• Zalo

Ấn Độ phát triển hạm đội 200 tàu chiến đối phó Trung Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 19/07/2015 12:26:00 +07:00Google News

Chỉ huy hải quân Ấn Độ nói nước này sẽ phát triển hạm đội tàu chiến và tàu ngầm 137 chiếc hiện nay lên 200 chiếc trong vòng 12 năm tới.

Hải quân Ấn Độ tuyên bố sẽ có thêm một hạm đội tàu chiến 200 chiếc vào năm 2027 để bảo vệ lợi ích và tài sản của quốc gia này trên các vùng biển xung quanh Ấn Độ.

Với sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực, giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể vẫn duy trì cách tiếp cận “thận trọng với Bắc Kinh”.
Tàu INS Viraat của Ấn Độ trong đợt tập trận quốc tế Malabar trên Ấn Độ Dương - Ảnh: AFP 
Sự thận trọng này là bằng chứng cho thấy New Delhi đang tăng cường động thái an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Báo Economist Times ngày 16/7 dẫn lời phó chỉ huy hải quân Ấn Độ - phó đô đốc P. Murugesan - cho biết tham vọng của hải quân Ấn Độ là sẽ phát triển hạm đội tàu chiến và tàu ngầm 137 chiếc hiện nay lên 200 chiếc trong vòng 12 năm tới.
Hợp tác với Nga
Giới chuyên gia cho rằng trước sức ép từ việc Trung Quốc bành trướng các hoạt động quân sự ở Biển Đông và đang tiến ra Ấn Độ Dương, Ấn Độ buộc phải tăng cường sức mạnh tấn công và phòng thủ trên biển của mình.
Phó đô đốc Murugesan khẳng định hải quân nước này đã bàn bạc với Nga hợp tác đóng ba tàu khu trục lớp Grigorivich, một phiên bản cải tiến của sáu tàu khu trục lớp Talwar mà nước này đã có được trong giai đoạn 2003-2013.
“Hiện mới chỉ là thảo luận thăm dò, khi chúng tôi quyết định thì tàu sẽ được đóng ở Ấn Độ” - phó đô đốc Murugesan giải thích.
“Chính phủ Ấn Độ đã chấp thuận cho trang bị sáu tàu ngầm hạt nhân SSN hồi đầu năm 2015. Chúng tôi đã bắt tay vào việc, nhưng những dự án lớn như thế cần phải có nhiều thời gian khoảng 15 năm. Tuy nhiên, hải quân Ấn Độ có thể rút ngắn được thời gian” - phó đô đốc Murugesan cho biết.
Video: Mỹ 'nắn gân' Trung Quốc ở Biển Đông
Mỗi năm, New Delhi có thể đóng mới trung bình 4-5 tàu. Với tuyên bố này của hải quân Ấn Độ, ngành đóng tàu nội địa của nước này phải đẩy mạnh năng lực sản xuất lên nhiều lần.
Chuyên gia thuộc Quỹ nghiên cứu Người quan sát của Ấn Độ Darshana Baruah viết trên tờ The Strategist rằng việc có thể xảy ra cơn ác mộng khi Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ quân sự trên Biển Đông hay không sẽ vẫn còn là bài toán chưa biết kết quả. 
Bởi cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều tính toán, cân nhắc ảnh hưởng của nó đến lợi ích và sự phát triển của chính họ.
Lập trường rõ ràng hơn
Ấn Độ là quốc gia vốn có truyền thống luôn giữ khoảng cách an toàn trong việc bình luận trực tiếp đến các vấn đề như tranh chấp ở Biển Đông. 
Tuy nhiên, dưới thời của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, giới chức chính trị nước này dần có lập trường rõ ràng hơn về tình hình ở Biển Đông.
Theo tạp chí The National Interest của Mỹ chuyên về các vấn đề quốc tế, thái độ của New Delhi về an ninh biển ở châu Á - Thái Bình Dương đang cho thấy quốc gia này có thể gác chính sách “không liên kết” của họ sang một bên khi cần thiết.
Giới chức Ấn Độ giờ đây không còn ngần ngại đưa ra những bình luận về việc cần thiết giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. 
Không chỉ bằng lời nói, New Delhi đã có những động thái trên thực tế, đó là việc ký kết một tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng đã xúc tiến những cuộc đàm phán với các nước trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác an ninh, nhất là trong lĩnh vực biển, nhấn mạnh rất rõ ràng tranh chấp ở Biển Đông có nguy cơ gây ra bất ổn đối với an ninh khu vực ở các diễn đàn như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN năm 2014.
New Delhi đang nhận thức rằng Biển Đông là một yếu tố quan trọng cho mối quan hệ của New Delhi với khu vực phía Đông, cả về thương mại lẫn chiến lược. 
Để tăng cường mối quan hệ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ phải thể hiện như một “nhân tố an ninh đáng tin cậy trong khu vực".
Theo Economist Times, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện trong tuyên bố chung nhân chuyến công du tới New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1/2015.
Tại New Delhi hồi đầu tháng 3/2015, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - đô đốc Harry Harris - đề nghị hải quân Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông khi ông cho biết Mỹ quan ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 4/6, New Delhi và Washington đã thảo luận về tình hình Biển Đông và đưa ra những biện pháp nhằm ổn định khu vực này trước những thông tin Trung Quốc đang gây thêm căng thẳng ở vùng biển Đông Nam Á bằng hàng loạt hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc thêm tàu vào Biển Đông
Sau năm tháng hạ thủy và chạy thử trên biển, hải quân Trung Quốc hôm 15/7 đã bổ sung một tàu bán ngầm tự đóng Đông Hải Đảo 868 (Donghaidao 868) cho hạm đội Hải Nam.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết tàu Đông Hải Đảo sẽ hoạt động như một căn cứ ngầm của hải quân nước này ở Biển Đông.
Theo CCTV, chức năng chính tàu này là xây dựng và vận tải trên biển. Nhưng nó cũng có thể biến thành tàu đổ bộ “mẹ” với khả năng chuyên chở các tàu đổ bộ quy mô nhỏ hơn, nhằm thực hiện các cuộc đổ bộ lên đất liền hoặc các đảo nhỏ ở các vùng biển xa.
Chiếc tàu dài 175,5m, rộng 32,4m và độ giãn nước 20.000 tấn, có thể chuyên chở các khí tài quân sự khác của Trung Quốc như trực thăng, tàu đệm khí, xe tăng và cả pháo hạm. Đông Hải Đảo 868 có khả năng hoạt động liên tục trong năm ngày không cần tiếp nhiên liệu.

Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn