Tác dụng của táo đỏ với sức khoẻ
Táo đỏ hay còn được gọi là đại táo, có tên khoa học là Ziziphus Jujuba Mill. Đây là một vị thuốc quen thuộc trong đông y và có nhiều công dụng tuyệt vời. Không những tốt cho sức khỏe mà táo đỏ khô còn là nguyên liệu chế biến món ăn giàu dinh dưỡng.
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, đại táo là một dược liệu quan trọng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh nhờ có dược tính cao. Công dụng của táo đỏ đã được chứng minh qua nhiều tài liệu, nghiên cứu.
Theo y học hiện đại, những tác dụng của táo đỏ hầu hết đến từ thành phần dinh dưỡng bên trong. Quả táo đỏ chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa. Đặc biệt, đây là nguồn cung cấp phong phú các hợp chất như flavonoid, polysaccharid và axit triterpenic.
Bên cạnh đó, táo đỏ còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và ít calo. Cụ thể, trong 100g táo đỏ sống có chứa: chất béo 0,2g, chất đạm 1,2g, carbohydrate 20,2g, kali 250 mg, vitamin C 69 mg (khoảng 77% giá trị hằng ngày được khuyến nghị).
Ngoài ra, táo đỏ còn chứa một số loại khoáng chất khác như photpho, canxi, magiê và một lượng vitamin B phức hợp nhất định. Nước sắc từ dược liệu có thể làm cho Albumin huyết thanh cùng với Protid toàn phần tăng rõ. Từ đó có thể thấy rằng dược liệu này có tác dụng bảo vệ chức năng gan, đồng thời giúp tăng lực cơ.
Theo y học cổ truyền, các tài liệu đông y ghi nhận dược liệu đại táo có vị ngọt, tính bình có công dụng bổ trung, cường lực, ích khí, trừ phiền muộn, dưỡng tỳ, bình vị khí, giải độc...
Đại táo là vị thuốc quý nên dược liệu này có mặt phổ biến trong rất nhiều đơn thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, với hương vị ngọt thanh và kết cấu dai mềm, táo đỏ thường được sử dụng trong các món ngọt truyền thống và các món hầm bổ dưỡng như gà hầm, chè dưỡng nhan, cháo, súp,…
Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu ở dạng tươi hay phơi khô. Thông dụng nhất là kết hợp với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước uống.
Ăn táo đỏ khô nhiều có tốt không?
Báo Lao động dẫn lời lương y Vũ Quốc Trung - Hội đông y Hà Nội cho biết, dù có nhiều tác dụng nhưng khi ăn táo đỏ cũng cần lưu ý: Loại quả này khá ngọt. Nếu ăn nhiều có thể dẫn đến tăng cân ngoài ý muốn. Mỗi ngày, một người khỏe mạnh chỉ nên ăn khoảng 5 trái táo đỏ tươi và 3 trái táo đỏ khô là phù hợp.
Táo đỏ có thể phản ứng với các loại thuốc chống trầm cảm, do đó, những ai đang dùng loại thuốc này không nên ăn táo đỏ. Những ai đang dùng thuốc chống co giật như phenytoin, phenobarbital và carbamazepin nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn táo đỏ. Bởi các chất có trong táo đỏ có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc này.
Người bị bệnh đái tháo đường không nên ăn táo đỏ thường xuyên, nhất là loại sấy khô vì táo đỏ có thể làm tăng đường huyết sau khi ăn.
Người đang bị chướng bụng, đầy hơi, chảy máu cam, đau răng, mụn nhọt, mẩn ngứa cũng không nên ăn táo đỏ.
Bình luận