• Zalo

An toàn bay bị uy hiếp vì… ngập

Kinh tếThứ Tư, 16/08/2017 11:14:00 +07:00Google News

Không chỉ đối mặt với tình trạng ùn tắc, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) còn thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa lớn khiến nhiều chuyến bay bị hoãn, gây khó khăn trong điều hành, thậm chí uy hiếp an toàn bay.

Mưa lớn là ngập

Đầu tháng 4/2017, trận mưa lớn đã làm một số bãi đỗ máy bay sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) bị ngập khiến 35 chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị chậm từ 30 phút đến 2 giờ. Việc vận chuyển hành khách, hàng hóa tại khu vực sân đỗ cũng gặp khó khăn do mưa lụt.

Trước đó, cơn mưa lớn vào tối 26/8/2016 đã biến sân bay Tân Sơn Nhất thành biển nước. Cơn mưa đã khiến đường lăn M1 của sân bay phải dừng hoạt động hơn một tiếng do bị ngập khoảng 30cm. Tại các bãi đỗ 10-14, 51-56 và 24-25 cũng bị ngập cục bộ.

Gần 70 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay Campuchia, Thái Lan. Nghiêm trọng nhất là cơn mưa lịch sử ngày 9/10/2015 đã làm khu vực sân đỗ tàu bay và khu vực đài chỉ huy cũ của sân bay bị ngập sâu. Sân bay TSN buộc phải đóng cửa tạm thời để khắc phục. 

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sân bay TSN dùng chung hệ thống thoát nước của TPHCM nên khi toàn bộ khu vực xung quanh sân bay ngập thì nước trong sân bay cũng không thể thoát ra. Tình huống xấu nhất sẽ dừng hoạt động sân bay TSN khi ngập nặng, không khai thác các chuyến bay đi để tránh uy hiếp an toàn bay.

15a_XCXX

 Sân đỗ máy bay sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nước sau cơn mưa lớn.

Sân bay TSN chiếm 40 - 50% lưu lượng bay cả nước, bất cứ sự cố nào tại sân bay này cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chung, kéo theo chậm chuyến dây chuyền. Các chuyến bay đến TSN sẽ phải bay vòng, hoặc hạ cánh xuống sân bay khác.

Việc ngập nước còn ảnh hưởng đến hạ tầng sân bay khi nước mưa ngập lâu sẽ xâm hại và làm công trình mau xuống cấp. Theo Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam Trần Doãn Mậu, những trận mưa vừa qua nếu không có máy bơm, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, sân bay bố trí các máy bơm công suất 1.000 m3 tại đài chỉ huy cũ, nếu quá tải thì sẽ mua thêm máy bơm. Tuy nhiên, nếu mưa lớn 4 - 5 ngày thì bất khả kháng.

Theo ông Mậu, nguyên nhân gây ngập sân bay TSN là do mương thoát nước A41 từ đường Phan Thúc Duyện và đường Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình) bị lấn chiếm, nhiều vị trí lòng mương chỉ còn một nửa so với thiết kế ban đầu. Người dân còn xả rác, chất thải xuống mương gây ách tắc dòng chảy. Trong khi đây là những nhánh mương bảo đảm thoát nước cho 50% lượng nước tại khu vực sân đỗ máy bay.

Loay hoay chống ngập

Tuyến kênh A41 dài gần 2km từ nhà máy A41 đến đường Cộng Hòa. Dù tình trạng ngập đã được cảnh báo từ nhiều năm trước song việc chậm triển khai dự án nạo vét kênh A41 khiến sân bay TSN tiếp tục bị ngập.

Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 14/8, tuyến kênh A41 gần như không được cải tạo trong hơn một năm qua. Đoạn kênh từ ga hàng hóa của Công ty Vietstar vào giáp ranh sân bay có chiều dài khoảng 300m đã được làm cống hộp. Đoạn còn lại vẫn là hệ thống kênh hở len lỏi giữa các khu dân cư.

Đoạn kênh qua các tuyến đường Thăng Long, Giải Phóng, Ba Vì…, trung tâm chống ngập TPHCM đã xây mới 6 cống thoát nước nhưng hệ thống cống vẫn thường bị rác làm tắc nghẽn. Con kênh ban đầu rộng khoảng 2m, nhưng đoạn qua khu dân cư bị lấn chiếm, thu hẹp, nhất là đoạn qua hẻm 108/4 Cộng Hòa.

Tháng 6/2016, UBND TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai nạo vét kênh A41. Về lâu dài phải lên kế hoạch lập dự án đầu tư xây dựng các công trình cải tạo kênh A41 để đảm bảo thoát nước tốt cho sân bay.

 Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM, trung tâm thường tổ chức vớt rác dọc trên tuyến kênh A41 để đảm bảo thoát nước mùa mưa. Về lâu dài, thành phố sẽ cân đối vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo kênh A41 và dự án bồi thường GPMB (trên 200 hộ dân). Nếu dự án này triển khai thì đến năm 2019 mới hoàn thành.

Ông Công cho biết, khu vực sân bay TSN có 3 lưu vực thoát nước. Ở hướng Bắc có kênh Hy Vọng, được nạo vét thường xuyên nên thoát nước tốt. Hướng Đông Nam có kênh Nhật Bản đang được Trung tâm triển khai dự án, dự kiến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành.

Đáng lo nhất là ở hướng Nam, thoát nước ra kênh A41. Đoạn đầu tuyến tiếp giáp với khu vực sân đỗ sân bay TSN có hai nhánh chảy qua đường Hậu Giang, khi đến đường Giải Phóng thì hợp lưu lại. Trước đây kênh A41 có bề rộng mặt kênh hơn 8m, sâu 4m. Nhưng hiện nay tuyến kênh đã bị lấn chiếm, lòng kênh rất cạn, đặc biệt đoạn gần đường Cộng Hòa bề rộng mặt kênh chỉ còn 0,5m khiến việc thoát nước rất khó khăn.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho hay sẽ kiến nghị UBND TPHCM đẩy nhanh dự án nạo vét kênh A41. Về lâu dài, TPHCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh kênh A41 như kênh Nhật Bản, kênh Hy Vọng để đảm bảo thoát nước tốt. Các đơn vị liên quan sẽ rà soát tổng thể diện tích khu vực sân bay và các khu dân cư lân cận, trên cơ sở đó tính toán lượng nước mưa và lượng nước cần thoát ra để có các giải pháp chống ngập cho khu vực quanh sân bay một cách lâu dài.

Video: Cân hành khách béo để xếp chỗ, hãng hàng không bị kiện

Theo ông Cường, UBND TPHCM đã có chủ trương đầu tư cải tạo kênh A41. Giai đoạn 2016 - 2017 tiến hành đo đạc, đền bù GPMB với kinh phí 40 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 - 2019 xây lắp với kinh phí 160 tỷ đồng. Dự kiến, công tác thi công sẽ hoàn thành trong năm 2018.

Sân bay khó thoát ngập bằng hồ điều tiết

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao Bộ GTVT 1,2 ha đất quân sự tại khu vực sân bóng đá mini Chảo Lửa để xây hồ điều tiết sâu 5 -7 m chống ngập cho sân bay TSN. Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, dự án này đã được đưa vào quy hoạch (điều chỉnh) sân bay nên phải chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mới có thể xây dựng.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM, chống ngập bằng hồ điều tiết không mang lại hiệu quả và không nên làm vì nguyên nhân ngập là do kênh, mương thoát nước bị lấn chiếm làm tắc dòng chảy nên chỉ cần khơi thông, cải tạo mở rộng là đủ. Hơn nữa, hồ điều tiết chứa nước thì phải có lối thoát nước, nếu không, mưa liên tục thì hồ sẽ đầy.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng nếu xây hồ sâu 5-7 m dưới mặt đất thì nước không thể thoát ra ngoài nên phải tốn tiền lắp thêm máy bơm. Nước bơm ra các con kênh, nếu chưa được khơi thông sẽ không thoát kịp và tràn ngược vào sân bay.

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn