Kỳ 2 (kỳ cuối): Ngày về của trong nước mắt của hành trình mấy chục năm tìm công lý
Trở lại câu chuyện đi tìm công lý của mình, cụ ông Trần Văn Thêm chia sẻ: “Có những lúc, tôi hết sạch cả tiền lộ phí, phải vay lãi nóng rồi lại đi kiện. Có lần vất vưởng còn bị kẻ gian móc túi lấy sạch tiền bạc. Tôi cũng đã nhiều lần viết thư kêu oan bằng máu, nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng”.
Vị luật sư tốt bụng
Năm 2014, luật sư Vũ Văn Lợi (đoàn luật sư TP. Hà Nội) tham gia một vụ án hành chính tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh và có gặp ông Thêm. Nghe chuyện, luật sư cảm động và nhận lời sẽ trợ giúp pháp lý miễn phí cho vụ án này.
Tuy nhiên, việc khó, là thiếu chứng cứ. Trong quá trình theo kiện, cơ quan chức năng đều trả lời rằng việc kêu oan không có cơ sở vì… không tìm được hồ sơ vụ án. Như vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là làm thế nào để có thể tìm lại được bản án kết tội ông Thêm, vì có bản án thì các cơ quan mới chịu giải quyết. Trong khi đó, ông Thêm khi trở về địa phương không có giấy tờ gì, và việc thay đổi địa giới hành chính cùng thời gian vụ án kéo dài quá lâu đã khiến hồ sơ có thể bị thất lạc.
Sau một quá trình nghiên cứu, LS Lợi đã nghĩ đến việc chính quyền địa phương nơi người “tử tù xuyên thế kỷ” có thể sẽ lưu trữ bản án. Các công văn đề nghị cung cấp tài liệu được gửi tới công an tỉnh Bắc Ninh. Thật may mắn, phòng hồ sơ công an tỉnh có văn bản phúc đáp rằng đang lưu giữ hồ sơ vụ án giết người mà bị can trong vụ án có tên Trần Văn Thêm. Cũng chính từ đó, nội dung vụ án dần dần được sáng tỏ.
Trời cao có mắt, các cơ quan tố tụng trung ương vào cuộc và xác định ông Thêm thật sự bị oan như chúng ta đã biết. Chiều 9/8/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao vừa chủ trì cuộc họp liên ngành với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và thống nhất kết luận chính thức về vụ án hi hữu kéo dài suốt gần nửa thế kỷ của ông Trần Văn Thêm, ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, vụ án của ông Trần Văn Thêm cách đây 46 năm là oan sai.
Sáng ngày 11/8/2016, tại trung tâm văn hóa huyện Yên Phong ở thị trấn Chờ, các cơ quan chức năng đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi “tử tủ xuyên thế kỷ”.
Cụ ông mắt đã kém, chân đã run, tai đã lãng phải nhờ người nhà dìu từng bậc thang lên "sân khấu" trong vòng vây của báo chí. Ông bảo rằng, mình đã chờ đợi giây phút này từ lâu lắm rồi. Mong muốn xin bà con làng xã và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của mình trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây.
"Chúng tôi chưa bao giờ tin ông Thêm là kẻ giết người"
Trước khi nhận được thông tin về “tử tù xuyên thế kỷ” Trần Văn Thêm được minh oan, chúng tôi đã nghe thông tin về vụ án hy hữu này và đến thôn Đức Lân (xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) để tìm hiểu những câu chuyện bên lề. Thật ngạc nhiên, cư dân trong thôn từ xưa đến nay không một ai tin rằng ông Thêm là kẻ giết người.
Một cụ già trong làng khẳng định: “Thật vô lý, thứ nhất ông Thêm tôi biết, là người sống cực kỳ hòa nhã, chăm chỉ làm ăn, cả làng ai cũng quý mến. Thứ 2 là ông Thêm và ông Văn vốn coi nhau như anh em ruột, gắn bó với nhau từ bé, đi đâu cũng có nhau. Cho nên tôi vẫn khẳng định, không bao giờ ông Thêm lại có thể giết chết ông Văn để cướp tài sản như bản án mấy chục năm trước đã nêu.
Sau khi ông Thêm được tha về cuối năm 1975 và hung thủ giết người Phùng Thanh Nhàn bị bắt, cả làng chúng tôi vẫn cố gắng giúp đỡ gia đình ông ổn định lại cuộc sống, không ai kỳ thị rằng trong làng có một kẻ giết người cả. Tuy nhiên cũng thật đáng tiếc, sự việc đã kéo theo quá nhiều hệ lụy đối với gia đình ấy. Đến tháng 5/1982, bà Gái (vợ ông Thêm) qua đời vì quá lao lực, một mình ông gà trống nuôi con và sống khổ sở cho đến giờ. Tôi nghĩ, sẽ có ngày ông Thêm được Nhà nước minh oan…”.
Chúng tôi tìm qua gia đình nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, ông Nguyễn Khắc Vinh (con trai cả) buồn rầu chia sẻ, bố ông bị người ta giết chết, cả gia đình mất đi một cây cột trụ trong nhà, anh em không ai được ăn học tử tế, sống khổ sống sở. Những mất mát, cay đắng trong gia đình không gì bù đắp nổi.
Ông Vinh bảo, ông luôn tin tưởng vào sự công minh của pháp luật, và ông chưa bao giờ tin rằng bác mình (ông Trần Văn Thêm) là hung thủ giết người. Mặc dù sự việc đau lòng đã xảy ra, nhưng cả 2 gia đình vẫn coi nhau như là anh em họ hàng, ra đường nếu gặp vẫn hỏi thăm và động viên nhau. Chỉ có điều, mỗi khi trong dòng họ có cỗ bàn tụ tập, 2 gia đình không dám ngồi gần nhau. Vì họ sợ có tý hơi men, lỡ có người nào ác ý vứt vào một vài lời bàn luận lại sự việc đau buồn năm xưa, cả hai bên sẽ không kềm chế nổi.
“Hãy trả lại công bằng cho bố tôi và anh em tôi, kể giết bố tôi là ai? Họ sẽ phải đền tội. Còn giữa 2 gia đình dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn luôn coi nhau như là anh em họ hàng”, ông Vinh tâm sự.
Trưởng thôn Tô Văn Ninh cho biết, từ khi sự việc xảy ra, trong thôn chưa có ai gọi ông Thêm là kẻ giết người, cũng không ai xa lánh, không bàn tán hay đồn thổi gì mà toàn bảo rằng ông bị oan, mọi người vẫn tôn trọng ông. Mọi hoạt động của địa phương thì làng vẫn tạo điều kiện cho ông Trần Văn Thêm tham gia đầy đủ, như là những người bình thường, mọi chế độ của ông vẫn được đảm bảo.
Và cuối cùng, chân lý đã được thực thi, nỗi hàm oan “tử tù xuyên thế kỷ” của cụ ông Trần Văn Thêm đã được gỡ bỏ, trong những ngày cuối cuộc đời của mình, sau một hành trình đằng đẵng không biết mệt mỏi.
Hải Minh – Đức Thuận
Bình luận