• Zalo

An toàn ngân hàng nhưng siết chặt doanh nghiệp đói vốn

Tài chínhThứ Tư, 26/07/2023 14:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có nhiều nội dung máy móc, vô tình tạo rào cản với doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn.

Thông tư 06 của NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9. Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm 4 nhu cầu vốn tổ chức tín dụng (TCTD) không được cho vay, thông tư này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Doanh nghiệp bị buộc “thêm dây”

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang cực kỳ khó khăn. Thông tư 06 tuy giữ an toàn cho ngân hàng nhưng lại làm tăng khó khăn cho doanh nghiệp.

“Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc thù, vốn của họ cơ bản là nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này chưa chắc các doanh nghiệp đã vay vốn bởi họ đang thiếu đơn hàng và rất khó khăn.

Chính vì khó khăn như vậy nên Thông tư 06 đưa ra thời điểm này theo tôi là không thích hợp, nó giống như một chiếc “vòng kim cô" giữa lúc đang cần nới lỏng các chính sách để phục hồi kinh tế thì lại siết lại”, TS. Bùi Trinh nhận định.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang cực kỳ khó khăn nay lại càng khó tiếp cận nguồn vốn. (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đang cực kỳ khó khăn nay lại càng khó tiếp cận nguồn vốn. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia góp ý: “Với Khoản 8, nên xem xét thêm vì hoạt động góp vốn, M&A của doanh nghiệp là khá phổ biến, nhất là giai đoạn hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán".

Hiện khoản 8 của Thông tư 06 không cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom...

Còn với khoản 9, ông Lực cho rằng cần lưu ý là chỉ không cho vay đối với các khoản góp vốn hay hợp tác đầu tư/kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm Tổ chức tín dụng quyết định cho vay, chứ không phải tất cả.

Tuy nhiên, NHNN cũng nên xem xét lại theo hướng dự án có thể chưa đủ điều kiện hiện nay nhưng có thể sẽ đủ điều kiện trong tương lai (dạng "tài sản hình thành trong tương lai") theo đánh giá của tổ chức tín dụng thì nên cho phép vay tín dụng.

Với Khoản 10 không cho vay để bù đắp tài chính, theo ông Lực, Thông tư 06 đã loại trừ trường hợp là khách hàng đã ứng vốn để trang trải chi phí thực hiện dưới 12 tháng; chi phí thuộc phương án vay vốn trung dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh đó.

Ông Lực nói: “Tuy nhiên, thông tư cần làm rõ những chi phí này cần đáp ứng cả hai hay một trong hai điều kiện? Ngoài ra, việc vay vốn có thể để thanh toán các chi phí phát sinh khác cũng nên cân nhắc cho phép vì đây là nhu cầu chính đáng của bên vay”.

Mặt khác, với Khoản 7, ông Lực cho hay việc bổ sung đối tượng không cho vay để gửi tiền là phù hợp vì các tổ chức tín dụng không thể cho vay để rồi doanh nghiệp, bên đi vay mang tiền đó để gửi chỗ khác nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn mà không đưa tiền vào sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng.

Phân tích rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, với doanh nghiệp bất động sản, nguồn vốn lớn nhất hiện nay và cũng vô cùng quan trọng đến từ kênh ngân hàng.

Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước chuẩn hóa, siết chặt lại các điều kiện cho vay sẽ gây nên thực trạng khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Có những doanh nghiệp bất động sản thực hiện một lúc lúc 50 dự án thì làm sao đảm bảo an toàn cho nguồn vốn được.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh, bản thân các ngân hàng đang cảnh báo nợ xấu có xu hướng tăng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng phải kiểm soát và có những quy định hết sức chặt chẽ chứ không thể buông lỏng được. Tất nhiên doanh nghiệp nào đáp ứng điều kiện của ngân hàng thì vẫn hoàn toàn có khả năng được vay vốn.

Quy định máy móc, tạo thêm rào cản

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm, cho biết, xét trên lợi ích của các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản nói riêng, những quy định về nhu cầu vốn không được vay có thể tạo thêm rào cản, làm cho việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn và tạo áp lực về tài chính lớn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, đối với những doanh nghiệp đang có khoản nợ lớn sẽ không tiếp cận được nguồn vốn tại các tổ chức tài chính để “đảo nợ”, vì vậy nguy cơ phá sản là rất lớn. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp đánh mất cơ hội phát triển, tạo nên khó khăn về kinh tế trong toàn xã hội.

"Có thể coi những quy định mới về nhu cầu vốn không được vay trong Thông tư 06 là hai mặt của một vấn đề. Một mặt, những quy định này giúp tăng cường sự giám sát và quản lý của NHNN đối với hoạt động của các TCTD tạo nên một môi trường tín dụng lành mạnh, mặt khác cũng tạo ra những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp", ông Tú nói.

Ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm: Thông tư 06 có những nội dung quy định "máy móc".

Ông Chiến phân tích: NHNN hạn chế trường hợp ngân hàng cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VND để gửi tiết kiệm.

Bản chất của tiền gửi tiết kiệm VND hình thành sau hợp đồng tín dụng vay tiền thì khách hàng cũng phải tuân theo điều kiện bảo đảm khoản vay đó là tài sản bảo đảm thế chấp. Tài sản đó không thể đưa vào lưu thông giao dịch khi khách hàng có nhu cầu chuyển đổi giá trị thành tiền mặt bằng cách thế chấp vay tiền sử dụng, trong đó có trường hợp gửi tiết kiệm lấy lãi.

Trường hợp khách hàng có sổ tiết kiệm là ngoại tệ đem thế chấp vay VNĐ thì cũng không thể bị hạn chế vì sổ tiết kiệm ngoại tệ chính là thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm, là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng được pháp luật công nhận giá trị tài sản của người dân. Theo đó họ có quyền thế chấp vay tiền VNĐ để sử dụng thay vì họ phải chuyển đổi trực tiếp bằng cách bán ngoại tệ lấy VNĐ.

Theo đó, lý lẽ cho rằng để chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ ngân hàng là máy móc và không phù hợp thực tế. Do vậy việc khách hàng dùng tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng để lấy tiền gửi tiết kiệm chứng minh tài chính của khách hàng hay sổ tiết kiệm ngoại tệ chính là từ khả năng tài sản thuộc sở hữu của họ.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm: Thông tư 06 cần xem lại quy định bổ sung ngân hàng không được cho vay vốn để gửi tiền tiết kiệm chứng minh tài chính bảo đảm thuận lợi cho người dân.

Trong hoạt động cho vay, tốt nhất ngân hàng nên đưa ra các điều kiện như thế nào để quản lý, thay vì phải cấm. (Ảnh minh họa)

Trong hoạt động cho vay, tốt nhất ngân hàng nên đưa ra các điều kiện như thế nào để quản lý, thay vì phải cấm. (Ảnh minh họa)

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cũng cho biết, cho vay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thông tư 06 của NHNN mới ban hành có thể lý giải những điều cấm của mình. Tuy nhiên, khi thấy những nguy cơ rủi ro, vốn ảo…trong hoạt động cho vay, tốt nhất ngân hàng nên đưa ra các điều kiện như thế nào để quản lý, thay vì phải cấm. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực rủi ro, chỉ cần tăng hệ số rủi ro lên thì các ngân hàng sẽ cân nhắc việc cho vay đối với lĩnh vực đó.

Bởi theo Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

“Còn theo thông tư mới nhất của ngân hàng, không quản được thì cấm: cấm vay tiền mua vàng, vay tiền góp vốn…thì không được ổn, vì ngoài những biến tướng, thực tế có những nhu cầu chính đáng cần giải quyết”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Luật sư cũng cho rằng, thực tế chúng ta cũng cấm khá nhiều nhưng thực tế thì sẽ có biến tướng. Chẳng hạn, trước đây quy định ngân hàng cấm cho các thành viên, người trong ngân hàng vay vốn của chính nhà băng đó, dẫn đến những người này phải mở thẻ tín dụng để sử dụng từ ngân hàng khác.

Ngay cả việc đảo nợ, thực ra cũng không nên cấm, mà nên đặt ra yêu cầu chặt chẽ về điều kiện cho vay (như buộc phải có tài sản bảo đảm) và buộc phải công khai minh bạch thông tin; còn ở Việt Nam thì cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra. Vì vậy, ông Đức cho rằng, thay vì cấm, ngân hàng nên chấp nhận nó và quản lý một cách rõ ràng, minh bạch cho đỡ phát sinh những vấn đề tiêu cực.

"Ngoài ra, trong những quy định mới cấm bổ sung của Thông tư 06, có những quy định gây ảnh hưởng lớn lên thị trường, chẳng hạn như doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến hoạt động góp vốn bất động sản thì cần có lộ trình áp dụng, chuyển tiếp sao cho phù hợp. Trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần có những đánh giá tác động từ những quy định cấm này để có thể phù hợp hơn với tình hình thực tiễn", luật sư Đức đề nghị.

Công Hiếu - Bích Đào
Bình luận
vtcnews.vn