Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 5 tỷ USD trong chuyến thăm của ông Putin tới New Delhi hôm 5/10, theo BBC.
Chỉ vài tuần trước, Mỹ đã công bố chính sách trừng phạt các quốc gia mua vũ khí từ các công ty của Nga, mà S-400 là một trong các điểm nhắm đến. Việc New Delhi mua lượng vũ khí khổng lồ từ Matxcơva đẩy Washington vào thế tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ vừa muốn siết chặt trừng phạt chống Nga, vừa không muốn gây tổn hại tới quan hệ quốc phòng với Ấn Độ.
Thế khó của Washington
Tham vọng sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Ấn Độ không phải thông tin bất ngờ đối với Washington, các cuộc đàm phán giữa New Delhi và Matxcơva đã khởi động từ năm 2015. Tuy nhiên, việc Ấn Độ công bố hợp đồng mua S-400 trị giá 5 tỷ USD từ Nga diễn ra vào thời điểm rất trớ trêu với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuối tháng 8, Tổng thống Trump ký đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận, gọi tắt là CAATSA, theo đó áp lệnh trừng phạt lên các khách hàng mua vũ khí từ Nga. Tháng trước, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc sau khi Bắc Kinh mua một lô vũ khí từ công ty Nga, trong đó có tên lửa S-400.
Tuy nhiên, việc Ấn Độ trở thành bạn hàng của Nga lại là một câu chuyện khác. Trong bối cảnh Trung Quốc vươn lên trở thành đối thủ chính của Mỹ từ kinh tế, an ninh tới quân sự, New Delhi nay được coi là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á.
Vài năm qua, giới chức quân sự Mỹ đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trong hàng loạt vấn đề về an ninh, quốc phòng, từ chống khủng bố tới các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển. Washington sau đó đưa ra khái niệm mới, Ấn Độ - Thái Bình Dương, với tham vọng đưa Ấn Độ vào trung tâm tại châu Á, cùng Mỹ và các đồng minh như Nhật và Australia đối đầu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Hợp đồng 5 tỷ USD vừa ký giữa Ấn Độ và Nga, do đó, buộc chính quyền Trump phải đứng giữa hai lựa chọn: trừng phạt New Delhi với hệ quả tất yếu là hủy hoại quan hệ song phương đang ngày càng khăng khít, hoặc trao cho Ấn Độ một ngoại lệ và khiến CAATSA mất đi sức mạnh trừng phạt khi các đối tác khác của Mỹ sẽ có lý do để yêu cầu ngoại lệ tương tự trong tương lai.
Ngay sau khi hợp đồng mua S-400 được công bố hôm 5/10, đại sứ quán Mỹ tại New Delhi tuyên bố luật CAATSA không nhằm "suy yếu năng lực quân sự của các đồng minh và đối tác" của Mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Ấn Độ có được miễn trừ đối với CAATSA hay không, các đại diện của chính quyền Mỹ lại không thể đưa ra câu trả lời.
"Có những tiêu chí nghiêm ngặt cho việc xem xét miễn lệnh trừng phạt, nó dựa trên từng vụ việc cụ thể", phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ nói với CNN.
Trong khi đó, Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết tất cả sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Trump, theo BBC. Trước đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều không đưa ra lời hứa về việc miễn trừng phạt khi thăm New Delhi hồi tháng 9.
Mỹ sẽ làm ngơ cho Ấn Độ?
Các chuyên gia nhận định vấn đề lớn nhất của Mỹ, khi làm ngơ để Ấn Độ mua 5 tỷ USD tên lửa S-400 của Nga, đó là Washington sẽ chẳng còn lý do gì để ngăn cản các nước khác ký những hợp đồng tương tự với giá trị nhỏ hơn.
"CAATSA sẽ trở thành chương trình trừng phạt theo đối tượng nếu nó chỉ nhắm tới một vài quốc gia, thay vì áp dụng phổ quát", Chuyên gia Peter Layton từ Viện nghiên cứu Griffith Asia nhận xét.
Ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng đang quan tâm tới hệ thống tên lửa phòng không S-400, trong đó nổi bật là Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong khối NATO nhưng quan hệ với Mỹ đi xuống không phanh trong thời gian qua.
Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại một khi S-400 đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu về thiết kế của máy bay chiến đấu Mỹ trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Những thông tin quan trọng về thiết kế vũ khí Mỹ sẽ được truyền về Matxcơva thông qua một "cửa hậu" mà Nga có thể đã thiết kế trong hệ thống của S-400.
Các chuyên gia nhận định hợp đồng mua S-400 từ Nga của Ấn Độ ít nhiều sẽ tác động tới quan hệ giữa New Delhi và Washington. Trước mắt, Mỹ có thể sẽ từ chối bán các loại máy bay chiến đấu tối tân nhất cho Ấn Độ trong tương lai.
Tuy nhiên, việc Mỹ từ chối bán vũ khí cho Ấn Độ có thể làm lợi cho chính các đối thủ cạnh tranh của Washington trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Trong 5 năm qua, Mỹ đã tăng gấp 5 lần giá trị xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ, và Ấn Độ hiện chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ, chỉ đứng sau Israel.
Ấn Độ hiện là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, tuy nhiên 72% giá trị vũ khí đó đến từ Nga. "Nếu nhìn vào con số và nguồn gốc vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu, người ta sẽ hiểu vì sao Washington đang cố gắng hơn ai hết kề vai sát cánh bên New Delhi", giáo sư Harsh Pant từ Đại học King, Anh, nhận định.
Giáo sư Pant cho rằng những hợp đồng vũ khí hàng tỷ USD cùng tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ trong chính sách của Mỹ sẽ khiến Washington nương tay trong việc xem xét trừng phạt New Delhi vì việc mua S-400 từ Nga.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu Control Risks Pratyush Rao nhận định Ấn Độ đang tìm cách cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Do đó, việc Washington áp đặt lệnh trừng phạt với New Delhi sẽ càng đẩy Ấn Độ vào vòng tay của Nga. "Quan hệ quốc phòng với Ấn Độ đã trải qua quá trình xây dựng rất công phu, Washington sẽ phải tìm ra giải pháp để bảo vệ quan hệ này".
Video: Dàn vũ khí siêu khủng phô diễn sức mạnh trong lễ duyệt binh của Nga
Bình luận