200 tỷ USD cho các nước nghèo mỗi năm.
CGD cho hay, trong khi Trung Quốc vẫn nhận được các khoản vay và viện trợ khác từ các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và các cơ quan của Liên hợp quốc, nước này cũng đã nổi lên như một trong những nhà tài trợ mạnh mẽ nhất.
Theo CGD, Trung Quốc là nhà tài trợ tổng thể lớn thứ năm trong phạm vi các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.
Trích dẫn đánh giá chi tiết về vai trò của Trung Quốc tại 76 tổ chức toàn cầu, CGD cho rằng, vai trò của Trung Quốc với tư cách là nhà tài trợ lớn, đối tác thương mại của các tổ chức quốc tế mang lại cho nước này "vị trí có ảnh hưởng đặc biệt".
Scott Morris, thành viên cấp cao của trung tâm CGD cho biết: “Có rất nhiều sự chú ý đến hoạt động cho vay theo sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nước này đang để lại dấu ấn ngày càng tăng tại các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới”.
Vai trò ngày càng mở rộng của Trung Quốc tại các tổ chức này dấy lên lo ngại ở Mỹ và các nước khác trong những năm gần đây, song Scott Morris cho rằng không nên coi vai trò của Bắc Kinh tại các ngân hàng là một mối đe dọa.
Ngoài các khoản đóng góp dựa trên quy mô nền kinh tế theo quy định của các tổ chức quốc tế Trung Quốc cũng đã mở rộng các khoản quyên góp tự nguyện của nước này, tại các chi nhánh của Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Phát triển quốc tế…
Bình luận