Kỳ 1: Người mang án tử tù suốt…46 năm
Những ngày này, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở thôn Đức Lân (Xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh) không lúc nào vắng khách. Hàng xóm, họ hàng, các cơ quan báo chí, chính quyền làng xã… đều có mặt, ra vào nườm nượp. Có những lúc, khách chật kín cả căn nhà tranh 3 gian. Mọi người đến chia vui với người đàn ông có số phận đặc biệt, tử tù xuyên thế kỷ.
Ông tên Trần Văn Thêm, năm nay 80 tuổi. Cho đến tận cuối cuộc đời, những tưởng thân phận tử tù sẽ theo ông cho đến lúc xuôi tay nhưng bất ngờ, ông Thêm chính thức được minh oan, sau khi vô tình dính vào một vụ án chấn động cả tỉnh Bắc Ninh cách đây những… 46 năm.
Ông Thêm giờ đã già yếu lắm. Nếu như không có người nâng đỡ, ông chỉ chậm rãi lê từng bước một. Gặp ai ông cũng khóc, cũng kể chuyện, rồi nói trong nước mắt: “Cuối cùng cũng đến ngày tôi được ngẩng mặt lên với đời rồi!”.
Số phận đặc biệt của người tử tù xuyên thế kỷ
Theo lời kể, năm 1970, đời sống quá khó khăn, cả làng bữa đói bữa no, ông Thêm cùng với vợ làm việc quần quật suốt ngày đêm nuôi 5 con nhỏ, nhưng kinh tế gia đình mãi không khá lên được. Bí bách, ông Thêm rủ người em họ của mình là Nguyễn Khắc Văn (cùng làng) kéo nhau lên vùng cao đi buôn hàng khô.
Mỗi người một chiếc xe đạp thồ, rồi băng rừng vượt núi gùi sắn, trám từ miền núi về các tỉnh đồng bằng sông Hồng bán kiếm lãi. Anh em ông Thêm, ông Văn quý nhau như môi với răng, lãi lời chia đôi, đói khổ cùng chịu. Tuy nhiên, mới đi buôn được vài chuyến, lãi lời chưa được bao nhiêu thì tai họa đã ập xuống đầu.
Lần đó, trong một đêm mùa hè năm 1970, hai anh em thồ hàng về đến xã Đông Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) thì trời đã tối, liền chui vào một gian nhà trống ven đường nghỉ đêm. Chợp mắt được một lúc, ông Thêm bỗng choàng tỉnh, choáng váng vì có kẻ gian nào đó đã dùng búa đập vào đầu mình. Ngay bên cạnh, ông Văn cũng bị tên cướp đập 1 búa vào đầu khá nặng.
Quên hết đau đớn, cả hai vùng dậy đánh trả và hô hoán. Dân làng nghe tiếng kêu chạy đến thì tên cướp đã lao xuống sông biến mất. Mọi người đưa 2 anh em vào viện cấp cứu nhưng ông Văn đã không qua khỏi.
Oái ăm thay cho ông Thêm, lúc CQĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành lấy lời khai, họ đã không tin vào những gì ông Trần Văn Thêm nói. Ngay tức khắc, ông bị người ta còng tay đưa về trại giam với một câu nói đơn giản: “Vết thương trên đầu mày là bị em mày đánh lại, chính mày là thủ phạm giết em nhằm cướp của”. Kể đến đây, người đàn ông đã ở tuổi gần đất xa trời bật khóc nức nở, người nhà phải xúm vào đỡ và động viên ông Thêm mới ngồi vững.
Những lần sau đó, mỗi khi được gọi ra lấy lời khai, ông đều kêu oan. Nhưng trước những trận đòn thừa sống thiếu chết của cán bộ điều tra, không chịu nổi đau đớn, ông đánh nhắm mắt ký bừa vào bất cứ văn bản nào được đưa đến, phó thác cho số phận và chờ ngày ra tòa lại tiếp tục giải trình trước tất cả mọi người.
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản dù tại tòa ông kêu oan và trình bày ông cũng là nạn nhân như những gì đã diễn ra.
Bản thân ông và người nhà đồng loạt viết đơn kháng cáo. Một năm sau, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục bác bỏ đơn kêu oan của ông Thêm, y án tử hình.
Tòa án xin lỗi người đàn ông bị tù oan xuyên thế kỷ
Không còn cách nào khác, tất cả mọi người trong làng viết đơn xin giảm án cho ông xuống chung thân, vì mọi người không tin ông Thêm là hung thủ của vụ án. Bản thân ông từ trước khi xảy ra biến cố, vẫn là một người đàn ông lương thiện, sống tốt, có trên có dưới với xóm làng, ai cũng quý mến.
Lằng nhằng mãi, đến cuối năm 1975 thì người tử tù có số phận đặc biệt này… bỗng dưng được thả. Về sau ông mới biết, cùng thời gian đó, cơ quan điều tra đã bắt giữ được nghi phạm chính của vụ án. Chính nghi phạm đã khai nhận mình là người đánh chết ông Văn và đánh ông Thêm bị thương nặng vào đầu.
Đơn kêu oan chất đầy… ô tô?
Ngay sau đó, ông Trần Văn Thêm được đưa về trại giam của Bộ công an ở Hà Nội, được cấp giấy miễn lao động nặng nhọc và đưa ra bến xe Gia Lâm bắt xe khách về quê ăn tết với gia đình, đúng đêm 30, ngay trước giao thừa.
Điều ngạc nhiên là các cơ quan chức năng không ai đoái hoài gì đến người đàn ông khốn khổ này nữa. Và bản thân ông Thêm dù đã được thả, trở về với gia đình và sống một cuộc sống bình thường, nhưng lúc nào cái thân phận “kẻ giết người” cũng vẫn cứ đeo đẳng mãi ông cho đến tận 46 năm sau.
Trở về, nhà chẳng còn gì, con cái nheo nhóc, ông Thêm trầy trật đi xin việc khắp nơi. Nhưng ông xin việc không phải để nuôi sống gia đình, mà xin việc làm chỉ để có tiền chi phí cho một hành trình kêu oan suốt mấy chục năm, việc nhà ông để người vợ tần tảo (đã mất) quán xuyến, chăm lo cho đàn con của mình.
Bà Trần Thị Xuân, con gái cả của ông Thêm, mặc dù thời điểm đó còn nhỏ tuổi, nhưng ký ức vẫn còn rõ mồn một như vừa mới ngày hôm qua. Bà kể rằng, thời điểm nhận được tin bố được thả, cả mấy mẹ con đã vội vã bắt xe khách lên Vĩnh Phú đón ông nhưng không gặp được. Họ về đến nhà mới biết người cha khốn khổ của mình được đưa lên Hà Nội sau đó mới thả cho về quê.
Mấy ngày đầu, ông Trần Văn Thêm cứ ngồi lỳ trong nhà suy nghĩ, rồi ra bàn thờ gia tiên thắp hương. Chỉ mới tuần lễ mà dài như thế kỷ, đầu tóc ông như bạc trắng quá nửa.
Sau đó, ông Thêm ra chợ mua đi bán lại mấy món hoa quả kiếm vài đồng lãi. Nhờ người quen xin việc cho, ông xa nhà lên làm bảo vệ trên huyện, rồi mấy năm sau khi không làm bảo vệ nữa thì lại về nhà buôn bán. Thời gian đầu, cứ lâu lâu tích cóp được ít tiền, y như rằng ông Thêm lại thuê người viết đơn kêu oan, rồi cùng với anh em họ hàng trong nhà lọc cọc đạp xe lên Hà Nội gửi, rồi lại về nhà chờ đợi. Về sau, khi mọi người bận rộn với công việc mưu sinh thì ông Thêm lại đi 1 mình, suốt mấy chục năm không bao giờ biết đến 2 chữ mệt mỏi.
Tôi hỏi rằng ông có nhớ đã bao nhiêu lần lên Hà Nội gửi đơn, có nhớ là đã viết bao nhiêu lá đơn không? Người đàn ông mang biệt danh “tử tù xuyên thế kỷ” bảo là nhiều quá không nhớ rõ nữa, nhưng có lẽ phải… chất đầy ô tô. Không biết động lực hay sức nào nào khiến ông có thể bền bỉ đến như vậy. Thậm chí, đến lúc hơn 70 tuổi, cái tuổi mà như người ta nói là “thất thập cổ lai hy”, những người trong làng cùng độ tuổi với mình đều đã nghỉ ngơi, ở nhà vui vầy với con cháu, thì ông Thêm vẫn cứ gửi, cứ đi, cứ cậy nhờ tất cả những mối quan hệ mà mình có thể nhờ vả được, với một mục đích duy nhất: trả lại sự trong sạch cho bản thân và gia đình. Ông nói rằng, còn sức là ông còn kêu oan, cho đến lúc nằm xuống thì thôi.
Mọi người tiếp tục hỏi có lúc nào đó ông Thêm nản lòng không? Ông bảo, niềm tin xuyên suốt trong hành trình kêu cứu của mình là sự thật luôn đúng, chân lý rồi có ngày sẽ trở về với mình, vấn đề chỉ là thời gian. Ông đã kiên nhẫn chờ đợi cho đến năm… 80 tuổi.
Cũng thật đáng tiếc, suốt mấy chục năm mòn mỏi kêu cứu khắp nơi, các cơ quan mà ông Trần Văn Thêm gửi đơn đều trả lời rằng việc kêu oan của ông không có cơ sở vì... không tìm được hồ sơ về vụ án .
Còn tiếp…
Hải Minh – Đức Thuận
Bình luận