Từ lâu gan lợn đã là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc ăn gan lợn. Vậy, ăn gan lợn có tốt không?
Giá trị dinh dưỡng của gan lợn
Giống như phần lớn các loại nội tạng động vật, gan lợn cũng chứa nhiều chất đạm, chất béo. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều sắt và vitamin A.
Nhược điểm của chúng là chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục.
Báo Dân trí dẫn nguồn Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, gan có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt. Nó cũng cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.
Ngược lại vì chứa nhiều cholesterol nên nó không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì.
Ăn gan lợn có tốt không?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec chỉ ra, dù nhiều tác dụng tốt với sức khỏe, nhưng gan lợn có thể là nơi tập trung các chất cặn bã gây hại cho sức khỏe. Vì vậy không ít người thắc mắc rằng ăn gan lợn có tốt không?
Gan là nơi chuyển hóa các chất độc hại của cơ thể nên khi bị bệnh sẽ chứa nhiều chất độc và mầm bệnh. Nếu không được xử lý và chế biến đúng cách để loại bỏ chất độc thì loại thực phẩm này sẽ gây hại cho người sử dụng.
Gan lợn chứa hàm lượng cholesterol cao, những người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp ăn nhiều gan lợn sẽ có hại.
Nhiều nhà chăn nuôi không tuân thủ quy trình an toàn, sử dụng thức ăn cho lợn có nhiều tồn dư chất độc hại, kim loại nặng, ... và làm ảnh hưởng đến chất lượng gan lợn.
Ăn nhiều gan lợn có tốt không còn phụ thuộc vào số lượng và tần suất sử dụng, khả năng đào thải độc tốt của cơ thể. Với trẻ em, ăn 2 bữa gan lợn/ tuần có thể tăng cường bổ sung vitamin A, giúp thải độc, tăng chiều cao, chống thiếu máu... Với người lớn, ăn 1 bữa gan lợn / tuần có tác dụng tốt với sức khỏe.
Bình luận