Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; Đại diện sứ quán Cộng hòa Ấn Độ, Sri Lanka, Iran, Nhật Bản, Ả Rập Xê-út... tại Việt Nam, cùng các học giả trong và ngoài nước; các nhà nghiên cứu đến từ trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cơ quan ngoại giao.
Hội thảo được chia làm hai phiên chính. Trong đó, phiên thứ nhất chú trọng đến “Tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và chính sách của Ấn Độ”. Phiên thứ hai tiến hành làm rõ “Những thách thức của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khủng hoảng Nga - Ukraine”.
Các diễn giả đã trình bày bài tham luận về Xung đột quân sự Nga - Ukraine và những tác động đối với quan hệ tam giác Ấn Độ - Nga - Trung Quốc; Ngoại giao tự chủ chiến lược của Ấn Độ nhìn từ khủng hoảng Ukraine; Tác động của khủng hoảng Ukraine đối với quan hệ Ấn Độ - Mỹ: Nhìn từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 6/2023; Quan hệ Ấn Độ - Nga trong diễn biến xung đột Nga - Ukraine; Lập trường của Ấn Độ đối với khủng hoảng Nga - Ukraine: Nhìn từ lợi ích quốc gia của Ấn Độ;…
Bên cạnh đó, hội thảo cũng tiến hành phân tích các vấn đề thực tiễn đang cần sự định hướng, như thách thức và cơ hội đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.
Hội thảo khoa học quốc tế “Ấn Độ trong trật tự thế giới mới sau khủng hoảng Nga - Ukraine” được tổ chức nhằm cung cấp cho học giả và những người làm hoạch định chính sách thông tin mới nhất liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine cũng như phản ứng chính sách của Ấn Độ đối với sự kiện này.
Ngoài ra, việc phân tích một cách toàn diện về phản ứng của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và đánh giá vai trò, vị thế của Ấn Độ trong một cục diện thế giới mới đầy biến động cũng giúp mọi người hiểu sâu hơn về chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay.
Đồng thời hội thảo còn góp phần phân tích một cách toàn diện về vai trò, vị trí của Ấn Độ trong trật tự thế giới mới sau khủng hoảng Nga-Ukraine từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trong đó, các bản tham luận tập trung làm rõ sự tự nhận thức của Ấn Độ về vai trò của mình trong trật tự thế giới và nhận thức của các quốc gia, thể chế khác về Ấn Độ. Hội thảo còn tiến hành đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến trật tự thế giới, các mối quan hệ và các thể chế phát triển trên thế giới, đưa ra đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội giúp Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tăng cường năng lực hợp tác quốc tế, đẩy mạnh sự kết nối giữa các cơ quan nghiên cứu và cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước.
Hiện nay, Ấn Độ là một trong bốn Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam. Trong nhiều thập niên qua, dù trải qua không ít biến động phức tạp do ảnh hưởng của tình hình trong khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Bình luận